ClockThứ Ba, 11/02/2014 11:08

Cần một cuộc điều tra xã hội học về văn hóa đọc

TTH - Tri thức, văn hóa và văn minh của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc ngày càng phát triển và phát huy theo thời gian nhờ ngôn ngữ. Cũng từ đó, nhu cầu sáng tạo văn học - nghệ thuật hình thành. Có nhu cầu sáng tạo, lập tức có nhu cầu tiếp nhận. Văn học - nghệ thuật đã trở thành món ăn tinh thần và là sức mạnh đồng hành không thể thiếu của con người cho đến ngày nay. Trong nhu cầu tiếp nhận thành tựu văn hóa, văn học đó, đến thời kỳ hiện đại, người ta nâng lên thành phạm trù văn hóa - văn hóa đọc. Văn hóa đọc mang lại thành tựu vô cùng to lớn cho sự phát triển tri thức, văn minh vật chất và tinh thần cho nhân loại.

Trong bài viết ngắn này, chúng tôi muốn đề cập đến một khía cạnh của lĩnh vực đọc văn học hiện nay trong liên hệ với phạm vi miền Trung (nếu có sự tương thích nào đó, thì cũng có thể quy chiếu cho nhiều miền khác, có lẽ cũng không khập khiễng). Quả là trong và song song với quá trình sống, con người đã xem sự đọc là bản tính tự nhiên và là nhu cầu tinh thần không thể thiếu của mình, dù tính chất và mục tiêu, tâm thế và tâm lý ở mỗi chủ thể đọc có khác nhau. Thời chưa có chữ viết, đọc theo kiểu truyền khẩu, dạng cá nhân với cá nhân hoặc theo kiểu diễn xướng tập thể theo dạng nguyên hợp để đạt hiệu quả cao nhất và nhanh nhất. Khi có chữ viết, thì có thêm sự đọc bằng mắt, bằng tâm, bằng tri âm tri kỷ... Vậy là, từ sự đọc, qua thời gian, đến thời kỳ hiện đại, sự đọc trở thành văn hóa đọc, đặc biệt đối với những chủ thể đọc có ý thức, có chuyên môn với nhu cầu hiểu biết và sáng tạo, có ý thức làm giàu kho ấn tượng, tri thức và kinh nghiệm sống của mình.

Nhưng rồi, cũng như những hình thái hay dạng thức vật chất và tinh thần khác, văn hóa đọc luôn diễn ra khác nhau theo từng thời khoảng, hoàn cảnh khác nhau. Và không phải lúc nào, ở đâu, sự đọc cũng được ý thức và diễn ra thuận lợi, đồng bộ ở mọi chủ thể người. Luôn có sự so le và bất cập ở những tầng lớp, những kiểu tiếp nhận khác nhau, nhất là ở những giai đoạn mà nhu cầu đọc, tâm lý đọc có sự tác động trực tiếp từ đời sống kinh tế và thiết chế xã hội đối với mỗi cá nhân. Vậy là, sự đọc luôn có sự phân hóa trong mỗi cá nhân và cộng đồng, tạo thành cơ chế tâm lý tự vệ của từng chủ thể đọc.
 

Sự giàu có mà thiếu văn hóa đọc thì cũng không còn giá trị toàn diện về nhân cách và nhận vị, thiếu sự cao sang; sự nghèo khó mà có văn hóa đọc thì không nghèo hèn tí nào, trái lại, sự cao sang tăng lên bội phần, nhân sinh và nhận vị được tôn trọng. Khi nào mà mỗi chủ thể người nhận thức từ bản chất máu thịt, từ cơ chế tâm lý khát khao hiểu biết và thưởng thức nghệ thuật như sự sống và hạnh phúc của mình thì khi ấy xã hội phát triển bền vững và cá nhân sẽ thực sự là người chủ hành động và người chủ văn hóa trong ngôi nhà tâm hồn và ngôi nhà sự sống của mình.

Với văn hóa đọc văn học, chúng tôi thấy chưa bao giờ lĩnh vực cao cấp và minh triết nhất này, lại bị xuống cấp và thờ ơ như hiện nay. Điều này có thể liên hệ trực tiếp đến những đối tượng và phạm vi cụ thể là học sinh, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh ngành văn, kể cả giáo viên giảng dạy văn học các cấp. Học sinh tiểu học và trung học thì không thích học văn, không thuộc và hiểu tác phẩm, chỉ học đối phó. Ngành văn ở đại học, hơn 60% sinh viên cũng không mặn mà lắm với sự đọc, nhưng do áp lực thi cử, nên cũng đọc hớt, đọc leo, đọc ăn theo phê bình văn học của các tác giả, các công trình đã công bố trên các báo và tạp chí hoặc sách có liên quan. Họ chưa thực sự đọc theo nhu cầu và tâm lý đam mê với mục đích hiểu biết, khám phá và nhận thức để làm giàu tri thức, phát triển nhân cách và chuyên môn. Họ chưa thấy tác phẩm văn học là cần thiết và thỏa mãn nhận thức thẩm mỹ toàn diện cho mình nên đọc thiếu nghiền ngẫm, đọc hạn chế những tác phẩm bắt buộc mà thôi.
 
Cả cao học ngành văn, khoảng 30 đến 40% học viên, cũng thế. Họ chỉ chạy đua và thực sự quan tâm ở khâu thực hiện đề tài luận văn để bảo vệ ra trường. Chưa kể những học viên kém thì còn nhiều vấn đề bất cập cần bàn bạc để khắc phục. Trong đó, có những người tốt nghiệp ra trường rồi, không tiếp tục phát huy tác dụng và không theo đuổi văn chương nữa, ngoại trừ những người trực tiếp giảng dạy văn học ở các cấp. Ở nghiên cứu sinh, ở giảng viên văn học bậc đại học, cao đẳng và những chuyên gia nghiên cứu văn học thì có khác. Đây là những đối tượng chuyên sâu, cần phải như thế, nhưng lại chiếm thiểu số trong xã hội. Hoặc thử điều tra đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ cấp huyện trở lên trung ương thử xem có bao nhiêu phần trăm đọc sách văn học (trong khi họ là những người cần đọc sách văn học nhất để hiểu cuộc sống và nhân sinh để lãnh đạo nhân dân và đất nước tốt nhất). Câu trả lời sẽ rất buồn. Có một số người thú thật là đọc sách văn học để dễ ngáp, dễ chảy nước mắt và dẫn đến dễ ngủ. Vậy một câu hỏi đặt ra là tại sao có sự tụt hậu, xuống cấp văn hóa đọc văn học của đại đa số như trên? Không phải tác phẩm dở. Sách dịch, sách hay trong nước không thiếu. Điều kiện và phương tiện phục vụ văn hóa đọc ngày càng cao và tiện nghi hơn trước đây rất nhiều. Trình độ dân trí nói chung đều ở mặt bằng tốt nghiệp phổ thông trở lên. Dĩ nhiên là phải kể đến những bất cập, hạn chế của chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên, giảng viên, phải kể đến cơ chế tâm lý tự vệ khi có sự tác động của quy luật cung cầu, của thiết chế kinh tế, xã hội và điều kiện sinh sống, công tác của từng chủ thể. Nhưng dù gì thì những quy luật và cơ chế, thiết chế ấy cũng không phải là tối thượng đến nỗi ảnh hưởng xấu tối đa đến sự đọc văn học như hiện nay.
 
Cần thiết phải có một đề tài điều tra xã hội học về văn hóa đọc nói chung và văn hóa đọc văn học nói riêng để chỉ ra nguyên nhân và hiện trạng này. Nếu không thì trình độ dân trí, thang bậc văn hiến, văn hóa của một dân tộc sẽ xuống cấp, dẫn đến tụt hậu, nếu không muốn nói là sẽ tha hóa theo chiều hướng xấu một cách trầm trọng.
 
Không có trình độ và căn cứ chính xác để đề ra giải pháp và biện pháp, nhưng theo tôi, để khắc phục tình trạng xấu của văn hóa đọc (đặc biệt là văn hóa đọc văn học) nói trên, cần phải chú ý đến những mặt có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến nguyên nhân và kết quả, cá nhân và cộng đồng như sau:  
 
- Xác định và chỉ ra tầm quan trọng của văn hóa đọc, trong đó, văn học là đối tượng quan trọng và hiển minh nhất, tác động trực tiếp đến cơ chế tâm lý tiếp nhận của con người bằng quy luật của tình cảm.
 
- Chủ thể sáng tạo văn học phải chú ý đến “người đọc tiềm ẩn” và người đọc thực tế để xác định “tầm đón nhận” của họ nhằm có những tác phẩm tốt nhất thu hút, hấp dẫn họ một cách tự giác.
 
- Xóa bỏ tâm lý tự vệ tiêu cực ở người đọc, xây dựng cơ chế tự vệ tích cực để người đọc tự giác, đam mê và coi sự đọc là nhu cầu sống, nhu cầu tình cảm chân chính của mình (bất chấp những thiết chế xấu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự đọc).
- Nhà trường là cơ sở chuẩn bị cho cơ chế tâm lý tiếp nhận văn học một cách cụ thể và thiết thực nhất (đặc biệt là từ cấp mầm non, mẫu giáo), xem đây là động lực và nhiệm vụ để phát triển, giáo dục nhân cách toàn diện, kích thích sự yêu thích và đam mê văn học cho những chủ thể tí hon.
 
- Các phương tiện truyền thông đại chúng có những chương trình hỗ trợ linh động và hấp dẫn để kích hoạt văn hóa đọc trong nhân dân, để toàn dân xem sự đọc là món ăn tinh thần quan trọng nhất nhằm xây dựng nhân cách toàn diện và xây dựng đất nước hùng cường.
Hồ Thế Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế

Chiều 29/3, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế với toàn thể viên chức, người lao động của Trung tâm nhằm huy động nguồn lực để đầu tư trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế.

Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế
Đưa di sản Huế ra thế giới

Sự kiện ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế và Global Book Corporation mới đây đã mở ra một chương mới cho việc quảng bá di sản văn hóa Huế tới bạn bè quốc tế.

Đưa di sản Huế ra thế giới
Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Giải thưởng Cống hiến 2024: Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

Tối ngày 27/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện lễ trao giải "Cống hiến lần thứ 18" đã diễn ra. Sự kiện do báo Thể thao và Văn hóa phối hợp cùng Truyền hình Thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation tổ chức nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc nhất trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng Cống hiến 2024 Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

TIN MỚI

Return to top