ClockThứ Năm, 03/10/2013 10:50

Cần “nhiều trong một”

TTH - Cuối cùng thì cũng đã có một hội thi thiết kế sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm được tổ chức ở Thừa Thiên Huế trong năm 2013. Một cơ cấu giải thưởng khá hấp dẫn với giải nhất lên tới 30 triệu đồng. Yêu cầu được đặt ra là các mẫu thiết kế và sản phẩm dự thi phải thể hiện sự sáng tạo, độc đáo, dễ ứng dụng công nghệ - thiết bị tiên tiến vào sản xuất, giá thành hợp lý, sản phẩm mang tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao, thể hiện nét đặc trưng của văn hóa Huế… Nghĩ cho cùng, mục đích hội thi là nhằm giải quyết một trong những yếu kém của ngành du lịch vùng đất Thần kinh đang thiếu những quà tặng, quà lưu niệm xứng tầm với vị thế và thực sự mang lại lợi nhuận.

Rất nhiều quốc gia hay địa phương đã lựa chọn hình thức phát triển quà tặng, quà lưu niệm để quảng bá văn hóa và xây dựng hình ảnh. Năm 2009, Tổng cục Du lịch khuyến khích các địa phương trọng điểm về du lịch chọn biểu tượng về quà, đồ lưu niệm mang đặc trưng và in đậm dấu ấn văn hóa địa phương. Ví như Hà Nội có hồ Gươm, chùa Một Cột, Văn Miếu; thành phố Hồ Chí Minh có chợ Bến Thành, Bến cảng Nhà Rồng. Đặc biệt Huế vùng kinh đô xưa có Kinh thành Huế, đền đài lăng tẩm, sông Hương, cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ. Người ta cũng nói nhiều đến chuyện khi nhận món quà có hình ảnh về Eiffel có ai không thầm ngưỡng mộ và ao ước một lần được đặt chân đến Paris tráng lệ của nước Pháp. Cũng như vậy, nhìn thấy hình ảnh núi Phú Sĩ hay con lật đật Durama, lại nghĩ về văn hóa của xứ sở mặt trời mọc.

Chất liệu để sáng tạo nên biểu tượng cho quà tặng, quà lưu niệm du lịch đất Cố đô là rất nhiều và rất độc đáo, ấn tượng. Quan trọng nhất là phải biết sử dụng biểu tượng văn hóa đã có sự cách điệu trong sản xuất hàng lưu niệm. Người ta đã nhắc nhiều đến người Pháp trong việc tận dụng rất triệt để hình ảnh tòa tháp Eiffel vào mọi sản phẩm lưu niệm của mình. Không những thế, nó còn xuất hiện trên các sản phẩm may mặc, thời trang, kẹo socola… Tương tự là hình ảnh tòa tháp đôi Malaysia mà tôi có dịp trải nghiệm. Ở Huế, hình ảnh mang tính biểu tượng như sông Hương hay chùa Thiên Mụ không còn xa lạ. Vậy nhưng, hiệu quả thực mà nó mang lại xem ra còn quá ít và nhỏ bé.

Nhân chuyện về quà tặng, quà lưu niệm, tôi lại nhớ đến chuyến đi du lịch Malaysia mới đây. Tất cả những thành viên trong đoàn đều có nguyện vọng mua quà tặng sau chuyến đi. Điều đáng nói cuối cùng món quà được chọn lựa và mua với số lượng nhiều nhất là chiếc móc khóa. Là vật dụng bình thường không có gì lạ, chiếc móc khó đã trở thành món quà tặng du lịch xứng đáng. Rõ ràng, có thể nhìn thấy chiếc móc khóa Malaysia hội đủ các yếu tố cần có. Đó là, hình ảnh mang tính biểu tượng văn hóa của đất nước Malaysia (tòa tháp đôi), có giá trị sử dụng thực sự (móc kéo và bấm móng tay), giá cả rẻ hơn so với các loại quà tặng Malaysia khác (dù rằng cũng cả vài chục nghìn đồng tiền Việt). Tôi đã nghĩ đến yếu tố “nhiều trong một” trong kinh doanh quà tặng, hàng lưu niệm của người Malaysia. Đó là điều mà sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm ở Huế không có khi nó chỉ là một thứ để chơi, để nhìn và rất dễ bị hư hỏng.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top