ClockChủ Nhật, 22/02/2015 11:01

Cần nhìn lại vai trò của nông nghiệp

TTH - “Lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây” là đánh giá của HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 9, khóa VI diễn ra vào trung tuần tháng 12-2014.

Đây có thể nói là một tin vui đối với bà con nông dân. Cứ cho rằng có nhiều tác nhân, nhưng chính bà con nông dân chứ không ai khác đã tạo ra “sự tăng trưởng cao nhất” này. Cách đánh giá này phải chăng là chú trọng hơn đến vai trò của nông nghiệp nói chung (nông- lâm - ngư) trong nền kinh tế !?

Nhiều địa phương cần xác định đúng vai trò của nông nghiệp. Ảnh: Võ Nhân

Có một thời kỳ chúng ta đã lấy nông nghiệp làm mũi nhọn kinh tế. Qua nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề, cơ cấu của tỉnh hiện được xác định là du lịch dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Đương nhiên, với việc cơ cấu này, chúng ta đều biết sự ưu tiên nguồn lực cho phát triển nông nghiệp so với các lĩnh vực khác là như thế nào.

Không ai phủ nhận một điều, dịch vụ và công nghiệp tạo ra nhiều lợi nhuận, tạo nhiều công ăn việc làm, nó có tác động nhanh đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trên bình diện chung cả tỉnh việc xác định như vừa nêu là phù hợp. Tuy nhiên ở từng địa phương, đặc biệt là những địa phương có thế mạnh về nông nghiệp cũng nên xác định đúng vai trò của nông nghiệp hơn. Một khi xác định đúng vai trò của nông nghiệp, nông nghiệp mới có cơ hội phát triển ở mức cao hơn, bởi cùng với xác định ưu tiên thì đi cùng với nó phải là những chính sách kích thích. 

 Nhìn vào thực tế ở một số địa phương, thấy có nhiều địa phương, công nghiệp chưa thấy cơ sở công nghiệp nào đáng chú ý; dịch vụ phát triển cũng không phải mạnh nhưng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn cũng không ưu tiên phát triển nông nghiệp. Ví dụ như có địa phương trong khi hạ tầng phục vụ du lịch chưa có gì đáng kể, cũng xác định “từ nay đến năm 2015... dịch vụ du lịch trở thành một trong các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương”. Có thể du lịch của địa phương đó có nhiều tiềm năng thế mạnh thật nhưng chỉ trong vòng một năm “bỗng dưng” biến thành mũi nhọn kinh tế, đôi khi là ý muốn chủ quan chứ chưa hẳn dựa trên nền tảng hiện thực.

Cách xác định định hướng kinh tế cần phải đi vào thực chất hơn để tránh tình trạng, địa phương ba phần tư vẫn là nông nghiệp, chừng ấy tỷ lệ dân số vẫn là nông dân nhưng xác định kinh tế theo kiểu, ví như “Lấy phát triển dịch vụ, công nghiệp làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nâng cao vai trò, tỷ trọng của khu vực dịch vụ thành ngành kinh tế chủ đạo”. 

Dịch vụ muốn phát triển phải tăng nhu cầu tiêu dùng. Mà nhu cầu tiêu dùng phụ thuộc rất lớn vào mức thu nhập của người dân. Phát triển công nghiệp cũng vậy. Có những địa phương hàng chục năm qua chưa hình thành được một cơ sở công nghiệp nào đáng kể, nội lực không dồi dào. Muốn phát triển công nghiệp không thể dựa vào tự thân mà phải dựa vào nguồn lực bên ngoài. Vấn đề là ai sẽ đầu tư vào địa phương A trong khi địa phương B có thế mạnh hơn về vị trí địa lý và một số yếu tố khác? Điều này nói rằng, xác định cơ cấu chưa hẳn là nhìn vào thế mạnh của mình, mà phải đi cùng với so sánh lợi thế trong mối tương quan trong vùng. 

Ở lĩnh vực nông nghiệp đã có không ít bài học thành công như trồng rừng, nuôi tôm trên cát; phát triển các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao; chăn nuôi quy mô vừa... Nông nghiệp phát triển sẽ kéo theo nhiều loại dịch vụ phát triển. Đơn giản như dịch vụ cung cấp phân bón, thức ăn chăn nuôi, cung cấp cây con giống. Cao hơn là cung cấp các dịch vụ khoa học kỹ thuật. Và nông nghiệp phát triển sẽ nâng cao mức sống của đông đảo bộ phận người dân. Khi đó sẽ kích thích các loại hình dịch vụ tiêu dùng phát triển. Và rất có thể, nó là tiền đề cho công nghiệp chế biến phát triển trong tương lai.

Trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh ta. Nuôi tôm trên cát và nuôi lợn siêu nạc với quy mô lớn của một tập đoàn lớn của Thái Lan ở Phong Điền là điều làm cho chúng ta suy lại vai trò của nông nghiệp. Tại sao một tập đoàn lớn của một nước nông nghiệp phát triển hơn ta lại nhìn ngắm vào một lĩnh vực mà ta không ưu tiên? Phải chăng đây là một lĩnh vực phát triển bền vững, đầy tiềm năng, có lợi thế so sánh? Không nói đâu xa, có một doanh nghiệp ở tỉnh ta đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với chuỗi hoạt động liên hoàn từ trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, dịch vụ nông nghiệp... với doanh thu vài trăm tỷ đồng một năm, được nhìn nhận là một doanh nghiệp mạnh trên địa bàn tỉnh cũng là một ví dụ sinh động để chúng ta nhìn lại thế mạnh của nông nghiệp. Nhưng có một điều, phát triển nông nghiệp bây giờ cần phải có một quy mô nào đó cho phù hợp, chứ không phải còn nhỏ lẻ như xưa. Cần một cách nhìn và chính sách của Nhà nước là ở khâu này.

Lê Phương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển

Những năm gần đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các HTX. Trong đó, hoạt động ký kết thi đua do Liên minh HTX phát động là động lực giúp các HTX nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần để HTX phát triển bền vững.

Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển
Ứng phó hạn, mặn

Diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng dự báo gay gắt kéo dài khiến nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn.

Ứng phó hạn, mặn
Xung kích trên mặt trận kinh tế

Phát huy vai trò xung kích, các cấp bộ Đoàn ở Hương Trà đã có nhiều hoạt động tích cực tham gia xây dựng thị xã, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nổi bật trong đó là phong trào phát triển các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ...

Xung kích trên mặt trận kinh tế
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn trao đổi, mùa nắng nóng được dự báo bắt đầu từ những ngày cuối tháng 3 này. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nắng nóng diễn ra gay gắt, diễn biến phức tạp khiến rủi ro, nguy cơ cháy rừng cấp độ cao. Hầu hết các cánh rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là rừng thông cảnh quan, đặc dụng, rừng phòng hộ, keo tràm, kể cả dương liễu vùng cát đều có nguy cơ cháy.

Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng
Return to top