ClockThứ Ba, 03/11/2015 10:36

Cần sớm xem xét công nhận liệt sĩ cho hai trường hợp ở xã Phú Thanh

TTH - Nhiều người dân ở làng Quy Lai (xã Phú Thanh, huyện Phú Vang) day dứt, thời chống Pháp, vào năm 1947, làng có 8 chiến sĩ là tự vệ bị địch bắt, rồi xả súng bắn chết và cùng bị vùi chung một hầm. Vậy nhưng sau đó chỉ 6 người được công nhận liệt sĩ. Gia đình và nhân chứng nhiều lần có đơn gửi chính quyền địa phương, nhưng đến nay 2 trong số 8 chiến sĩ đã ngã xuống ấy vẫn chưa được công nhận.

Theo Thông tư số 28/2013 của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, căn cứ để xác nhận liệt sĩ: 1. Danh sách liệt sĩ lưu tại cơ quan, đơn vị có ghi tên người hy sinh, hoặc giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ ngày 31/12/1994 trở về trước có ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu. 2. Người hy sinh đã được chính quyền và Nhân dân suy tôn đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ nơi hy sinh, được gắn bia mộ liệt sĩ từ ngày 31/12/1994 trở về trước.

Ông Hồ Khắc Dược (85 tuổi, 60 năm tuổi Đảng) không nén được nước mắt nghẹn ngào khi kể lại câu chuyện đau thương gần 70 năm trước. Năm 1947, sau khi tái chiếm, giặc Pháp càn quét, vây ráp, bắt bớ, bắn giết, tình hình rất căng thẳng. Đội cảm tử tự vệ của làng cũng ra đời trong thời gian này, hoạt động bí mật với những vũ khí thô sơ như giáo mác, nguyện chiến đấu vì Tổ quốc. Không ngờ, một du kích địa phương phản bội, theo giặc chỉ điểm. Địch đã tổ chức vây làng, bắt bớ. Cả 8 chiến sĩ cảm tử ngày ấy là Phan Hữu Vấn, Phạm Hữu Cầu, Phạm Hữu Đại, Phạm Phước Đồ, Hồ Khắc Tâm, Hồ Khắc Thế, Hồ Khắc Biết, Hồ Khắc Thí đều rơi vào tay giặc. Chiều ngày 17/3/1947, 8 chiến sĩ bị Pháp đưa ra xử bắn, lấp xác chung dưới một cái hố. Nghe tin, dân làng và người thân các anh nén đau thương, chèo ghe vượt sông đến lặng lẽ moi đất, đưa thi thể 8 chiến sĩ về làng chôn cất trong đêm. Sau giải phóng, 6 trong 8 chiến sĩ nói trên đã được công nhận là liệt sĩ. Riêng hai chiến sĩ còn lại là Phạm Hữu Cầu và Hồ Khắc Tâm đến nay vẫn chưa được công nhận.

Theo thông tin từ các cụ bô lão cùng thời và những người trong họ tộc, khi bị giặc bắn chết, anh Cầu và anh Tâm đang ở độ tuổi hai mươi, chưa có gia đình, vợ con. Gần 70 năm trôi qua, cha mẹ của họ lần lượt qua đời. Vậy nên, hai chiến sĩ bị giặc bắn chết năm xưa bị “bỏ lọt” chưa được công nhận liệt sĩ nay được những người họ hàng xa và các nhân chứng cùng thời đứng ra có ý kiến (đơn gửi chính quyền địa phương và phát biểu trong những lần tiếp xúc cử tri tại địa phương). Ông Hồ Khắc Dược xúc động nhắc đi nhắc lại, lúc cùng tham gia chèo ghe đi lấy xác các chiến sĩ về chôn cất, ông 17 tuổi, hai năm sau thì đi tham gia cách mạng. Với danh dự, trách nhiệm của người đảng viên 60 năm tuổi Đảng, với nhiều bô lão cùng thời, ông ký làm chứng, xác nhận mình biết sự việc, gửi chính quyền địa phương yêu cầu lập thủ tục để cơ quan chức năng công nhận liệt sĩ đối với hai anh Cầu và Tâm. Ông nói đây là trách nhiệm, là sự tri ân. Nhiều lần gửi đơn không có kết quả, đến năm 2009, người dân lại gửi đơn. Các anh đã hy sinh tuổi trẻ, máu xương để hôm nay cuộc sống được thanh bình. Vậy nhưng đến nay có quá nửa số bô lão ký xác nhận làm chứng đã qua đời, mà hai anh Cầu và Tâm vẫn chưa được công nhận liệt sĩ. Theo các ông Hồ Khắc Dược, Phạm Hữu Bỉnh, Phạm Hữu Túc và nhiều bô lão trong làng, trăn trở và nguyện vọng của họ là hai chiến sĩ năm xưa được công nhận liệt sĩ, dù muộn nhưng nén hương tri ân cũng khiến vong linh các anh đỡ ‘tủi phận”, lạnh lẽo.
Cách đây không lâu, khi đến UBND xã Phú Thanh, chúng tôi được bà Văn Thị Kim Liên, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã đang lập hồ sơ của hai trường hợp nói trên để chuyển cơ quan chức năng làm thủ tục. Ngày 27/10/2015, tại Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Phú Vang, ông Trần Nhơn Mâng – Phó phòng phụ trách cho biết: “Trước đây, để được công nhận là liệt sĩ, chỉ cần có 2 người trở lên xác nhận là được. Nhưng khi Thông tư 28 năm 2013 của Bộ LĐ-TB&XH ra đời, căn cứ những quy định tại Thông tư, những trường hợp nói trên không đủ điều kiện. Trước đây, chúng tôi không biết vì sao hai trường hợp trên không được UBND xã Phú Thanh xác nhận. Đến năm 2013, hai trường hợp này được xã xác nhận, chuyển hồ sơ lên huyện thì lại “mắc” thông tư mới. Nhiều trường hợp khác cũng “mắc” chứ không riêng hai trường hợp này. Hiện tại chúng tôi đang chờ đợi chủ trương mới, chính sách mới của Chính phủ để giải quyết những trường hợp như trên”.
Nhiều cán bộ làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực này cũng thừa nhận, Thông tư 28 có nhiều bất cập, đang đề nghị có chủ trương “tháo gỡ”. Mặt khác, với các quy định trước đây, lẽ ra trường hợp các anh Cầu và Tâm phải được công nhận liệt sĩ (như 6 người cùng bị bắn chết). Không hiểu vì sao đến năm 2013 UBND xã mới xác nhận hồ sơ để chuyển Phòng Lao động-Thương binh & Xã hội? Thiết nghĩ, địa phương và cơ quan chức năng cần có văn bản giải trình và kiến nghị lên cấp trên để giải quyết, công nhận liệt sĩ cho hai anh Cầu và Tâm. Đừng để điều đó muộn hơn nữa.
Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh
Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế

Chiều muộn, một người đàn ông lớn tuổi, tóc hoa râm ngồi cặm cụi băng bó hai chiếc chân đế bằng sắt của tấm pano vừa được lắp trên cầu ga Huế. Ông bảo làm thế để tránh thương tích cho người nếu không may va phải, nhất là những ngày này Huế đón người dân, du khách nơi khác về rất đông.

Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế
Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông
Return to top