ClockThứ Bảy, 06/05/2017 05:56
ĐƯA NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀO CUỘC SỐNG:

Cần sự liên kết

TTH - Không ít đề tài nghiên cứu khoa học tham dự các cuộc thi, hội thi, giải thưởng... có tính thực tiễn cao. Tuy nhiên, cơ chế hỗ trợ, liên kết để các đề tài khoa học đi vào đời sống còn bất cập.

Thi công cáp treo D6 thẳng đứng cho tuyến ống vượt sông

Làm lợi tiền tỷ 

Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng (Cuộc thi); Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (Hội thi) và Giải thưởng Khoa học công nghệ (Giải thưởng) là những hoạt động thường niên của Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) nhằm tạo sân chơi cho những người đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học.

Thông qua những hoạt động này, tạo nên sức lan tỏa trong hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT), thu hút được cán bộ, nhà khoa học, doanh nhân, sinh viên, học sinh… tham gia. Nhiều đề tài tham gia được ứng dụng vào thực tiễn, làm giảm công lao động, đem lại năng suất, giá trị kinh tế, xã hội.

Trước thực trạng khai thác cát sỏi trái phép ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và các công trình ven sông, TS. Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cùng các cộng sự đã nghiên cứu tìm nguồn nguyên liệu làm vật liệu xây dựng thay thế cát lòng sông trên địa bàn. Giải pháp tập trung nghiên cứu sử dụng cát mịn kết hợp với đá mi với tỷ lệ phù hợp chế tạo bê tông đạt tiêu chuẩn trong xây dựng các công trình xây dựng, sử dụng đá mi để chế tạo vữa đạt tiêu chuẩn…Với đề tài này, TS. Nguyễn Đại Viên cùng các cộng sự đã vinh dự nhận giải nhì tại Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật 2016.

Thi công mố bê tông cốt thép cáp treo vượt sông, sáng kiến kỹ thuật được áp dụng tại Công ty cấp nước

Đề tài được các công ty sản xuất vật liệu không nung trên địa bàn ứng dụng trong sản xuất. Điển hình như Công ty Gạch không nung Việt Nhật sử dụng đá mi vào sản xuất gạch bê tông cốt liệu. Theo ông Ngô Đắc Duy, Giám đốc Công ty Gạch không nung Việt Nhật, sản phẩm của công ty sử dụng nguồn nguyên liệu chính là mạt đá (đá mi), xi măng, đất đồi chứ không sử dụng cát lòng sông như công nghệ sản xuất bờ lô. Theo tính toán, 100m³ mạt đá sẽ sản xuất ra 80.000 viên gạch không nung tiêu chuẩn, tiết kiệm chi phí từ 25% đến 30% so với các loại gạch nung, bờ lô.

Riêng Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế năm 2015 có 2 đề tài được xướng danh tại Giải thưởng toàn quốc với 1 giải nhất, 1 giải ba. Năm 2016 tham gia 3 đề tài thì đều đạt giải nhất. Tất cả những công trình này đều được công ty đưa vào ứng dụng thực tiễn và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt; trong đó, nhiều công trình khi áp dụng tiết kiệm hàng tỷ đồng, như giải pháp ứng dụng công nghệ cáp treo dây võng treo ống qua sông vượt nhịp lớn trong cấp nước đạt giải nhất Giải thưởng 2016. Giải pháp được ứng dụng cho tuyến ống nối mạng nhà máy nước Bình Điền và Bình Thành, tiết kiệm hơn 1,2 tỷ đồng, tăng hiệu quả chống thất thu nước.

Theo GS.TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp hội, khả năng ứng dụng vào thực tiễn của các đề tài tham dự đã góp phần tích cực tạo hiệu ứng xã hội cho các cuộc thi. Ngoài tổ chức thành công các cuộc thi, Liên hiệp hội còn đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ nổi bật như: phối hợp với hội nông dân, hội người cao tuổi tổ chức chương trình phổ biến kiến thức KHKT cho nông dân, người cao tuổi trên địa bàn tỉnh. Đơn vị còn phát huy lợi thế của công nghệ thông tin, internet tổ chức kênh phổ biến kiến thức qua các trang thông tin điện tử tổng hợp và các website của toàn hệ thống Liên hiệp hội.

Cần sự liên kết

Hiệu quả trong công tác tổ chức và chuyển giao khoa học công nghệ của Liên hiệp hội đã được công nhận. Tuy nhiên, việc đưa các đề tài đến gần hơn với cuộc sống vẫn còn khoảng cách.

Tại lễ kỷ niệm Ngày khoa học công nghệ năm 2016 sau khi trình bày đề tài đạt giải nhất Giải thưởng 2016, PGS.TS. Đinh Thị Bích Lân chia sẻ: Mặc dù các đề tài nghiên cứu hiện nay có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Tuy nhiên, người nghiên cứu rất khó khăn trong quảng bá, đưa sản phẩm vào sản xuất đại trà; nên chăng cần có sự tiếp sức quảng bá từ nhiều phía để những sản phẩm đến gần hơn với thực tiễn.

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế hỗ trợ, tạo động lực đưa các đề tài khoa học đi vào đời sống chưa thực chất. Các chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sáng chế chưa được quan tâm; chưa hình thành hệ thống các dịch vụ khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ, làm cầu nối giữa nhà khoa học với các doanh nghiệp (DN), đưa sản phẩm khoa học vào cuộc sống.

Theo GS.TS. Trần Hữu Dàng, giải bài toán xây dựng mối liên hệ giữa nhà sản xuất, DN với người có ý tưởng sáng tạo khoa học trước tiên phải xây dựng một cơ chế thoáng, khuyến khích, mời các DN đồng hành cùng các cuộc thi tạo tiền đề trong việc tiếp cận với các sáng kiến, giải pháp đưa vào thực tiễn. Để tôn vinh các thành tựu khoa học công nghệ gắn với lưu giữ những thành tựu ấy, chúng tôi đang tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu các đề tài khoa học làm tiền đề cho việc xây dựng bảo tàng khoa học công nghệ về sau.

Theo Ban tổ chức,  hàng năm,  số lượng và chất lượng đề tài tham gia các sân chơi trên có sự chuyển biến rất lớn. Riêng số lượng đề tài tham gia Giải thưởng năm 2016 tăng 69% so với năm 2014. Ban tổ chức xét chọn và trao giải cho 59 công trình xuất sắc; trong đó, có 9 đề tài đạt giải Giải thưởng toàn quốc. Cuộc thi năm 2016 có 125 đề tài tham dự, tăng 40 đề tài so với năm 2015.

Bài, ảnh: Doãn Quan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top