ClockThứ Năm, 31/10/2013 05:46

Cần sự nỗ lực ở người dân

TTH - “Hàng chục hộ dân vạn đò từ TP Huế chuyển về xã Phú Mậu (Phú Vang) không đủ điều kiện cấp đất, phải ở nhà chồ tạm, đò, mui đò. Họ đang rất trông chờ vào sự quan tâm của Nhà nước”- đó là thông tin một số bạn đọc phản ánh đến Báo Thừa Thiên Huế.

Đã giải quyết thêm đất ở, nhà ở

Cuối tháng 10/2013, chúng tôi có mặt ở thôn Lại Tân (Phú Mậu) - nơi định cư của 333 hộ dân vạn đò từ TP Huế chuyển về. Nơi đầu tiên chúng tôi tìm đến là hộ anh Lê Văn Ái. Theo phản ánh trước đó, vợ chồng anh Ái cùng 4 người con đang sống trên chòi làm bằng chiếc mui đò tạm bợ bên hạ lưu sông Hương, không đủ che nắng, che mưa, rất nguy hiểm đến tính mạng mỗi khi trời mưa gió, nhất là khi các thành viên trong gia đình anh đều có biểu hiện của bệnh tâm thần. Gia đình anh Ái là dân vạn đò chính gốc, sống lâu đời tại khu vực 7, phường Vĩ Dạ. Trong cơn bão năm 1985, thuyền bị gió đánh úp, bố anh Ái mất; giấy tờ tùy thân, hộ khẩu của gia đình cũng mất. Tại thời điểm TP Huế thống kê số hộ để thực hiện dự án “Định cư và cải thiện cuộc sống dân vạn đò TP Huế”, hộ gia đình anh Ái không có mặt tại địa phương để đăng ký, nên không được bố trí về nhà ở, đất ở.

Nhà của vợ chồng anh Phan Văn Tý

Tuy nhiên, trong lần đi thực tế này, điều khiến chúng tôi rất vui là gia đình anh đã có một ngôi nhà mới khá kiên cố, khang trang ngay tại khu tái định cư Lại Tân. Dẫu sắc mặt có phần ngô nghê, nhưng khi được hỏi, anh Ái vẫn nói được rằng, ngôi nhà này do chính quyền TP Huế tranh thủ các nguồn hỗ trợ xây dựng cho. Ngôi nhà hoàn thành và đưa vào sử dụng trước khi cơn bão số 11 ập đến. Tìm hiểu của chúng tôi, trước đó, TP Huế đã họp các ngành liên quan và chỉ đạo cơ quan chức năng làm hộ khẩu cho gia đình anh Ái để đủ điều kiện cấp đất. Thông qua nguồn kinh phí vận động của UBMTTQ Việt Nam TP Huế, quỹ “Vì người nghèo”, nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn, TP Huế đã phối hợp với xã Phú Mậu tiến hành giao đất và xây dựng nhà cho gia đình anh Ái.

Dự án “Định cư và cải thiện cuộc sống dân vạn đò TP Huế” đã kết thúc. Bước đầu, người dân vạn đò đã ổn định cuộc sống, hòa nhập với người dân trên bờ. Trẻ em được huy động đến trường đạt tỷ lệ cao. Một số hộ chuyển đổi ngành nghề, góp phần nâng cao cuộc sống.
 Riêng dân vạn đò TP Huế về định cư ở xã Phú Mậu (Phú Vang) được bố trí nhà ở, đất ở thuộc vùng đất cao nhất ở xã, được xây dựng âu thuyền để thuận lợi trong việc đánh bắt. Các công trình phúc lợi như nhà mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng, trạm y tế cũng được quan tâm xây dựng thêm với nguồn kinh phí khá lớn.
Theo kế hoạch, trong tháng 11/2013, lãnh đạo TP Huế và huyện Phú Vang, xã Phú Mậu sẽ bàn giao dự án.

Thông tin từ UBND TP Huế cho biết thêm, đầu tháng 10/2013, trong buổi làm việc với huyện Phú Vang để xử lý tồn tại và kế hoạch tiến hành bàn giao dự án định cư và cải thiện cuộc sống dân vạn đò, lãnh đạo TP Huế và huyện Phú Vang thống nhất điều chỉnh quy hoạch, phân thêm 16 lô đất tại khu tái định cư ở thôn Lại Tân. Trước mắt, bố trí định cư cho 4 hộ vạn đò có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, đã giao nhiệm vụ cho Ban Đầu tư và Xây dựng TP Huế phối hợp với các phường liên quan và xã Phú Mậu rà soát lại các hộ gia đình đủ điều kiện để bố trí tái định cư dứt điểm tại các lô đất còn lại.

Trông chờ chính sách Nhà nước

Quan sát hai bên phía âu thuyền và khu vực hạ lưu sông Hương thuộc thôn Lại Tân, chúng tôi nhận ra còn không ít hộ vạn đò đang sinh sống trong những chiếc lều, nhà chồ tạm, đò, mui đò rất khổ sở, nhếch nhác, không an toàn. Chiếc lều nhỏ của vợ chồng anh Phan Văn Tý, Dương Thị Huệ khoảng 10m2 nhưng có 5 thành viên đang sinh sống. Anh Tý kể lại, 4 năm trước, gia đình anh theo bố mẹ và anh em từ phường Phú Bình (TP Huế) về đây. Cả gia đình 9 khẩu (bố mẹ, 2 em và gia đình anh) được cấp một lô đất. Nhà cửa chật chội, nên vợ chồng anh quyết dắt díu nhau làm cái chòi gần sông để ở. Khi mưa to, gió lớn thì xin các nhà kiên cố gần đó để tá túc. “Vợ chồng tui làm nghề đánh bắt cá, không đủ ăn nên nhà cửa đành chờ Nhà nước” - anh Tý nói.

So với lều của anh Tý, căn chòi của vợ chồng anh Nguyễn Văn Thành càng thảm thương hơn, chỉ làm bằng một cái mui đò rộng chưa đầy 4m2. Ấy vậy mà đây là chốn đi về của 2 vợ chồng anh và 3 đứa con. Vợ anh - chị Trần Thị Thu Sương làm nghề may, mỗi tháng kiếm được gần 2 triệu đồng. Còn anh Thành làm nghề đánh bắt cá, ngày nắng kiếm được trên dưới một trăm ngàn đồng, riêng mùa mưa gió này thì ngồi không ở nhà. Anh Thành cho biết, theo quy định đề ra, đại gia đình anh gồm 17 khẩu được cấp một lô và mua thêm một lô đất. Không muốn ở chung, gia đình nhỏ của anh đành ở tạm dưới cái mui đò này. “Giờ chỉ trông chờ vào Nhà nước, còn không đời vợ chồng tui, con cái tui cũng chỉ ở dưới cái mui đò này mà thôi”- anh Thành bộc bạch. Khi hỏi chuyện, chị Lê Thị Hôm, trong cái mui đò nhỏ cạnh âu thuyền cách đó không xa lúi cúi chui ra, giọng tha thiết: “Mong Nhà nước giải quyết cho một lô đất, diện tích to nhỏ gì cũng được, chứ ở như thế này cực quá”.

Tìm hiểu dự án “Định cư và cải thiện cuộc sống dân vạn đò TP Huế” 4 năm nay, chúng tôi nhận thấy, Trung ương, tỉnh, TP Huế, huyện Phú Vang và xã Phú Mậu rất quan tâm hỗ trợ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân ổn định cuộc sống. Gần 1.000 hộ dân vạn đò trên sông Hương được định cư ở xã Phú Mậu (huyện Phú Vang), phường Hương Sơ, Phú Hậu (TP Huế) là một thắng lợi lớn từ dự án. Số ít hộ còn lại chưa ổn định cuộc sống như đã nêu, cần tiếp tục được quan tâm, chia sẻ, thông cảm. Song cũng cần hiểu rằng, sự quan tâm nào cũng có giới hạn. Như mọi người dân lao động bình thường, bản thân các gia đình cần phải nỗ lực trong lao động, thực hiện tốt công tác dân số-KHHGĐ... để tự chủ hơn trong cuộc sống.

Ông Trần Hiếu Cơ, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu (huyện Phú Vang):
 
“Không nên trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước”
 
Thời gian qua, phía TP Huế đã quan tâm, thực hiện có hiệu quả dự án định cư và cải thiện cuộc sống dân vạn đò tại xã Phú Mậu. Tuy nhiên, có một số vướng mắc, tồn tại cần tiếp tục phối hợp với xã để giải quyết như: những hộ đã nhận đất nhưng không làm nhà, trách nhiệm trong việc quản lý hệ thống điện công cộng...
 
Các trường hợp đảm bảo hưởng chính sách của dự án định cư dân vạn đò đều được giải quyết hết. Riêng đối với 19 hộ dân đang ở đò, lều tạm, chúng tôi nghĩ rằng, các hộ dân này không nên trông chờ vào Nhà nước. Sự quan tâm nào cũng có mức độ. Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, lo đất ở, nhà ở cho các hộ chính (hộ bố mẹ). Đối với các hộ phụ (hộ con cái) cần phải biết lo. Trước đây, các hộ này ở chung với bố mẹ, bây giờ cũng cần chịu khó ở chung như vậy. Chính người dân bản địa cũng phải lo phát triển kinh tế để có tiền mua đất, xây nhà. Trong đợt đấu giá đất tại xã vừa qua, có một số hộ vạn đò tham gia đấu đất và đã mua được đất. 
 
Ông Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Huế:
 
“Sẽ tổ chức tháo dỡ lều, quán phía âu thuyền...”
 
Chính sách hỗ trợ và quy định về bố trí nhà, đất tái định cư dự án vạn đò được thực hiện theo Quyết định số 2420/QĐ-UBND ngày 17-11-2011 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Tùy theo số nhân khẩu và số cặp vợ chồng trong mỗi hộ gia đình (theo hộ khẩu), các hộ được bố trí nhà và đất theo đúng quy định. Đến nay, UBND TP Huế phối hợp với UBND huyện Phú Vang đã chỉ đạo tổ chức bố trí định cư cho toàn bộ các hộ dân theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, tại khu quy hoạch tái định cư vạn đò xã Phú Mậu, qua kiểm tra, vẫn còn 19 hộ đang ăn ở trên đò, dựng nhà chồ tạm để ở. Các hộ này từng được giải quyết bố trí tái định cư theo quy định của dự án, nhưng do trong cùng một căn hộ có đông nhân khẩu, nhiều cặp vợ chồng, khó khăn trong sinh hoạt nên các hộ này “ra riêng”.
 
Vừa qua, lãnh đạo TP Huế đã chỉ đạo Ban Đầu tư và Xây dựng TP Huế phối hợp với UBND xã Phú Mậu thông báo cho các hộ gia đình không đủ điều kiện bố trí đất, nhà đang làm lều, quán ở phía âu thuyền, nhà chồ trên âu thuyền, sông tiến hành tháo dỡ, bàn giao mặt bằng. Nếu sau thời hạn quy định, các hộ không thực hiện giao trả mặt bằng, UBND TP Huế sẽ phối hợp với UBND xã Phú Mậu tổ chức tháo dỡ, cưỡng chế. TP Huế và huyện Phú Vang cũng đã chỉ đạo, giao trách nhiệm cho Đoàn kiểm tra liên ngành chống việc quay trở lại sinh sống trên mặt nước của các hộ dân vạn đò; kiểm tra, vận động các hộ chấp hành, cam kết không được tái lấn chiếm mặt nước để ăn ở. Mặt khác, giao trách nhiệm cho chính quyền, công an địa phương quản lý mặt nước, kiểm tra không để các hộ sinh sống trên thuyền thuộc địa phương mình quản lý.

 

Thùy Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian

Những bức tranh bích họa dọc theo nhiều tuyến đường ở Huế được coi là địa điểm check in hấp dẫn, thu hút nhiều du khách và giới trẻ. Song, theo thời gian, những hình ảnh sống động, đẹp mắt, độc đáo và ý nghĩa ấy đã hoen ố, một số bức bị xuống cấp, bôi bẩn, mốc meo.

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian
Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào
Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện vọng chung của cả cộng đồng xứ Huế. Nó đã đi vào đời sống và đang dần tạo thành thói quen tự giác nơi mỗi thành viên…

Buồn vui chuyện… rác
Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn

Suy cho cùng, ý thức người dùng mới là quan trọng nhất. Nhưng nói ý thức chung chung thì khó quá, còn làm thế nào để buộc mọi người phải có ý thức trong cái sự xử lý "đầu ra" tế nhị và nhạy cảm kia thì lại là câu hỏi không hề dễ.

Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn
Return to top