ClockThứ Năm, 27/04/2017 05:56
CHI TRẢ BẢO TRỢ XÃ HỘI QUA DỊCH VỤ BƯU ĐIỆN:

Cần sự phối hợp

TTH - Thực hiện chi trả trợ cấp xã hội (TCXH) cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng thông qua hệ thống dịch vụ bưu điện theo Quyết định số 738/QĐ-UBND ngày 13/4/2016 của UBND tỉnh, từ tháng 6/2016, Bưu điện tỉnh tổ chức công tác chi trả chế độ (TCXH) cho các đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH). Quá trình chi trả đã nảy sinh một số bất cập cần được khắc phục.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung ký kết Thỏa thuận cung ứng dịch vụ Bưu chính - Hành chính công với ông Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam năm 2017

Còn bất cập

Xã Phong Hòa, huyện Phong Điền có gần 700 đối tượng BTXH  gồm người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ mồ côi, phụ nữ đơn thân, người cao tuổi neo đơn vả thân nhân chăm sóc người khuyết tật nặng… được hưởng chế độ trợ cấp. Trước đây, khoản chế độ này được cán bộ phụ trách lao động-thương binh-xã hội xã chi trả. Theo đó, những biến động về số người (tăng, giảm) nhận trợ cấp được cán bộ xã cập nhật hàng tháng. Quá trình chi trả, cán bộ xã được hưởng thêm phụ cấp 360.000 đồng/tháng. Từ tháng 6/2016, chế độ trợ cấp xã hội được chuyển sang cho bưu điện chi trả.

Theo ông Trần Văn Hóa, cán bộ lao động-thương binh-xã hội xã Phong Hòa, trước đây, cán bộ của xã chi trả tiền BTXH cho người dân đều thông suốt, không xảy ra vấn đề gì. Những hộ nào được hưởng trợ cấp đều được chi trả kịp thời trong tháng. Mọi thắc mắc về chế độ, chính sách của các đối tượng đều được cán bộ xã giải đáp thấu tình đạt lý. Do người được bảo trợ nằm trên địa bàn xã nên cán bộ phụ trách dễ quản lý (kể cả mặt tăng, giảm). Khi chế độ này chuyển qua cho bưu điện chi trả đã xảy ra một số vấn đề. Nổi cộm nhất là những trường hợp qua đời, di chuyển hộ khẩu đi nơi khác, nhưng nhân viên bưu điện không thể biết được mà vẫn có trong danh sách chi trả, dẫn đến việc tồn đọng trong chi trả. Trong khi đó, nhân viên bưu điện không phối hợp với xã trong những vấn đề này…

Bên cạnh đó, những trường hợp mới bổ sung vào hưởng trợ cấp cũng gặp không ít phiền hà. Tại thôn Trung Cọ Mè, xã Phong Hòa, bà Lê Thị Xê, Lê Thị Cháu được UBND huyện ra quyết định hưởng chế độ người cao tuổi từ tháng 1/2017. Khi có danh sách nhận chế độ trợ cấp (tháng 3/2017), bà Xê và bà Cháu chỉ được nhận trợ cấp tháng 3/2017 mà không được truy lĩnh số tiền đã có trong quyết định là tháng 1 và tháng 2. Đem thắc mắc này hỏi nhân viên bưu điện (người chi trả), bà Xê và bà Cháu chỉ nhận được câu trả lời là danh sách như thế nào họ chỉ chi trả vậy, những chuyện khác họ không biết. Bà Xê và bà Cháu đành phải lên UBND xã Phong Hòa để hỏi thì được biết, bà vẫn được truy lĩnh số tiền từ khi có quyết định. Vậy là UBND xã lại phải báo cáo Phòng Lao động-Thương binh-Xã hội huyện Phong Điền bổ sung tên 2 bà này vào danh sách được truy lĩnh và bưu điện mới chuyển số tiền trong 2 tháng cho bà Xê và bà Cháu.

Ông Trần Văn Nguyện, Chủ tịch UBND xã Phong Hòa còn cho biết, có lúc, bưu điện chỉ chi trả cho tất cả các đối tượng vào một ngày hàng tháng. Trong khi đó, địa điểm chi trả là bưu điện xã diện tích quá nhỏ, bàn ghế ít, đối tượng nhận bảo trợ đều là người già, phải đứng tràn cả ra đường, khiến nhiều người dân bức xúc.

Không riêng gì xã Phong Hòa, qua phản ánh của người dân, chúng tôi đều nhận được những điều còn tồn tại ở những phường, xã khác. Trong đó nhiều nhất là thái độ phục vụ, không thể trả lời những vấn đề người dân thắc mắc và địa điểm chi trả không đảm bảo…

Cần phối hợp

Giữa tháng 3 vừa qua, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Phong Điền tổ chức cuộc họp có sự tham gia của Bưu điện huyện, chính quyền địa phương. Tại cuộc họp, các thành viên thẳng thắn nêu ra những mặt tồn tại và hướng khắc phục. Trong đó, Bưu điện huyện và chính quyền địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ để chi trả kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo tiền trợ cấp phải đến tay đối tượng trong tháng. Đến nay, tại xã Phong Hòa, Bưu điện huyện đã tổ chức tại 5 điểm chi trả gồm các thôn Phước Tích, Mỹ Xuyên, Trạch Phổ, Ưu Điềm và Đức Phú, tạo điều kiện cho người nhận trợ cấp đi lại thuận tiện.

Thống kê của Bưu điện tỉnh, đến nay bưu điện đã chi trả chế độ BTXH tại 178 điểm ở 152 phường, xã. Hàng tháng, bình quân, bưu điện chi trả cho hơn 51.400 đối tượng với số tiền chi trả trên 19,570 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả thành công tính đến thời điểm thanh quyết toán đạt 99%.

Ông Trịnh Đức Hiệp, Phó Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Phong Điền cho biết, toàn huyện có 6.566 đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó, xã thấp nhất là Điền Hương với 218 đối tượng, xã Phong Hòa nhiều nhất với 692 đối tượng. Việc chuyển cho bưu điện chi trả chế độ TCXH là chủ trương đúng, góp phần xã hội hóa công tác này. Tuy nhiên, bước đầu thực hiện có nơi, có chỗ sự phối hợp giữa bưu điện và chính quyền địa phương chưa được nhịp nhàng. Trong khi đó, nhân viên bưu điện chưa thể biết hết mặt, hết tên của đối tượng, dẫn đến sai sót. Trách nhiệm của địa phương là phải lập hồ sơ, thủ tục cho những đối tượng được hưởng và cả những đối tượng chết, chuyển đi nơi khác…Bên cạnh đó phải kiểm tra, giám sát công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Chính vì lẽ đó, giữa bưu điện và chính quyền địa phương cùng với Phòng phải phối hợp chặt chẽ để công tác chi trả đi vào nề nếp.

Ông Dương Văn Hà, Giám đốc Bưu điện tỉnh khẳng định: Việc phê duyệt phương án thực hiện chi trả TCXH cho đối tượng BTXH tại cộng đồng thông qua hệ thống dịch vụ bưu điện được thực hiện theo Quyết định số 738/QĐ-UBND ngày 13/4/2016 của UBND tỉnh. Bưu điện tỉnh đã phối hợp với Sở LĐTB&XH tập huấn các hình thức, cách thức chi trả để đảm bảo đúng đối tượng, an toàn nguồn tiền. Quá trình triển khai chi trả, bước đầu có nhiều khó khăn nhất định. Ngoài việc chi trả tại các điểm cố định tại phường, xã, nhân viên bưu điện phải trực tiếp chi trả tại nhà cho các đối tượng già yếu, bệnh tật không thể đi được. Tuy nhiên, đôi lúc danh sách đối tượng có, nhưng địa chỉ không rõ ràng nên gây khó khăn cho nhân viên chi trả. Thời gian tới, xác định công tác chi trả cho các đối tượng BTXH và các đối tượng khác là nhiệm vụ chính trị do Nhà nước và tỉnh giao, bưu điện sẽ tiếp tục khắc phục và điều chính những mặt còn hạn chế, chi trả đảm bảo thời gian, đúng đối tượng, giảm thiểu sai sót. Bên cạnh đó, liên kết, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để thực hiện tốt công tác này. Ngoài ra, nâng cấp một số điểm bưu điện xã, phường như trang bị thêm bàn, ghế, sách, báo…; đồng thời tăng điểm chi trả tạo điều kiện tốt nhất cho bà con khi đến nhận tiền, phấn đấu tăng tỷ lệ chi trả cao nhất.

Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chi trả gần 35 tỷ đồng từ nguồn ERPA

Từ nguồn ERPA (thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính Bắc Trung bộ) những tháng đầu năm nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh (BV&PTR) đã chi trả năm 2023 cho các chủ rừng, UBND cấp xã và các tổ chức khác được Nhà nước giao quản lý rừng tự nhiên với tổng kinh phí gần 35 tỷ đồng.

Chi trả gần 35 tỷ đồng từ nguồn ERPA
Return to top