ClockThứ Năm, 24/11/2016 13:51

Cần tăng cường đội ngũ cộng tác viên công tác gia đình

TTH - Công tác gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động về công tác này gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực ở cơ sở.

Tuyên truyền xây dựng gia đình hạnh phúc của các CLB gia đình

Kiêm nhiệm

Sau khi tách từ Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, công tác quản lý nhà nước về gia đình trên địa bàn tỉnh được chuyển chức năng nhiệm vụ sang Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa và Thể thao). Cấp huyện do phòng Văn hóa và Thông tin đảm nhận, ở cấp xã do đội ngũ công chức văn hóa của 152 phường, xã, thị trấn kiêm nhiệm. Đặc thù của công tác gia đình là thực hiện chức năng phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền vận động xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình đến tận từng gia đình ở cơ sở. Những năm qua, đội ngũ này đã vượt lên khó khăn và thực sự là nòng cốt cho các hoạt động ở cơ sở. Tuy nhiên, chỉ với một cán bộ làm công tác kiêm nhiệm nên không thể bao quát dẫn đến chất lượng hoạt động thấp. Ngoài ra, việc thiếu kinh phí, chưa có có chế độ chính sách cụ thể, đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình tại cơ sở không ổn định do thường xuyên bị luân chuyển nên việc thu thập thông tin, nắm bắt tình hình về công tác gia đình chưa sâu sát, kịp thời.

Ở cấp thôn, công tác gia đình phải nhờ đội ngũ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố kiêm nhiệm. đội ngũ này đảm nhận nhiều việc, nên với công tác gia đình, họ cũng không thể làm hết trách nhiệm. Ông Hoàng Hồng Bi, tổ trưởng tổ dân phố 3, phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy chia sẻ: “Mọi việc trong tổ dân phố đều đến tay tổ trưởng nên chúng tôi quá nhiều việc. Kiêm nhiệm thêm công tác gia đình, hàng năm chúng tôi đều làm công tác điều tra, thống kê bộ chỉ số về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình... Trách nhiệm phải làm nhưng nhiều việc, làm không hết nên đôi khi cũng làm cho có, chưa hoàn thành hết trách nhiệm và có khi còn đối phó, lơ là”.

Bà Lê Thùy Chi, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao cho hay: “Công tác gia đình có nhiều việc cần điều tra đến tận cơ sở, tận gia đình, như 17 chỉ số về công tác gia đình, 25 chỉ số về phòng chống bạo lực gia đình, việc triển khai các mô hình phòng chống bạo lực gia đình, việc hướng dẫn và triển khai hoạt động của các loại hình câu lạc bộ về gia đình, rồi việc tuyên truyền, vận động thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về Gia đình và đặc biệt là các bộ Luật liên quan đến gia đình. Việc trên thì nhiều nhưng dưới không có người triển khai nên công tác gia đình ở cơ sở gặp khó khăn. Dựa vào đội ngũ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thì bị động và hiệu quả không cao, họ kiêm nhiệm bao nhiêu việc ở cơ sở nên số liệu điều tra về công tác gia đình không thống nhất. Hàng năm, tỉnh phải báo cáo số liệu lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng số liệu ở cơ sở không chính xác nên chúng tôi thấy không yên tâm. Hơn nữa, họ làm thêm công tác này nhưng không được hưởng thêm phụ cấp gì nên sự nhiệt huyết cũng có chừng mực”.

Để tuyên truyền cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ và có ý thức xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc thông qua các văn bản pháp luật về công tác gia đình cũng như kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình, về bình đẳng giới... là công tác “mưa dầm thấm lâu”, cần tuyên truyền đến tận gia đình. Cán bộ khi đi vận động phải khéo léo lồng ghép hoạt động này trong các buổi sinh hoạt dân cư, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, ngoài việc tuyên truyền trên báo chí, hệ thống phát thanh của xã, phường. Vậy nhưng, thôn, tổ dân phố chưa có đội ngũ CTV chuyên trách nên công tác tuyên truyền ở cơ sở chưa thực sự hiệu quả.

Cần thiết có đội ngũ CTV

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt đề án kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đến năm 2020, trong đó có nội dung xây dựng mạng lưới cộng tác viên gia đình ở cơ sở. Sau đó, UBND tỉnh cũng đã có quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ. Lộ trình đến năm 2020, 100% thôn, tổ dân phố có CTV công tác gia đình.

Theo bà Lê Thùy Chi, công tác gia đình hiện có nhiều thông tư, chỉ thị, mô hình yêu cầu bức bách cần triển khai nên cần thiết phải có đội ngũ CTV chuyên trách ở cơ sở để triển khai. “Không nhất thiết phải thành lập một đội ngũ riêng mà có thể phối kết hợp với đội ngũ CTV dân số hoặc trẻ em đã có sẵn làm thêm công tác gia đình. Đồng thời, bổ sung thêm cho đội ngũ này hệ số phụ cấp, có thể là 0,1 mức lương cơ bản để gắn họ với trách nhiệm, để họ có thêm động lực làm việc. Không nhất thiết mỗi thôn, tổ dân phố phải có một CTV mà có thể kết hợp 2 thôn, tổ dân phố có một CTV”, bà Chi đề xuất.

Ngành Văn hóa và Thể thao cấp tỉnh và cấp huyện rất mong muốn có một mạng lưới CTV ở cơ sở, nhưng trong điều kiện khó khăn hiện nay, việc thêm kinh phí là khó. Trước mắt, bên cạnh việc xây dựng đề án và lộ trình thực hiện trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, ngành Văn hóa và các địa phương phải tận dụng đội ngũ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố để đáp ứng phần nào công việc. Khi chưa xây dựng được mạng lưới CTV, những người làm công tác gia đình mong muốn có sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo trong việc phối hợp các ngành liên quan, động viên tăng thêm phần trách nhiệm, chức năng của công tác gia đình cho đội ngũ CTV các ngành khác ở cơ sở.

Nguyệt Tú

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường công tác dân vận ở những nơi còn vướng mắc, khó khăn

Đây là thời điểm mà cả hệ thống chính trị trong tỉnh tăng tốc thực hiện công tác dân vận (DV), nhất là “DV khéo” để củng cố, tạo sự đồng thuận cao hơn nữa của người dân, hướng đến mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết (NQ) 54 của Bộ Chính trị.

Tăng cường công tác dân vận ở những nơi còn vướng mắc, khó khăn
Return to top