ClockThứ Tư, 25/03/2020 06:45

Cẩn thận khi chọn đồ chơi cho trẻ

TTH - Đồ chơi cho trẻ lâu nay đã trở thành mặt hàng được các gia đình có trẻ em quan tâm. Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã ban hành Thông tư số 09/2019/TT-BKHCN (Thông tư 09) quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn của mặt hàng này để các bậc phụ huynh có thêm “kênh” thông tin lựa chọn.

Động thổ xây dựng nhà máy sản xuất đồ chơi dành cho trẻ emCha mẹ cần cẩn trọng khi mua đồ chơi thông minh cho trẻ

Quầy trưng bày đồ chơi ở các siêu thị luôn hút trẻ em

"Con thích là mua"

Mỗi tháng không dưới đôi lần chị Phạm Thị L. (thị trấn Phong Điền, Phong Điền) đi mua đồ chơi cho con. Để yên tâm về chất lượng, chị L. thường dẫn con đến cửa hiệu ở siêu thị chọn mua. Lý giải sao lại chọn mua đồ chơi tại các cửa hàng ở siêu thị, chị L. nói, theo cảm quan bằng mắt thường nhìn thấy tốt hơn, sạch sẽ hơn so với khi mua ở một số chợ.

Thường hay mua đồ chơi cho con 5 năm nay, anh Lê Văn T. (P. Phú Bài, TX. Hương Thủy) cũng lựa chọn siêu thị là điểm mua sắm. Anh nêu quan điểm, sản phẩm bền tốt là tùy giá trị "tiền nào của ấy", nhất là anh đặt niềm tin vào những sản phẩm có gắn mác nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức... Anh T. nói: “Có 2 yếu tố quyết định. Thứ nhất đồ chơi phải phù hợp với độ tuổi của các con, thứ hai là con thích".

Với chị Lê Hoài N. (Lê Thánh Tôn, TP. Huế) do điều kiện kinh tế eo hẹp nên ít khi mua đồ chơi cho con. Thế nhưng mỗi khi vào dịp sinh nhật của các cháu, chị cũng cố gắng chọn cho những "cô cậu" mình 1-2 món. Điều chị N. quan tâm khi mua sản phẩm là giá tiền. Nếu 1 bộ lego (đồ chơi xếp hình) nhỏ mua ở nhà sách tại siêu thị có giá gần 100 nghìn đồng thì chỉ cần bỏ ra khoảng 30 ngàn đồng là có thể mua được món hàng tương tự ở chợ, hay các quầy bán di động ở vỉa hè.

Những quy chuẩn mới

Ông Trần Quốc Thắng, Phó Giám đốc Phụ trách Sở KH&CN chia sẻ, đồ chơi là một phương tiện giải trí và hỗ trợ để trẻ phát triển toàn diện, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ. Tuy nhiên hiện nay không nhiều phụ huynh biết rằng, sản phẩm đồ chơi có mặt ở thị trường phải công bố hợp quy (tổ chức sản xuất tự công bố sản phẩm phù hợp với các quy định kỹ thuật tương ứng), gắn dấu hợp quy (dấu CR) và ghi nhãn hàng hóa. Đây là “kênh” thông tin quan trọng để người dân lựa chọn sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Mới đây Bộ KH &CN đã ban hành Thông tư số 09/2019/TT-BKHCN (Thông tư 09) ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em. Ban hành kèm theo thông tư này là Quy chuẩn quốc gia QCVN 03:2019/BKHCN mới về an toàn đồ chơi trẻ em. Theo đó kể từ đầu năm 2021, việc nhập khẩu và sản xuất đồ chơi trẻ em trong nước phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật này.

Thông tư 09 quy định cụ thể hàm lượng phthalate (chất phthalate được thêm vào đồ nhựa để làm mềm và biến chất nhựa thành nhựa dẻo) trong đồ chơi trẻ em. Theo đó, đồ chơi trẻ em không được có hàm lượng các phthalate di (2-etylhexyl) phthalate (DEHP), dibutyl phthalate (DBP) hoặc butyl benzyl phthalate (BBP) vượt quá 0,1% khối lượng mỗi phthalate; đồ chơi trẻ em có thể cho vào miệng không được có hàm lượng các phthalate diisononyl phthalate (DINP), diisodecyl phthalate (DIDP) hoặc di-n-octyl phthalate (DNOP) vượt quá 0,1% khối lượng mỗi phthalate.

Tại Thông tư này cũng quy định các chi tiết bằng vải dệt có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết gỗ liên kết bằng kiểu dáng có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 80mg/kg. Formaldehyt là chất đã được Tổ chức Y tế thế giới liệt kê vào loại hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người. Nếu tiếp xúc với formaldehyde trong thời gian dài sẽ gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho da và hệ thống hô hấp, các bệnh về bạch cầu, gây ung thư, nhất là ung thư đường hô hấp...

Ông Trần Quốc Thắng cho rằng, việc đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật nêu trên sẽ làm cho đồ chơi trẻ em trở nên an toàn hơn với sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên đến đầu năm 2022, tiêu chuẩn kỹ thuật này mới bắt buộc đối với các sản phẩm đồ chơi trẻ em lưu hành trên thị trường. Thông tư số 09 cho phép những đồ chơi trẻ em đang lưu hành trên thị trường thực hiện theo quy định cũ.

Thông tư 09 có 1 phần phụ lục liệt kê một số sản phẩm không được xem là đồ chơi trẻ em và các đồ chơi không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn QCVN 03:2019/BKHCN, như ná bắn đá; phi tiêu có đầu nhọn kim loại; súng và súng ngắn hoạt động bằng hơi và khí nén; diều; bộ mô hình lắp ráp, đồ thủ công mỹ nghệ; các loại sản phẩm dùng để trang trí trong các ngày lễ; đồ chơi lắp đặt tại các nơi công cộng…

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hạnh phúc cho em”

Sáng 16/3, hàng trăm phụ huynh và học sinh đã tham dự những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Hạnh phúc cho em” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh cùng Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức.

“Hạnh phúc cho em”
LHQ: Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục

Trong một báo cáo mới vừa được công bố ngày 12/3, Liên Hiệp Quốc cho biết số trẻ em trên toàn thế giới tử vong trước 5 tuổi đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2022, và đây là năm đầu tiên số trẻ nhỏ tử vong giảm xuống dưới 5 triệu.

LHQ Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục
“Điểm tựa” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Sau gần 2 năm triển khai chương trình “mẹ đỡ đầu”, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã nhận giúp đỡ, nuôi dưỡng nhiều trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trở thành điểm tựa để các em vượt qua nghịch cảnh, vươn lên học tập, phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội.

“Điểm tựa” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

TIN MỚI

Return to top