ClockThứ Tư, 06/07/2016 09:45

Cần thêm sản phẩm cho du lịch đêm

TTH - Lượng khách du lịch có tăng hàng năm, song so với các địa phương nằm trong vùng trọng điểm du lịch miền Trung thì Thừa Thiên Huế có tỷ lệ thời gian khách lưu trú thấp nhất: trung bình 2,02 ngày đêm/khách. Đây là thách thức đối với ngành du lịch khi các hoạt động dịch vụ về đêm vẫn chưa có sự đổi thay đáng kể…

Phố đêm Nguyễn Đình Chiểu còn ngắn và còn ít gian hàng lưu niệm đặc trưng Huế

Đơn điệu, thiếu chỗ tiêu tiền

“Đó là câu chuyện dài” - cụm từ của ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch khi nhắc đến sản phẩm du lịch cho đêm Huế. Cũng theo ông Minh, đây là một trong nhóm những nguyên nhân tác động đến tỷ lệ lưu trú thấp.

Điểm lại các hoạt động dịch vụ Huế về đêm, những người làm du lịch đều thừa nhận sự đơn điệu, nhàm chán. “Khi nghe Hội An, vốn đã có đêm phố cổ hấp dẫn nay lại thêm “Đêm Cù Lao Chàm”… tôi thấy sốt ruột cho Huế”, anh Đỗ Văn Dễ - hướng dẫn viên (HDV) Công ty Buffalo Tours trải lòng. “Số lượng khách lưu trú đăng ký tour ở công ty rất ít, họ chỉ đến Huế ban ngày, đêm lại vào nghỉ và mua sắm ở Đà Nẵng, Hội An. Không chỉ riêng tôi mà bạn bè các công ty lữ hành khác cũng đều nói về thực trạng này. Huế chỉ thu được tiền bán vé tham quan mà thôi”, anh Dễ tiếc rẻ.

Là người Huế vào lập nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đã lâu, nay dẫn công ty đến Huế du lịch, anh Văn Thành Ấn cố thuyết phục nhưng các thành viên không đồng ý lưu trú tại Huế vì lý do đêm Đà Nẵng, Hội An thú vị hơn. Anh Ấn nói: “10 năm quay trở lại thấy các hoạt động về đêm phục vụ du lịch xứ mình không có gì mới ngoài ca Huế. Mấy năm trước ra Huế, anh em kêu chán rồi rủ nhau đi bar. Muốn mua sắm, tiêu pha nhưng không tìm ra chỗ xứng đồng tiền bát gạo nên đành phải chuyển hướng đi thôi”.

Trình diễn thời trang áo dài, một sản phẩm du lịch mới của VKStar

Điểm lại điểm đến về đêm, ngoài nghe ca Huế trên sông (không phải ai cũng cảm được trong khi chất lượng biểu diễn chưa cao); phố đêm Nguyễn Đình Chiểu ngắn, mặt hàng chưa phong phú; điểm vui chơi giải trí đúng nghĩa chưa có, phố Tây chỉ có uống bia và vào bar vui chơi… còn lại một số hoạt động chưa thể gọi là sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức hút. Huế còn mang tiếng là thành phố đi ngủ sớm nên làm thế nào để đêm ngắn lại trong mắt du khách là vấn đề khiến người làm du lịch phải suy nghĩ.

Chọn lợi thế để phát triển sản phẩm

Huế vừa được đón nhận danh hiệu “Thành phố xanh quốc gia”, không gian, cảnh quan và môi trường rất phù hợp cho việc dạo bộ, ngồi xích lô ngắm cảnh về đêm. Xét về đặc thù địa thế, có thể tập trung việc phát triển các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí về đêm ở bờ Nam sông Hương.

Chúng tôi đã thực hiện cuộc khảo sát nhỏ tại nhiều điểm đến, đa phần du khách đều hướng đến việc khai thác vẻ đẹp sông Hương. Một người làm kinh doanh vận tải đến từ New Zealand chia sẻ, không gian quanh sông Hương về đêm rất đẹp. Dù khó khăn trong việc đi lại do bị thương ở chân song anh này vẫn đi dạo và mua sắm ở phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. “Không khí trong lành, yên tĩnh, con người thân thiện, tôi nghĩ rất lý tưởng để thư giãn. Tiếc là chưa có đường đi dạo đúng nghĩa và các hoạt động bổ trợ hấp dẫn”, anh này nhận xét. Điều đáng mừng là KOICA (Hàn Quốc) đã giúp Huế quy hoạch chi tiết đôi bờ sông Hương và xây dựng thêm hai tuyến phố đi bộ ở khu vực này. Việc còn lại là tổ chức các hoạt động như thế nào để “nơi được cho là linh hồn của Huế” thực sự sống động về đêm.

So sánh trong cái nhìn tương quan, nhà văn - Việt kiều Trần Kiêm Đoàn gợi ý: “Từng đi nhiều nơi, tôi thấy Huế có thế mạnh về thiên nhiên trong du lịch. Đặc biệt sông Hương có khả năng cung cấp nhiều dịch vụ du lịch độc đáo như: thưởng trà Huế, chèo thuyền ngắm cảnh, ngủ đò (theo khái niệm du lịch thuần tuý)… nếu tổ chức có quy mô và sáng tạo. Du lịch Nhật Bản khai thác triệt để ưu thế thiên nhiên và văn hoá rất thành công. Mô hình này Huế cần tham khảo, học hỏi”.

Có một chút trở lực cho Huế vào mùa mưa, song thời điểm này là mùa đón khách du lịch nước ngoài nên nếu có các khu dịch vụ tập trung vẫn sẽ đáp ứng nhu cầu giải trí, mua sắm về đêm cho du khách. Th.S Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Trưởng bộ môn Lữ hành và Hướng dẫn du lịch Khoa Du lịch ĐH Huế cho rằng, Huế có các sản phẩm cần nâng chất, tổ chức lại, quảng bá mạnh hơn để tạo sự hấp dẫn: ca Huế trên sông, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu… Ngoài ra nên tập trung vào các sản phẩm đặc trưng: Quy hoạch phố làng nghề (khoảng 5-7 làng nghề phổ biến) để du khách đến xem, trải nghiệm làm sản phẩm… Lúc đó họ mới thấm thía nỗi nhọc nhằn của người thợ thủ công và trân quý sức lao động. Bên cạnh đó là việc xây dựng phố ẩm thực - một lĩnh vực được đánh giá là “di sản tiềm ẩn” tiếp theo của Huế. Nơi đây bao gồm nhiều món ăn đặc sản và khách có thể được hỗ trợ trong thực hiện các món ăn đơn giản.

Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận: “Chúng ta còn thiếu điểm vui chơi giải trí xứng tầm. Hiện, đề án phố đêm ở tuyến đường Phạm Ngũ Lão – Chu Văn An – Võ Thị Sáu đang được triển khai. Hy vọng trong tương lai, diện mạo Huế về đêm sẽ thay đổi”.

Đẳng cấp thương hiệu hoàng cung

Phần lớn, khách đến Huế đều lựa chọn loại hình du lịch văn hóa - di sản. Tuy nhiên, sau 17h thì các điểm di tích này đóng cửa (trừ các đợt kích cầu có chương trình riêng). Festival Huế tạo ra những đêm lễ hội với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn; Đại Nội trở thành những sân khấu biểu diễn chương trình truyền thống, đương đại… Tuy nhiên, sau festival, mọi thứ trở về như cũ mà không có chương trình nào được tinh chọn xây dựng thành sản phẩm du lịch thực sự.

Anh Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist nhận định: “Việc giữ chân du khách lưu trú không hề đơn giản khi chúng ta còn thiếu sản phẩm bổ trợ phục vụ thời điểm nghỉ ngơi thư giãn về đêm. Tôi cùng các đơn vị lữ hành đã nghĩ đến việc tổ chức nhã nhạc hàng đêm trong Đại Nội và sẽ bàn bạc với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Đó là sản phẩm tốt và phù hợp trong điều kiện hiện nay”.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (gọi tắt là trung tâm) nói rằng, trên thế giới hiện chưa có nơi nào mở cửa di tích về đêm mà chỉ sử dụng một phần để khai thác bởi có nhiều vấn đề đặt ra như an ninh, con người, kinh phí… “Chúng tôi từng đầu tư, nghiên cứu bài bản để có “Đêm Hoàng cung”, mỗi năm chấp nhận lỗ 1 tỷ đồng nhưng cuối cùng vẫn không có khách. Sản phẩm đã có song không có sự đồng hành, thiếu sự hưởng ứng thì khó lòng thành công”, ông Hải nhận xét.

Tuy nhiên, không vì thế mà trung tâm không vạch ra một chiến lược phát triển hoạt động dịch vụ về đêm nhưng trên tinh thần là sản phẩm đẳng cấp phục vụ cho dòng khách đặc thù. “Trong tương lai, khu Phủ Nội vụ, vườn Cơ Hạ, cung Trường Sanh sẽ là ba điểm đến ngắm cảnh, trình diễn và bán các sản phẩm hoàng cung được phục dựng. Riêng “Đêm Hoàng cung” thu nhỏ vẫn thực hiện theo yêu cầu của khách (bình quân thu được 1 tỷ đồng/năm). Và tôi xin khẳng định, tất cả những sản phẩm này đều cao cấp và xứng đáng với giá trị của nó trong phân khúc thị trường”, ông Phan Thanh Hải nhấn mạnh.

Kế hoạch đã có, phương hướng hoạt động cũng đã định hình song mối lo của ông Phan Thanh Hải chính là chọn được đối tác đầu tư vừa có tầm, vừa tôn trọng văn hóa hướng đến bảo tồn và phát huy di sản bền vững. Đây cũng là “tâm tư” của người đứng đầu ngành du lịch khi nghĩ đến việc thay đổi diện mạo tương lai Huế về đêm như thế nào với khu phố đêm, khu vui chơi đẳng cấp, chợ đêm sầm uất, điểm biểu diễn các loại hình nghệ thuật…

Suy cho cùng, yếu, mạnh đã thấy; được và chưa được cũng đã bàn nhưng có làm hay không và tiến hành như thế nào còn tùy thuộc vào yếu tố con người. Càng không thể để du khách và các hãng lữ hành cứ chê “Đêm Huế chán quá” mãi được!

T.NINH

Ông Nguyễn Minh Dũng, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng:

Tăng cường chiếu sáng nghệ thuật, tạo điểm nhấn đô thị

Chúng ta có hệ thống công viên cây xanh đẹp và dài ven sông, do đó nếu tận dụng lợi thế này phục vụ du khách đi dạo ngắm cảnh về đêm sẽ rất hợp lý.

Ngoài chiếu sáng đường phố, cần tăng cường chiếu sáng nghệ thuật tạo sự nổi bật ở các cụm công trình trọng điểm, khu trung tâm đô thị, tòa nhà hành chính các điểm du lịch… tạo các điểm nhấn đô thị bắt mắt, hấp dẫn du khách. Có thể ưu tiên chiếu sáng khu vực hai bờ sông Hương, tạo cảnh dẹp cho du khách đi thuyền ngắm cảnh trên sông.

Joanna Wollman và nhóm bạn đến từ Trường ĐH Pennsylvania (Mỹ):

Quảng bá nhiều và rộng hơn

Chúng tôi du lịch các nước Thái Lan, Campuchia, Việt Nam… suốt mấy ngày qua. Đến Việt Nam, nhóm đã đi Hà Nội, Hội An và tình cờ ghé Huế. Đêm ở đây rất thú vị và có nhiều thứ bí ẩn nhưng thật tiếc vì nằm cuối lộ trình nên chúng tôi không còn thời gian. Các bạn cần quảng bá nhiều hơn về văn hóa di sản vùng đất này ra nước ngoài và đến các hãng lữ hành lớn.

Về đêm, khách muốn tự khám phá và thư giãn thì không tìm thấy các điểm cung cấp, tra cứu thông tin. Trên đường hiếm thấy bản đồ điểm đến phục vụ du lịch. Tôi nghĩ các tuyến phố trung tâm cần có banner và bản đồ bắt mắt để hỗ trợ du khách.

Ông Trần Sấm - HDV 20 năm trong nghề:

Tiếp thị với các công ty mẹ

Muốn có lượng khách lưu trú tăng, ngoài việc xây dựng các sản phẩm, điểm đến hấp dẫn về đêm, có lẽ ngành chủ quản cần làm việc với các công ty du lịch mẹ, thực hiện các cơ chế ưu đãi, khuyến khích để họ đưa Huế vào trong chương trình du lịch có nghỉ đêm. Xét cho cùng, các đơn vị kinh doanh đều tính đến lợi ích nên nếu đưa ra chính sách tiếp thị tốt, thế nào họ cũng phải cân nhắc trong việc tổ chức nguồn khách, tạo sự gắn bó với Huế.

L.TUỆ (ghi)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024
Tạo lợi thế cạnh tranh từ du lịch chuyên đề

Sản phẩm của du lịch chuyên đề thường mang tính đặc trưng, chuyên sâu và kén người làm, nhưng lại tạo lợi thế cạnh tranh có một không hai. Ở Huế, tiềm năng, tài nguyên du lịch là lợi thế để khai thác các sản phẩm du lịch chuyên đề.

Tạo lợi thế cạnh tranh từ du lịch chuyên đề
Đầu tư du lịch ở xã biển

Tận dụng nguồn vốn hỗ trợ một số chính sách phát triển du lịch cộng đồng cùng các nguồn vốn khác, Quảng Điền đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa homestay cho các xã biển nhằm giới thiệu, quảng bá thế mạnh, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, nhất là du lịch biển.

Đầu tư du lịch ở xã biển

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top