ClockThứ Bảy, 07/11/2015 16:27

Cần thiết, nhưng không “căn cơ”

TTH - Gần đây có không ít ý kiến của các chuyên gia cho rằng, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm hiện không còn phù hợp, không đủ sức thu hút thí sinh giỏi và thậm chí là lãng phí khi nhiều sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp. Tuy nhiên, theo quan điểm của lãnh đạo và một số chuyên gia giáo dục Trường đại học Sư phạm Huế, chính sách này vẫn cần thiết và vấn đề căn cơ lại không nằm chỗ bỏ hay không bỏ chính sách này...

Phần lớn sinh viên sư phạm nghèo nên chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm vẫn rất cần thiết (trong ảnh, một lớp học ở Trường đại học Sư phạm Huế)

Phải quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm

PGS.TS.Nguyễn Thám, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Huế nhìn nhận: “Vấn đề căn cơ hiện nay không phải là học phí nữa mà là chuyện sinh viên ra trường không có việc làm. Quan trọng nhất hiện nay là phải giải quyết cho được giữa “cung” và “cầu”, giữa đào tạo và sử dụng nói chung chứ không riêng sư phạm. Tại sao người ta nói nhiều đến chuyện sinh viên sư phạm không có việc làm? Vì hiện sinh viên các ngành đều khó tìm được việc làm, nhưng sinh viên sư phạm thì có cấp bù học phí mà ra trường lại không có việc làm nên rộ lên chuyện này”.

Giáo viên các bậc học nói chung là nhân tố quyết định chất lượng của nền giáo dục, bởi không có giáo viên tốt thì không thể nói chuyện đổi mới toàn diện, căn bản, hiệu quả giáo dục. Để nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ giáo viên, có nhiều yếu tố như chế độ chính sách, lương của giáo viên,... Trong đó, một khâu hết sức cơ bản là khâu đào tạo giáo viên - tức là trách nhiệm của các trường sư phạm. Để giải quyết khâu cơ bản này, theo PGS.TS.Nguyễn Thám, trước hết phải quy hoạch lại hệ thống các trường đào tạo giáo viên. Thứ hai là các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương phải là khảo sát lại và báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo số lượng giáo viên hiện thiếu, thừa môn nào, sắp đến tuổi nghỉ hưu là bao nhiêu, ai đủ chuẩn ai không đủ chuẩn? (Chuẩn ở đây không phải “chuẩn bằng cấp” mà là chuẩn nghề nghiệp của giáo viên). Trên cơ sở kết quả đó, Bộ xác định chỉ tiêu cho từng trường đại học.

“Nên xác định chỉ tiêu cho sư phạm như ngành công an, quân đội để dần dần giữa “cung” và “cầu” rút ngắn lại. Quan điểm của tôi khi đã giảm chỉ tiêu vẫn tiếp tục cấp bù học phí cho sinh viên. Không ưu tiên hơn thì thôi chứ “cắt” đi thì không được, và thậm chí là cấp bù học phí nhưng chỉ tiêu giảm và kinh phí trên đầu sinh viên không giảm. Phải ưu tiên sư phạm như đào tạo công an, quân đội, ra trường có việc làm ngay thì khi đó “đầu vào” sẽ tốt lên, chất lượng giáo viên sẽ tốt lên. Lúc đó mới nói đến chuyện đổi mới căn bản toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo hiện nay. Đó mới là vấn đề cơ bản”.

PGS.TS.Nguyễn Thám, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Huế 

PGS.TS.Phan Đức Duy, Trưởng khoa Sinh học, Trường đại học Sư phạm Huế, thành viên tham gia đổi mới chương trình sách giáo khoa của Bộ, khẳng định: “Chuyện Nhà nước bù lỗ cho sư phạm thì ngành nghề nào cũng bù lỗ cả chứ không riêng sư phạm. Cái quan trọng ở chỗ là bù như thế nào đó để cho được mục đích cao hơn. Ví dụ như Nhà nước có thể đổ vào trường y hàng trăm tỷ đồng với điều kiện phải có hệ thống bác sĩ ra trường giỏi, phục vụ nhân dân thì sư phạm cũng vậy. Chừng đó tiền đối với các em không phải nhiều, điều quan trọng là phải quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, chứ hiện nay đào tạo sư phạm tràn lan nên chất lượng trường A với trường B không so được. Song song với chương trình đổi mới sách giáo khoa theo Nghị quyết 29, Bộ cũng phải quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm thì chất lượng đào tạo sẽ nâng lên. Khi quy hoạch rồi, toàn quốc có 9-10 trường đào tạo giáo viên thì Nhà nước đầu tư chừng đó tiền thì cũng không nhiều và ra trường các em có việc làm nữa thì chắc chắn các trường sư phạm sẽ tuyển được người tài”.

Chưa nên bỏ bây giờ

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học, Trường đại học Sư phạm Huế cho rằng: “Chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm thực sự thu hút được học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng có năng lực vào học, bởi vì vào sư phạm trong những năm gần đây điểm không hề thấp mà khá cao và khoa của tôi điểm khi nào cũng cao chót vót. Chính sách này, theo tôi hỗ trợ cho sinh viên rất nhiều...”.

PGS.TS.Phan Đức Duy cũng có đồng quan điểm khi đánh giá chủ trương miễn học phí cho sinh viên sư phạm của Đảng và Nhà nước là đúng vì nó khuyến khích người giỏi nhưng chưa có điều kiện vào trường sư phạm, mà có thầy giỏi sau này mới có trò giỏi. “Đặt trong hoàn cảnh hiện nay, vẫn nên tiếp tục miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm vì thứ nhất, tính chất của sư phạm khác các công việc khác, ngoài thu nhập từ lương ra không có những khoản khác. Thứ hai thì chí ít, việc miễn giảm học phí cũng là một động cơ kích thích cho những em giỏi vào sư phạm”, PGS.Duy nói. Chuyên gia này đưa ra ví dụ, sau kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, sinh viên có quyền đăng ký vào các ngành nghề và “những em giỏi đạt 26 điểm trở lên đối với 3 môn toán, hoá, sinh đã đăng ký vào trường đại học y hết chứ... còn lâu mới đến Khoa Sinh học chúng tôi. Giờ nếu không miễn học phí nữa, tôi e là rất khó để khoa có được sinh viên giỏi, mà có người giỏi vào sư phạm thì mới có thầy giỏi. Do đó, quan điểm của tôi là vẫn nên giữ chủ trương miễn học phí cho sinh viên sư phạm và chủ trương này của Đảng và Nhà nước vẫn còn đang đúng”.

Bài, ảnh: Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hợp tác để đào tạo nhân lực du lịch chất lượng

Sáng 20/4, Trường cao đẳng Du lịch Huế (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm việc, trao đổi kinh nghiệm và tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội và Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.

Hợp tác để đào tạo nhân lực du lịch chất lượng
“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”

Đó là chia sẻ của ông Võ Quang Huệ, cố vấn cấp cao của Tập đoàn Vingroup đến sinh viên, giảng viên Đại học Huế trong buổi tọa đàm “Dặm đường tôi đi: Hành trình từ BMW, Bosch đến Vinfast” do Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế tổ chức sáng 19/4.

“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”
Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Return to top