ClockThứ Tư, 16/07/2014 04:33

Cần thiết và lợi cho dân

TTH - Một trong những nội dung mà kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VI (dự kiến diễn ra từ ngày 16 đến 18-7 này) bàn đến là việc sửa đổi, bổ sung mức thu một phần viện phí trong các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) công lập trên địa bàn tỉnh.

Khám cho bệnh nhi tại Trung tâm Nhi - BV T.Ư Huế

Giá dịch vụ KCB (mức thu một phần viện phí) đang áp dụng trong các cơ sở KCB công lập trên địa bàn tỉnh đang thực hiện theo Quyết định 41/2012/QĐ-UBND ngày 21/12/2012 của UBND tỉnh; trong đó, có hơn 700 dịch vụ đang được triển khai. Tuy nhiên, qua gần 2 năm thực hiện, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi nên việc thu một phần viện phí theo quy định hiện tại không còn phù hợp.

Cơ hội nâng cao chất lượng KCB

Những năm gần đây, Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng KCB, phục vụ người dân trên địa bàn. Cụ thể, tích cực chấn chỉnh thái độ phục vụ, giản lược quy trình KCB để thuận tiện cho người bệnh, mạnh dạn đầu tư thêm trang thiết bị và quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ. Nhờ đó, lượng bệnh nhân đến thăm khám tại bệnh viện cũng ngày một tăng lên. Ths. BS CKII Nguyễn Văn Vỹ - Giám đốc Trung tâm Y tế Hương Thủy, cho biết: “Việc thu một phần viện phí hiện nay để phục vụ cho chi phí KCB vẫn còn thiếu trong khi điện, nước, vật tư... ngày càng tăng. Vì vậy, nếu tại kỳ họp này, HĐND tỉnh có thể xem xét để nâng thêm một phần thu viện phí thì rất tốt”.

Việc điều chỉnh tăng thu một phần viện phí cũng không nằm ngoài mục đích nâng cao chất lượng KCB. Khi giá dịch vụ KCB được điều chỉnh tăng thì các cơ sở y tế có kinh phí để bảo đảm hoạt động, chất lượng dịch vụ và quyền lợi của người có thẻ BHYT sẽ được nâng lên. Theo Ths. BS Tôn Thất Hưng – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Huế, bệnh viện đã thực hiện việc thu một phần viện phí theo Quyết định 41/2012 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, do nhu cầu chăm sóc và chữa bệnh cho bệnh nhân ngày càng phát triển nên năm nay, bệnh viện đã đăng ký thêm nhiều phân tuyến kỹ thuật mới. “Những phân tuyến kỹ thuật này được chúng tôi áp dụng trong quá trình KCB cho bệnh nhân nhưng chưa thể thu viện phí do chưa đăng ký và chưa được UBND tỉnh quyết định. Vừa rồi, Bộ Y tế đã có thông tư quy định thêm một số phân tuyến kỹ thuật mới để chẩn đoán, điều trị trong một số chuyên khoa nên chúng tôi mạnh dạn đăng ký tiếp. Vì vậy, việc HĐND tại kỳ họp này có thể xem xét, thông qua những vấn đề chúng tôi đề xuất thì người bệnh sẽ có thêm điều kiện để được KCB tốt hơn” – BS Hưng nhấn mạnh.

BS CKII Hồ Thị Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Huế, nói thêm: “Thực hiện theo Quyết định 41 của UBND tỉnh, đối với Bệnh viện chuyên khoa của chúng tôi thì phần nào cũng tạm ổn. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, nếu có thể tăng được thì chỉ cần tăng một phần để bù vào chi phí trượt giá của thị trường là đủ. Việc này cũng thuận lợi cho các cơ sở y tế khi có thêm kinh phí để bù vào sự tiêu hao của vật tư, duy tu bảo dưỡng trang thiết bị, hoặc sử dụng loại vật tư tốt hơn cho bệnh nhân. Như vậy, bệnh nhân cũng được hưởng lợi”.

Sự điều chỉnh có lợi cho dân

Là đối tượng trực tiếp chi trả phần viện phí còn lại sau BHYT, dù muốn hay không thì việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB đều ít nhiều tác động đến tâm lý và khả năng tài chính của người bệnh. Ông Ngô Tế (trú Hương Thủy, bệnh nhân Khoa Nội Tiêu hóa, BV Trung ương Huế) bày tỏ: “Chúng tôi mong nếu điều chỉnh tăng mức thu viện phí thì chỉ tăng ở mức vừa phải. Hơn nữa, điều quan trọng là chất lượng các dịch vụ KCB mà chúng tôi được hưởng, nhất là những phương thuốc điều trị hiệu quả, là thái độ làm việc vui vẻ, tận tâm của cán bộ y bác sĩ và giảm bớt sự rườm rà thủ tục hành chính khi vào, ra viện”.

Tại phòng điều trị ung bướu của Trung tâm Nhi (BV Trung ương Huế), nhiều phụ huynh rất quan tâm đến sự thay đổi giá dịch vụ KCB sắp tới, vì con em họ đa phần đều là những bệnh nhi phải lấy phòng bệnh làm nhà. Theo con đến Trung tâm Nhi đã hơn 4 năm, anh Nguyễn Văn Hữu (Phú An, Phú Vang) ngậm ngùi: “Con đã qua tuổi được hưởng 100% BHYT cho bé dưới 6 tuổi, chúng tôi chỉ còn được hưởng 95% đối với hộ nghèo, nhưng với chi phí điều trị cho con hiện nay, chúng tôi đang thực sự rất khó khăn. Mỗi tháng, cũng phải chi trả 4-5 triệu đồng ngoài BHYT, có tháng gần 10 triệu. Ngoài việc theo điều trị cho con, chúng tôi còn gánh nặng thêm chi phí ăn uống, tiền giường, nên chúng tôi chỉ mong được Nhà nước ưu tiên có chế độ riêng, được hưởng 100% như trước đây thì càng tốt”.

Nhiều ý kiến cho rằng, so với điều kiện sống bình quân của người dân hiện nay thì sự điều chỉnh mức giá dịch vụ KCB ở mức độ vừa phải là hoàn toàn có thể. Theo BS Tôn Thất Hưng, sự điều chỉnh giá dịch vụ KCB lần này không tác động nhiều đến người dân và cũng là sự điều chỉnh cần thiết. “Với đối tượng là người bệnh tâm thần thì đa số đều có BHYT, do có chế độ ưu tiên, hỗ trợ của Nhà nước đối với người tàn tật, hoặc hộ nghèo nên phần chi trả tăng thêm là không đáng kể. Hơn nữa, sự điều chỉnh này là cần thiết để đảm bảo rằng tăng giá các dịch vụ KCB có lộ trình và không đột ngột đối với người dân, nhất là khi chúng ta đang tiến tới cơ chế hoạt động tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập”, BS Hưng nói.

Phân tích sâu hơn, ông Hoàng Trọng Chính – Trưởng phòng Giám định BHYT (Bảo hiểm xã hội tỉnh), cho biết: “Mức giá điều chỉnh bổ sung trình HĐND tỉnh lần này tương đối phù hợp. Hiện nay, giá dịch vụ KCB ở các cơ sở y tế công lập của chúng ta đang ở mức trung bình so với các tỉnh bạn. Hơn nữa, khi xây dựng mức giá điều chỉnh bổ sung này, chúng tôi tham mưu tiền giường chỉ tăng thêm 1-2%, do trước đây khoản này chưa có trong cơ cấu giá dịch vụ. Nếu chúng ta không bổ sung thì quyền lợi của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng vì họ phải nộp thêm. Đối với hơn 50 dịch vụ kỹ thuật y tế bổ sung lần này, đây là những dịch vụ mới hoàn toàn so với danh mục kèm theo Quyết định 41/2012 của UBND tỉnh. Theo Quyết định 41, những dịch vụ kỹ thuật mới chưa có thì tính 68% mức giá tối đa quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC. Tuy nhiên, khi tham mưu xây dựng mức giá cho những dịch vụ bổ sung này, tất cả chúng tôi đều đề xuất thấp hơn nhiều so với mức 68% này. Như vậy, sự điều chỉnh này hoàn toàn có lợi cho người dân.

Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Return to top