ClockThứ Tư, 21/09/2016 05:51
XUNG QUANH HIỆN TƯỢNG NƯỚC SÔNG HƯƠNG NHIỄM ĐỤC:

Cần thời gian để nguồn nước ổn định

TTH - Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân chính làm nhiễm đục sông Hương là do lượng đất thải của Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan (qua tỉnh Thừa Thiên Huế).

Nhiều nguyên nhân khiến nước sông Hương chuyển màu

Nguồn nước hạ lưu sông Hương đỏ đục khiến cá lồng nổ mắt, chết. Ảnh: Hải Triều

Các thông số vượt mức cho phép hàng chục lần

Sau cơn bão số 4, nước sông Hương chuyển đục. Bằng mắt thường thấy nước có màu đỏ. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho rằng: “Nước sông Hương đục do mưa lớn tạo dòng chảy khiến các thảm thực vật ở thượng nguồn bị xói mòn, cùng lúc đó các dự án làm đường tại huyện Nam Đông đang thi công, nên dòng nước cuốn theo đất đá trôi về hạ nguồn. Ngoài ra, tại thành phố Huế, cũng có các công trình đang thi công, đất thải của các công trình này theo dòng nước đổ ra sông”.

Ngư dân đánh bắt tại sông Hương bị ảnh hưởng do nguồn nước nhiễm đục

 

UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên & Môi trường đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát và xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Bộ phê duyệt, trong đó có Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan (qua tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ông Trần Việt Hùng cho biết: “Sau 15 ngày, nếu không có văn bản phản hồi, chúng tôi sẽ có văn bản tham mưu UBND tỉnh tiến hành kiểm tra các công trình tại Nam Đông về lượng đất xả thải và biện pháp khắc phục. Nếu các dự án làm không đúng, và không có biện pháp khắc phục, phải chịu trách nhiệm trong việc nước sông Hương nhiễm đục”.

Theo kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên môi trường tỉnh, các thông số nước tại sông Hương đều vượt mức cho phép. Giá trị TSS (tổng chất rắn lơ lửng) có lúc lên đến 200mg/l, trong khi  quy chuẩn của Việt Nam chỉ nằm trong khoảng từ 20-100 mg/l; độ  đục tại Trạm Quốc gia quan trắc môi trường nước tự động đặt tại phường Phú Hậu lên đến 400NTU (gấp 20 lần so với thông thường). Ông Trần Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh chia sẻ: “Về giá trị TSS, thông thường tại sông Hương chỉ 14mg/l, còn độ đục trong quy chuẩn của Việt Nam không có quy định nhưng thường chỉ khoảng 20NTU. Kết quả quan trắc cho thấy, các thông số vượt mức cho phép hàng chục lần”.

Ông Trần Việt Hùng khẳng định: “Nước sông Hương đục do hai tác nhân chính: Thứ nhất, ở nhánh Tả Trạch đang thi công dự án đường, mở trên nền đất mới, lượng đất thải lớn, đó là  nguyên chính gây nước sông đục và đục lâu. Còn dự án đường nội tỉnh La Sơn - Nam Đông, mở rộng trên nền đất cũ nên cũng có tác động nhất định nhưng nhỏ.

Thứ hai, tại tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã A Roàng và Hương Nguyên của huyện A Lưới), cơn bão số 4 gây sạt lở, làm bong tróc các lớp bề mặt, tạo lượng đất lớn đổ xuống các đường thủy vực đổ về dòng Hữu Trạch gây độ đục cao”.

Không thể cải tạo nước sông bằng giải pháp tình thế

Sau bão số 4 đến nay nước sông Hương vẫn đục từ đầu nguồn hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch đến tận vùng đầm phá Tam Giang và hầu như toàn bộ các nhánh sông. Theo ông Trần Việt Hùng, hiện tượng này ảnh hưởng đến những khu vực dân cư chưa có nước sạch để sử dụng; Công ty Cấp thoát nước tỉnh phải tốn thêm kinh phí, tăng cường lượng hóa chất để sa lắng huyền phù nhằm đảm bảo nước đạt quy chuẩn.

Ông Nguyễn Ngọc Diễn, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP khuyến cáo: “Hiện, nước sông Hương bị nhiễm đục nên người dân không nên sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt hàng ngày. Nước đục có nhiều phù sa và các yếu tố khác gây hại sức khỏe, nếu sử dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người”.

Nước sông Hương đục trên lưu vực lớn nên các cơ quan chức năng cho rằng, khó có giải pháp tình thế để cải tạo nước sông. Hiện tượng này chắc chắn sẽ kéo dài, và nếu cứ mưa ở thượng nguồn lớn, độ đục sẽ tăng lên. Về lâu dài, các đơn vị thi công các dự án ở vị trí thượng nguồn sông Hương phải có các biện pháp xử lý chất thải. Theo thời gian, lượng huyền phù sẽ giảm, kéo theo độ đục giảm xuống”, ông Trần Việt Hùng nhận định. Cùng quan điểm, ông Phan Thanh Hùng, nói: “Chừng nào các đơn vị còn thi công, nước sông Hương sẽ đục và đục kéo dài. Độ đục giảm đi khi đơn vị thi công xong, tái tạo các thảm thực vật và các biện pháp tái tạo môi trường”.

Về chức năng giám sát, thanh kiểm tra đối với vấn đề tác động môi trường của dự án đường, ông Trần Việt Hùng cho hay: “Dự án này được cấp Bộ phê duyệt nên khâu hậu kiểm gần như không có. Đơn vị trực tiếp thực hiện việc thanh, kiểm tra là Tổng cục Môi trường, chúng tôi chỉ có chức năng phối hợp thực hiện. Chỉ khi xảy ra sự cố mới có văn bản báo cáo”.

LÊ THỌ - NGUYỄN KHÁNH

Ảnh hưởng nuôi trồng thủy sản

Anh Trương Văn Trung ở thôn La Ỷ, xã Phú Thượng (Phú Vang) nuôi 5 lồng cá bị ảnh hưởng sau bão số 4 cho biết, các năm trước, sau lụt, bão, nước sông Hương, đoạn qua địa bàn xã chỉ đục vài ngày, sau đó ổn định trở lại. Nhưng đợt mưa mới đây, nước trên sông có màu đỏ, đục kéo dài, đến nay vẫn chưa trong. Số cá chết tuy chưa nhiều, nhưng chậm phát triển, nhác ăn, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.

Cá nuôi của hộ anh Nguyễn Đăng Tuấn ở thôn Tây Thượng, xã Phú Thượng sau bão số 4, xuất hiện tình trạng  nổ mắt, đỏ mắt, chết rải rác, trung bình mỗi lồng chết khoảng 10 con/ngày, chủ yếu cá giai đoạn sắp thu hoạch. Anh Tuấn nhận định,  hiện tượng cá bệnh xuất hiện cùng thời điểm nước sông đục bất thường và kéo dài,  ảnh hưởng đến sức khỏe thủy sản.

Ông Nguyễn Dương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Vang cho hay, cơn bão số 4 vừa qua làm nguồn nước trên sông Hương đục ngầu. Các hộ nuôi cá lồng ở hạ lưu,  thuộc địa bàn huyện Phú Vang đều bị thiệt hại. Các loại cá trê dễ thích nghi với môi trường cũng ảnh hưởng, kém ăn, chết. Các địa phương đang tập trung thống kê số lồng bị ảnh hưởng và mức độ thiệt hại; đồng thời hướng dẫn các biện pháp bảo vệ thủy sản, riêng nguồn nước bị đục thì không thể xử lý được.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin, nước trên sông Hương có màu đỏ, đục ảnh hưởng đến các lồng cá nuôi ở hạ lưu và ven sông Hương. Chi cục phối hợp với các địa phương đang tiến hành kiểm tra, thống kê mức độ thiệt hại cụ thể. Riêng thủy sản nuôi ở các vùng khác, ông Đức khẳng định vẫn đảm bảo an toàn, chưa có dấu hiệu thiệt hại do ảnh hưởng cơn bão số 4.

Hải Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua
Huế xưa Huế mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa Huế mới
Cầu... nối lòng dân

Chuyện thật đáng mừng cho đất nước ta là có hàng trăm cây cầu được xây mới trong những năm vừa qua đến từ sự đóng góp của cá nhân người dân, nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy lời kêu gọi Nhà nước và Nhân dân cùng làm là giải pháp hiệu quả cho những thách thức lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong mọi thời kỳ.

Cầu  nối lòng dân
Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế
Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

Ra Giêng, tôi chở thằng con là sinh viên lên chơi đồi Vọng Cảnh, thăm lại nơi mà thời nó còn bé xíu, tôi đã từng chở nó đến, chỉ cho nó biết cây sim nó ra làm sao, và để cu cậu tự tay hái ăn những quả sim tím sẫm, mọng căng và ngọt lịm.

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

TIN MỚI

Return to top