ClockThứ Tư, 13/07/2016 06:21

“Cần thủ” hồ Tịnh Tâm

TTH.VN - Dưới cái nắng gắt mùa hè, hàng chục “cần thủ” (người câu cá) vẫn ung dung, thư thái thả những chiếc cần câu xuống lòng hồ Tịnh Tâm (phường Thuận Thành, TP Huế). Thỉnh thoảng, những tiếng la hét vang lên khiến nhiều người đi đường giật mình. Ngoảnh lại mới biết, các “cần thủ” thu được chiến lợi phẩm là những con cá to bự.

Hên xui

Hồ Tịnh Tâm vốn là khu thượng uyển nổi tiếng hàng đầu dưới thời vương triều Nguyễn giờ đây là điểm đến du lịch với khung cảnh hữu tình cùng loài hoa sen nổi tiếng. Thời điểm này, vụ thu hoạch sen đang ở cao điểm cũng là lúc hồ xuất hiện nhiều loài cá lớn. Mặc cho trời nắng hay mưa, sáng hay tối, các “cần thủ” từ nhiều nơi đổ về đây để thử tài chinh phục con cá nằm giữa lòng hồ bát ngát mùi thơm của sen.

12g trưa, hơn chục “cần thủ” ngồi bệt giữa cỏ dọc theo đường Lê Văn Hưu, ánh mắt mải mê theo dõi phao câu bồng bềnh trên mặt nước. Ông Nguyễn Văn Huy (42 tuổi, trú đường Chi Lăng, TP. Huế) tay cầm cần câu, tay vừa ăn bánh mì hốt hoảng khi để sẩy con cá rô phi to bằng bàn tay sau mấy giờ liền ngồi “canh me”. Ông Huy cho hay, mùa sen nở cũng là thời điểm cá trong hồ to nhất nhưng cũng khó câu nhất bởi sen dày đặc, chọn vị trí buông câu, đưa cần giựt cá rất cấn cái.

Rất đông các “cần thủ” ngâm mình dưới nắng, chăm chú thả câu và theo dõi các phao bồng bềnh trên mặt nước

Thú câu cá mang tính “hên-xui”. Có người vừa buông câu, cá ăn và thu câu với “chiến lợi phẩm” liên tiếp. Nhưng cũng có người ra về tay không sau một ngày ngâm mình dưới nắng mưa. “Nó vừa vui, vừa tập cho mình tính kiên nhẫn các anh ơi. Càng câu càng mê, không hiểu răng mà nó có sức hút kỳ lạ vậy”, ông Lê Văn Nhân (phường Tây Lộc, TP. Huế) người thường xuyên đến hồ Tịnh Tâm buông câu nói mà không lý giải được thú vui này.

Chỉ tay ra giữa lòng hồ với vũng nước quẫy đục ngầu, ông Nhân khẳng định với chúng tôi đó là một ổ cá rô phi khá lớn. Vừa dứt lời, ông liền đưa cần buông câu. Sau nhiều lần lưỡi câu mắc vào thân sen, cuối cùng lưỡi câu cũng được thả đúng chỗ nước đục. “Đã quá, đã quá”, ông Nhân hét lớn khi liên tiếp kéo về 9 con cá rô phi to bằng 4 ngón tay. “Ri là trúng ổ đó anh ơi. Hên thôi. Chứ có ngày ngồi không xơi nước”, một người câu cạnh ngồi cạnh ông Nhân nói với vẻ ghanh tị.

Các “cần thủ” ở đây cho biết, hồ Tịnh Tâm nhiều nhất là cá rô phi. Ngoài ra, còn có các loại cá khác như cá rô đồng, cá gáy, cá trắm cỏ, cá trê, cá tràu…Tùy theo loài cá mà có cách câu, buộc mồi riêng.

Công phu… cũng để mà chơi

Để trầm mình cả ngày quanh hồ Tịnh Tâm, người câu cá phải chuẩn bị chu đáo từ cần câu, lưỡi câu, mồi câu, phao, chì… Vừa tỉ mẩn móc mồi, lão “cần thủ” Nguyễn Hữu Tài (cán bộ về hưu nhà ở Phú Vang) kể, từng có nhiều năm đam mê câu cá đầm phá, khi nghe hồ Tịnh Tâm cá nhiều, to nên ông cùng nhiều bạn câu của mình kéo về đây dò thính. Đúng như lời đồn, hồ Tịnh Tâm đã níu chân ông hơn nữa tháng. Trong hành trang của ông, hai cần câu xuất xứ Nhật Bản được làm bằng chất liệu cacbon trị giá hơn 2 triệu đồng, hàng chục lưỡi, phao, chì… được bày biện cho cuộc chơi mà ông gọi hên xui nhưng có tính giải trí thú vị. Riêng mồi câu, đích thân ông phải tự đào giun đất hoặc ra chợ từ sáng sớm để mua tôm tép tươi sống. Người sành chơi hơn còn cất công rang cám làm mồi. “Thú chơi nào cũng vậy. Có khi chỉ cần câu tre, sành chơi thì cần câu máy… Nó cũng thể hiện đẳng cấp, lối sành chơi của người câu. Nhưng chung quy lại cũng để mà chơi”, ông Tài phân tích.

Theo những “cần thủ” kinh nghiệm, hồ Tịnh Tâm cá rô phi rất lớn, có con hơn cả cân, thường đi theo từng đàn, núp dưới tán sen gần bờ. Vì lỡ đam mê họ sẵn sàng dầm mình giữa trưa nắng gắt, hay những cơn mưa giông nặng hạt bất chợt. Mặc ai cười nói, họ vẫn lặng mình, ngồi im ắng, buông câu và dõi theo cơn chìm nổi của phao. Vì theo thú đam mê này mà nhiều ông chồng bị các bà vợ đến tận hồ  “lôi” về.

“Mê chi mà mê lạ. Câu cả ngày không được con mô mà vẫn câu. Về thôi…”, tiếng gọi chồng đang câu cá ở hồ Tịnh Tâm của một người vợ khiến nhiều người quanh đó không khỏi mắc cười. Nhiều “cần thủ” nói rằng, đó là việc thường ngày ở phố huyện. Vì mê câu cá mà nhiều ông chồng đi cả ngày, không buồn ăn uống, lo toan việc nhà. “Thiệt tình nhiều lúc không hiểu vì sao mình lại mê cái môn câu cá ni. Mà đặc biệt là câu ở hồ Tịnh Tâm. Vợ nói hoài mà vẫn lì”, anh Lâm Văn Ngọc (phường An Cựu, TP. Huế) cười khà khi nói về chính mình.

Sống nhờ con cá

Những ngày ngược xuôi quanh hồ, tôi không chỉ bị hương sen quyến rũ mê hoặc mà còn bị hút hồn bởi những người gắn bó với nghề câu cá này. Với nhiều người, câu cá chỉ để thư giãn, nhưng đâu đó một vài phận người đắm mình với hồ sinh bởi nghiệp con tôm, con cá mưu sinh. Suốt cả buổi chiều, di chuyển quanh hồ cùng với ông Nguyễn Văn Long (phường An Hòa, TP Huế), một “cần thủ” lâu năm gắn với hồ Tịnh Tâm, mới biết được con cá ở đây đã nuôi sống gia đình ông. Là một tay câu có hơn 20 năm kinh nghiệm, cứ đến mùa hè, ông chọn hồ Tịnh Tâm để thả câu. Ông kể rằng, từng đi câu ở nhiều đầm, hồ nhưng khi nói về cá nước ngọt thì cá ở hồ Tịnh Tâm ăn rất béo, bán cho các nhà hàng họ rất thích. May mắn, có ngày ông Long câu 4-5 kg cá. 

Sau nhiều giờ kiên trì, một “cần thủ” đã câu được một con cá rô phi 

Một ngày làm “cần thủ” của ông Long cũng như nhiều người khác ngoài các dụng cụ chuẩn bị sẵn thì cần thêm một ổ bánh mì hay trái bắp, và bịch nước. Cứ thế, họ cặm cụi, chăm chú về hướng thả cần. Người đã sành câu có thể thả một lúc ba, bốn cần câu. Cứ thế, vừa ngó bên này, vừa nhìn bên kia, và chờ đợi cá cắn câu.

Với “cần thủ” Vũ Văn Đức, nhà ở cạnh hồ Tịnh Tâm, thú vui này gắn liền với anh từ nhỏ, ảnh hưởng từ người cha của mình. Anh Đức như là nhân chứng bởi chứng kiến những giai đoạn “thăng trầm” của khu vườn thượng uyển nổi tiếng này. “Có một giai đoạn hồ rất bẩn, sen không mọc nổi huống chi nói con tôm, con cá”, anh Đức nói. Khi có dự án cải tạo lại lòng hồ, khơi thông dòng chảy tự nhiên, dòng nước trở nên trong sạch, người dân trồng sen thì bắt đầu cá nhiều trở lại.

 “Ngoài một số loại cá tự nhiên, các loại cá như rô phi, trắm cỏ, cá gáy là những loại cá nuôi nhưng bị sẩy ra ngoài đi theo dòng nước lạc vào hồ Tịnh Tâm rồi bị thuần hóa. Tất cả cá sống ở đây béo to nhờ ăn những cọng hay lá sen”, anh Đức kể.

Trớ triêu thay, nhiều lúc không câu được cá mà lưỡi câu lại mắc vào thân sen. Do là hồ sen có người “khoán trồng” nên không thể lội xuống gỡ, nên nhiều người câu vì mất bình tĩnh mà mạnh tay kéo cần khiến cầu gãy, đứt luôn lưỡi, phao… Không cần biết là cần tre trị giá năm ba chục ngàn hay cần máy trị giá bạc triệu, các “cần thủ” đến với hồ Tịnh Tâm chung quy lại cũng vì niềm vui, thư giãn và… mưu sinh. Ở đó, có lúc họ cười nói rôm rả với bạn câu, có lúc trầm ngâm độc thoại với chính mình.

Bài, ảnh: Phan Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tinh hoa của đất trời

Mở đầu cho tháng 5 âm lịch là Ngày hội Sen Huế 2022 với chủ đề Tinh hoa của đất trời.

Tinh hoa của đất trời
Đảo Bồng Lai – hồ Tịnh Tâm chính thức đón khách

Sau nhiều tháng trùng tu, chỉnh trang tạo cảnh quan sạch đẹp, ngày 2/9, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã bắt đầu đón khách đến vui chơi, thưởng ngoạn ở đảo Bồng Lai – hồ Tịnh Tâm.

Đảo Bồng Lai – hồ Tịnh Tâm chính thức đón khách
Tiếp nhận hiến kế khôi phục, chỉnh trang hồ Tịnh Tâm

Hồ Tịnh Tâm – một trong những danh thắng được xếp vào “Thần Kinh thập cảnh” được kiến tạo dưới triều Nguyễn sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi các vấn nạn ô nhiễm đang dần được “hồi sinh” trở thành một điểm đến trên bản đồ du lịch nổi tiếng của Huế. Vào tháng 8 tới đây, hồ Tịnh Tâm sẽ là một sân khấu của Festival Huế 2020.

Tiếp nhận hiến kế khôi phục, chỉnh trang hồ Tịnh Tâm
Đưa hồ Tịnh Tâm trở lại là điểm đến hấp dẫn cho du khách

Ngày 24/5, kiểm tra công tác chỉnh trang hồ Tịnh Tâm, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị UBND TP. Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tập trung ưu tiên dọn dẹp vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp; có kế hoạch chỉnh trang, bảo tồn và phát huy giá trị danh thắng tiêu biểu của khu vực kinh thành Huế.

Đưa hồ Tịnh Tâm trở lại là điểm đến hấp dẫn cho du khách
Return to top