ClockThứ Bảy, 27/08/2016 13:43

Cần thu hồi các bốt điện thoại thẻ

TTH - Không sử dụng, không được bảo quản nên chân bốt han rỉ, bụi bẩn, lá cây phủ kín bàn phím, nhện giăng tơ khắp màn hình; tai nghe không có, cũ kỹ hoen ố, phủ đầy tờ rơi rao vặt như đống phế liệu ven đường… là hiện trạng chung của những bốt điện thoại thẻ trên địa bàn TP. Huế, gây mất mỹ quan đô thị

Bốt điện thoại thẻ tại giao lộ Hà Nội – Hai Bà Trưng không có gì bên trong

Dọc các tuyến đường trung tâm thành phố như Hà Nội, Hùng Vương, Trần Cao Vân, Võ Thị Sáu, Nguyễn Huệ… rất nhiều bốt điện thoại thẻ bỏ không, có nơi trở thành điểm tập kết vật liệu, điểm thờ cúng ven đường trông rất nhếch nhác, phản cảm.

Đơn cử, đường Hà Nội từ cầu Phú Xuân đến Hùng Vương có 4 bốt điện thoại bỏ không, trong đó có 3 bốt (đoạn giao với đường Hai Bà Trưng, đoạn giao chếch về đường Phạm Hồng Thái, đoạn giao đường Hùng Vương – Trung tâm VHTT tỉnh) trụ sắt chân đã rỉ sét, trên là hộp khung kim loại, mặt kính xung quanh bị vỡ, phía trong trống hoác không có thứ gì liên quan đến hai từ điện thoại. Chỉ còn 1 bốt (trước công viên Kim Đồng) là còn chiếc điện thoại bên trong, nhưng cầm lên thì không có tín hiệu liên lạc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn thành phố Huế có 140 bốt điện thoại thẻ, được đầu tư xây dựng năm 1999 và đến đầu những năm 2000, lúc đó hệ thống điện thoại cố định và di động chưa được phát triển và phổ cập đến từng cá nhân gia đình, vì thế mà bốt điện thoại thẻ phát huy tác dụng tích cực, đặc biệt là khách du lịch khi đến Huế. Tuy nhiên, từ năm 2005 trở lại đây, do khoa học kỹ thuật và hạ tầng CNTT, viễn thông phát triển mạnh kéo theo sự phát triển của nhiều loại hình điện thoại, nhất là điện thoại di động, tiện ích hơn giá cước phù hợp nên bốt điện thoại thẻ lâm vào cảnh “chết yểu”.

Trước thực trạng đó, năm 2011, chi nhánh Viễn Thông Thừa Thiên Huế (VNPT Thừa Thiên Huế) triển khai 27 trạm điện thoại gọi khẩn cấp miễn phí tại các bốt điện thẻ trên địa bàn TP. Huế. Các bốt điện thoại này cung cấp miễn phí cho người dân thực hiện các cuộc gọi khẩn cấp như: báo cảnh sát (gọi số 113), báo cháy (gọi số 114), báo cấp cứu (gọi số 115), báo xử lý sự cố dịch vụ viễn thông (gọi số 119), gọi 1080 với giá cước rẻ. Tuy nhiên, cũng chỉ 1 thời gian ngắn, cũng không ai sử dụng dịch vụ này vì điện thoại di động quá thông dụng, cộng thêm việc thiếu ý thức của một bộ phân người dân xâm hại và không được bảo trì sửa chữa nên các bốt điện thoại cũng không phát huy tác dụng.

Bốt điện thoại thẻ tại giao lộ Võ Thị Sáu - Nguyễn Thái Học trở thành nơi tập kết đồ phế thải

Bà Lê Thị Mai (đường Trần Cao Vân), bức xúc: “Bốt điện thoại thẻ không còn sử dụng từ lâu, cũ kỹ, bụi bặm bám đầy, bản giấy quảng cáo rao vặt dán chồng từng lớp, nhìn như đống phế liệu nằm chình ình ngay trước cửa nhà, làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị. Tôi hỏi công nhân đô thị sao không dọn thứ này đi thì họ bảo cái này của VNPT. Vậy nếu VNPT không dọn thì để mãi thế này sao được? ”.

Một vị lãnh đạo của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế cho biết, vừa qua công ty đã tiến hành đợt rà soát các vi phạm về vệ sinh môi trường và hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố và nhận thấy hầu hết các bốt điện thoại thẻ đã không còn sử dụng, gây nhếch nhác cho môi trường đô thị và cảnh quan chung của thành phố. Trên cơ sở báo cáo của Công ty, UBND thành phố Huế cũng đã có công văn đề nghị VNPT Thừa Thiên Huế kiểm tra, thu hồi các bốt điện thoại thẻ không còn sử dụng trên địa bàn thành phố nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị.

Trần Ngọc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường thu hồi, xử lý nợ đọng

Nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các chính sách cân đối vĩ mô, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Chi cục Thuế TP. Huế đã thực hiện đồng bộ các giải pháp vừa quyết liệt, linh động vừa phù hợp, hiệu quả trong việc thu hồi nợ đọng thuế.

Tăng cường thu hồi, xử lý nợ đọng
ASEAN và Nhật Bản hợp tác thu hồi kim loại quan trọng từ rác thải điện tử

Tạp chí Nikkei Asia ngày hôm nay (25/8) đưa tin, Nhật Bản sẽ hợp tác với các quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để trích xuất một cách an toàn các vật liệu quan trọng từ những chiếc điện thoại thông minh và các loại thiết bị khác được bỏ đi, tìm cách khai thác lượng rác thải điện tử ngày càng tăng của khu vực để thu hồi nguồn tài nguyên quan trọng.

ASEAN và Nhật Bản hợp tác thu hồi kim loại quan trọng từ rác thải điện tử

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top