ClockThứ Hai, 26/02/2018 14:43

Cần tìm hiểu về cơ hội việc làm khi chọn ngành học

Bên cạnh sự yêu thích và phù hợp, khi chọn ngành học, thí sinh cần chú ý đến cơ hội tìm được việc làm sau khi ra trường.

Đại học Huế tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tại Quảng Trị

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong giờ thực hành      

Điều này càng đúng khi nhìn vào công bố của Bộ LĐ-TB-XH trên bản tin thị trường lao động việc làm quý 2/2017: cả nước có trên 183.000 người tốt nghiệp ĐH rơi vào tình trạng thất nghiệp (tăng 44.200 người so với quý trước).

Theo dõi thị trường lao động

Có những ngành cần nhiều nhân lực, sinh viên ra trường có việc ngay. Nhưng ngành không “nóng” mà sinh viên có năng lực thì cơ hội việc làm vẫn cao

Tiến sĩ PHẠM TẤN HẠ

Theo tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, một yếu tố quan trọng không kém khi chọn ngành học chính là cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Đây là yếu tố mang tính chất lý thuyết và hơi khó dự đoán nhưng là một yêu cầu thực tế, vì mục đích cuối cùng của việc học là việc làm. Do vậy, ngay khi chọn ngành, thí sinh nên chú ý đến xu hướng phát triển của các ngành nghề được dự báo có nhu cầu trong tương lai, đặc biệt là sự ra đời của các ngành nghề mới.

Đồng quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng việc tham khảo số liệu dự báo về nhu cầu thị trường lao động là cần thiết trong trường hợp này. Những số liệu dự báo được đưa ra đều căn cứ trên tình hình thực tế. “Do vậy, nếu xã hội đã có những cảnh báo về một số ngành nghề có tỷ lệ thất nghiệp cao thì không nên lựa chọn, trừ khi đó là một ngành thực sự đam mê”, ông Hồng nói.

Cũng theo ông Hồng, bên cạnh thông tin từ các trung tâm dự báo thị trường lao động, người học nên tham khảo chính kết quả khảo sát tình hình việc làm các ngành nghề của từng trường. Đặc biệt là của những ngành học, trường mình muốn nộp hồ sơ để qua đó thấy được khả năng tiếp nhận của xã hội về nhân lực trong lĩnh vực và trường đào tạo.

Người giỏi không thiếu việc

Ngành nào tỷ lệ sinh viên có việc làm cao?

Kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm 2017 cho thấy, ngành có tỷ lệ việc làm cao nhất là công nghệ kỹ thuật hóa học, tiếp đến là công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm…

Kết quả khảo sát năm 2016 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đưa ra một số ngành có việc làm cao như: ngôn ngữ học, Hàn Quốc học, báo chí, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, ngôn ngữ Anh…

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM các ngành có kết quả khảo sát việc làm cao gồm: khoa học máy tính, kỹ thuật điện - điện tử, kỹ thuật chế tạo, xây dựng cầu đường, vật lý kỹ thuật…

Tuy nhiên, các chuyên gia đều khẳng định, năng lực thực sự mới chính là yếu tố chủ quan quyết định cơ hội việc làm của sinh viên sau khi ra trường.

“Mỗi ngành nghề được đào tạo trong các trường ĐH đều nhằm mục tiêu cung cấp nhân lực cho xã hội. Dù đó là ngành mà cơ hội việc làm đang trong phạm vi “khung cửa hẹp” thì vẫn luôn có cơ hội cho người năng lực tốt. Ngược lại, nếu là một chuyên gia tồi trong lĩnh vực đó thì nhu cầu xã hội có lớn cũng chưa chắc có cơ hội. Vì vậy, không nên nghĩ rằng một ngành nghề bị cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp cao là hoàn toàn không có việc làm”, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng chia sẻ.

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng nói: “Việc làm phụ thuộc vào thị trường lao động nhưng quan trọng hơn là năng lực bản thân. Ngành học nào cũng có cơ hội việc làm miễn là giỏi. Giỏi ở đây là năng lực thực sự chứ không chỉ bằng cấp, ngoài kiến thức chuyên môn còn phải hội đủ các kỹ năng cho từng vị trí công việc cụ thể”. Tuy nhiên thạc sĩ Vũ lưu ý, vẫn cần cân nhắc một chút về nhu cầu xã hội ở những ngành nghề đặc thù.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, phân tích: “Công nghệ thông tin là ngành đang rất thiếu nhân lực nhưng bao nhiêu người có thể đáp ứng được các vị trí việc làm đòi hỏi nhiều ý tưởng như thiết kế phần mềm?”.

Từ đó, tiến sĩ Hạ cho rằng: “Có những ngành cần nhiều nhân lực, sinh viên ra trường có việc ngay. Nhưng ngành không “nóng” mà sinh viên có năng lực thì cơ hội việc làm vẫn cao. Do vậy, sau khi trúng tuyển, sinh viên phải nỗ lực rất nhiều ngay từ năm đầu tiên để chủ động trang bị “hồ sơ đẹp” theo đúng yêu cầu nhà tuyển dụng”.

“Vấn đề là người học phải chủ động khẳng định bản thân để doanh nghiệp tự tìm đến mình. Thực sự chỉ nhìn sự thụ động và không có trách nhiệm với việc học của sinh viên trên giảng đường cũng có thể đoán trước về khả năng thất nghiệp trong tương lai”, tiến sĩ Hạ nhấn mạnh.

Theo thanhnien.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Cơ hội thu hút đầu tư nhìn từ quy hoạch tỉnh

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) là nền tảng, mở ra rất nhiều dư địa để thu hút đầu tư. Từ những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cùng với chiến lược hoàn thiện hạ tầng trong từng giai đoạn, các doanh nghiệp sẽ tìm thấy “miền đất lành” để đầu tư, phát triển.

Cơ hội thu hút đầu tư nhìn từ quy hoạch tỉnh
Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

TIN MỚI

Return to top