ClockThứ Tư, 19/04/2017 13:31

Cẩn trọng khi sử dụng nhãn hiệu Apple

TTH - Những ngày qua, nhiều cửa hàng bán lẻ và sửa điện thoại di động ở một số tỉnh, thành lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội đang “dậy sóng” khi đại diện sở hữu trí tuệ của Apple tại Việt Nam (gọi tắt Công ty Apple) gửi văn bản cảnh báo “xâm phạm bản quyền nhãn hiệu”.

Một cửa hàng điện thoại di động có logo của Apple trên đường Mai Thúc Loan, TP. Huế

Tại TP. Huế, chủ một số cửa hàng bán, sửa chữa điện thoại khá băn khoăn, lo ngại khi lâu nay vẫn “vô tư” sử dụng các tên gọi thuộc bản quyền sở hữu thương hiệu của Apple như “iPhone”, “iPad”, logo “táo khuyết” ngay trên các bảng hiệu quảng cáo, bên trong quầy trưng bày.

Không được đồng ý mà sử dụng là vi phạm

Đại diện pháp lý trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Công ty Apple là Công ty luật Võ Trần (VOTRA) khẳng định: Công ty Apple là chủ sở hữu các nhãn hiệu “iPhone”, “Apple”, logo “quả táo khuyết” và nhiều nhãn hiệu khác như “App Store”, “Apple Store, “iPod”, “iPad” và “MacBook”… đang được bảo hộ tại Việt Nam cho nhiều sản phẩm về thiết bị ghi, truyền, tái tạo âm thanh hoặc hình ảnh như: iPhone, iPad, iPod… cùng các linh phụ kiện của chúng; và bao gồm cả các dịch vụ về kinh doanh, quảng cáo, viễn thông theo nhiều đăng ký nhãn hiệu quốc gia và quốc tế.

Thông báo từ Công ty Apple nêu rõ: “Dựa theo Luật Sở hữu trí tuệ, việc sử dụng các nhãn hiệu nói trên của Công ty Apple trên biển hiệu cửa hàng hoặc trên các giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh mà không được sự đồng ý của Công ty Apple đều là hành vi sử dụng bất hợp pháp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Công ty Apple” – thông báo này nhấn mạnh.

Người kinh doanh lo lắng

Theo quản lý bán hàng của một cửa hàng điện thoại trên đường Nguyễn Trãi (TP. Huế), những ngày qua thông tin vi phạm quyền sử dụng logo của hãng Apple khiến giới bán điện thoại xôn xao.

Anh T. (quản lý một cửa hàng chuyên bán điện thoại iPhone trên đường Hùng Vương) cho hay, hiện đã nghe thông tin về việc đề nghị chấm dứt sử dụng các nhãn hiệu của Apple ở một số cửa hàng kinh doanh điện thoại ở TP. Hồ Chí Minh. Riêng Huế, qua thăm dò chưa có đơn vị nào nhận được văn bản từ Công ty Apple. “Nếu cấm sử dụng các logo thì bước đầu kinh doanh sẽ rất khó khăn. Vì mình bán sản phẩm đó nhưng không được dùng logo của chính sản phẩm đó để thể hiện thì sẽ khó bán”, anh T. lo lắng.

Liên quan đến câu chuyện pháp lý, luật sư Võ Công Hạnh, Công ty Luật Công Khánh – Đoàn Luật sư tỉnh khẳng định, nhãn hiệu, tên thương mại là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, được pháp luật bảo hộ. Hiện nay Công ty Apple đã đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của mình, nổi bật nhất là nhãn hiệu “quả táo cắn dở”.

Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ quy định, việc sử dụng hình ảnh, nhãn hiệu phải được sự cho phép của chủ sở hữu. Điều này là cơ sở pháp lý để Công ty Apple yêu cầu các cá nhân, tổ chức sử dụng các nhãn hiệu trên phải chấm dứt hành vi vi phạm. Việc xâm phạm sở hữu công nghiệp đối với hành vi sử dụng dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, bao bì hàng hóa có thể bị xử phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng và có thế bị áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng, buộc tháo gỡ, tiêu hủy yếu tố vi phạm (khoản 15, Điều 11 Nghị định 99/2013/ND-CP ngày 29/08/2013).

Ngoài ra, đối với việc kinh doanh hàng giả gắn nhãn hiệu Apple, người vi phạm phải chịu xử phạt nặng, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, mua bán hàng giả nói trên. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm của Apple được nhập khẩu, có khai báo hải quan, đảm bảo chất lượng của nhà sản xuất tại nước sở tại,  các cửa hàng vẫn có quyền trưng bày, mua bán, giao dịch.

PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Tìm hiểu chi tiết về sở hữu trí tuệ

Vài năm trở lại đây, sở hữu trí tuệ là lĩnh vực được nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ khái niệm sở hữu trí tuệ là gì? Và lý do vì sao cần phải bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Tìm hiểu chi tiết về sở hữu trí tuệ
Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ đổi mới, chuyển giao và cải tiến công nghệ

Chiều 26/5, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội thảo "Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, chuyển giao và cải tiến công nghệ trên địa bàn tỉnh". Tham dự có ông Phạm Thế Dũng, Phó Cục trưởng Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN; ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN; ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN; cùng 100 đại biểu đại diện các sở, ban ngành, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ đổi mới, chuyển giao và cải tiến công nghệ
Trao đổi giải pháp thương mại hoá sản phẩm khoa học và công nghệ

Sáng 16/12, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo - Đại học Huế phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội thảo khoa học “Thực trạng hoạt động đăng ký sở hữu trí tuệ và thương mại hoá đối với sản phẩm khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Trao đổi giải pháp thương mại hoá sản phẩm khoa học và công nghệ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top