ClockThứ Bảy, 20/12/2014 07:23

Cần xây dựng lộ trình thích hợp

TTH - Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VI, một trong những nội dung mà đại biểu HĐND và cử tri hết sức quan tâm là tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhân viên ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Vấn đề này được UBND tỉnh phân công Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã giải trình tại kỳ họp. Tuy nhiên, để có cách nhìn khách quan, khoa học của người quản lý trực tiếp về lĩnh vực biên chế công chức, viên chức, Tòa soạn giới thiệu bài viết của ông Cái Vĩnh Tuấn - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ.

Đối với ngành giáo dục và đào tạo, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cấp trường được quy định cụ thể, rõ ràng trong điều lệ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành... Ở mỗi cấp học, tùy theo hạng trường, tổng số lớp trong một trường học để xác định vị trí việc làm và số lượng người làm việc tương ứng. Chẳng hạn, đối với trường tiểu học, trường hạng 1 có không quá 2 phó hiệu trưởng, trường hạng 2 và hạng 3 có 1 phó hiệu trưởng. Về biên chế viên chức làm công tác thư viện, thiết bị, văn phòng, trường hạng 1 được bố trí 2 biên chế thư viện, thiết bị, trường hạng 2 và 3 được bố trí 1 biên chế; công tác văn phòng: trường hạng 1 được bố trí 3 biên chế (1 văn thư - thủ quỹ, 1 kế toán, 1 y tế trường học), trường hạng 2 và 3 được bố trí 2 biên chế (1 kế toán - văn thư, 1 y tế trường học - thủ quỹ)...

Một giờ học ở Trường tiểu học Vĩnh Ninh (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Võ Nhân
Sự khác biệt số lượng vị trí việc làm và số lượng người làm việc của các trường trong mỗi cấp học phụ thuộc vào hạng trường, số lượng lớp của từng trường.
Trong quá trình thực hiện, chúng tôi nhận thấy điểm bất hợp lý của các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện là không quy định số lượng học sinh tối thiểu/lớp, mà chỉ quy định tối đa số lượng học sinh/lớp (điều lệ trường tiểu học quy định số học sinh/lớp tối đa không quá 35 học sinh; điều lệ trường THCS, THPT quy định mỗi lớp bố trí tối đa không quá 45 học sinh).
 
Thừa, thiếu diễn ra cục bộ
Qua khảo sát, số học sinh trung bình/lớp đối với bậc tiểu học và THCS là tương đối thấp so với điều lệ trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Theo số liệu thống kê trên địa bàn đến ngày 31-12-2013, ở bậc tiểu học có trung bình 27,5 học sinh/lớp, ở bậc THCS trung bình 32,3 học sinh/lớp. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có quy định cụ thể về tỷ lệ học sinh tối thiểu/lớp, nhưng để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn, để các cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia và đảm bảo cho công tác đầu tư phát triển đồng bộ, hiệu quả, tránh lãng phí, nhất là lãng phí về đội ngũ giáo viên, ngày 04-7-2014, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 3674/UBND-GD, quy định số lượng học sinh/lớp như sau:
TP Huế tối thiểu là 33 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học và 42 học sinh/lớp đối với cấp THCS và THPT; thị xã Hương Trà và Hương Thủy, tối thiểu là 31 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học và 42 học sinh/lớp đối với cấp THCS và THPT; huyện Nam Đông và A Lưới, tối thiểu là 24 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học và 31 học sinh/lớp đối với cấp THCS và THPT.
Tổng biên chế sự nghiệp giao cho ngành giáo dục và đào tạo là 20.755 biên chế. Trong đó, khối THCS là 5.767; khối tiểu học là 6.6740; khối mầm non là 4.656 và khối các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo là 3.592 biên chế. Sau khi cân đối thừa, thiếu giữa các đơn vị, địa phương và giữa các cấp học, so với tổng số biên chế sự nghiệp được giao cho ngành giáo dục và đào tạo, hiện nay, toàn tỉnh thừa 56 biên chế giáo viên, nhân viên; thiếu 278 bảo vệ.
Điều đáng quan tâm là tình trạng thừa, thiếu diễn ra cục bộ, phân tán giữa các địa phương, giữa từng cấp học, từng trường và từng môn học, từng vị trí việc làm; có khi, ở cùng một cấp học, cùng một môn học tại đơn vị, địa phương này thừa nhưng đơn vị, địa phương khác lại thiếu. Khối mầm non hiện thiếu 265 giáo viên, nhân viên và thiếu 119 bảo vệ; khối THCS thừa 237 giáo viên, nhân viên (trong khi đó, huyện A Lưới lại đang thiếu) và thiếu 22 bảo vệ; khối tiểu học thừa 47 giáo viên, nhân viên (trong khi đó, TP Huế, thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang lại thiếu tổng cộng 113 biên chế ở cấp này) và thiếu 134 bảo vệ. Các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thừa 37 giáo viên, nhân viên...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa giáo viên thời gian qua. Tỷ lệ gia tăng dân số giảm nên một số địa phương có chủ trương giảm số học sinh/lớp để tăng số lớp, nhằm đảm bảo số tiết dạy cho giáo viên. Đối với cấp THCS, hầu hết các trường có tỷ lệ học sinh trên lớp thấp so với quy định của UBND tỉnh. Khi thực hiện chủ trương ghép lớp, số lớp sẽ giảm, dẫn đến số giáo viên sẽ dư thừa. Đối với khối mầm non, quy mô trường nhỏ (dưới 10 lớp) hoặc có các điểm cơ sở lẻ nhưng phải bố trí tối thiểu giáo viên dạy đủ theo lớp học, nên cũng tăng số lượng giáo viên theo định mức. Các văn bản hướng dẫn của Trung ương về định biên đối với ngành giáo dục chậm được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế; chẳng hạn, đối với khối tiểu học, thực hiện chủ trương dạy thêm các bộ môn đặc thù theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (ngoại ngữ, nhạc, họa, thể dục, tin học...) hay chủ trương dạy 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học, THCS nhưng Trung ương không có văn bản hướng dẫn bổ sung thêm biên chế giáo viên để thực hiện các chủ trương này. Nhà trường lại không được thu thêm học phí để hợp đồng số giáo viên, do đó cũng làm tăng định mức so với quy định.
Bên cạnh đó, các trường bị rớt hạng cũng giảm số lượng vị trí việc làm và giảm định biên, kéo theo tình trạng thừa biên chế trong nội bộ trường...
 
Có giải pháp, có lộ trình
Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhân viên tại địa phương hiện nay, trong thời gian tới, các huyện, thị xã và thành phố khẩn trương rà soát lại cơ cấu, đội ngũ giáo viên, nhân viên từng trường theo từng vị trí việc làm để cân đối lại số biên chế giao; trên cơ sở đó, điều động số giáo viên đang thừa ở trường này sang giảng dạy ở các trường đang thiếu trong nội bộ của địa phương mình hoặc có thể bố trí giáo viên có biên chế tại một trường nhưng dạy liên trường.
Đối với khối THCS, rà soát lại số giáo viên dạy các bộ môn, như ngoại ngữ, tin học, nhạc, họa, thể dục... điều chuyển sang dạy các bộ môn đặc thù cho các trường tiểu học hoặc bố trí, biệt phái sang công tác tại các trung tâm học tập cộng đồng tại địa phương (theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Việc sắp xếp, cân đối như trên được thực hiện trước hết trong nội bộ của từng huyện, thị xã, thành phố; số còn lại (nếu có), các địa phương báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) để có kế hoạch điều chuyển số giáo viên thừa trong phạm vi toàn tỉnh.
Nghiên cứu cụ thể điều kiện của từng địa phương, đơn vị để mở rộng diện trường học 2 buổi/ngày theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có; đồng thời, có thể cân đối số lượng giáo viên thừa trong nội bộ từng trường.
Cần lưu ý việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng mới giáo viên, nhân viên phải thực hiện chặt chẽ, khoa học, xuất phát từ vị trí việc làm; trước hết, tạm thời dừng tuyển dụng mới đội ngũ giáo viên, nhân viên ở những nơi đang thừa cho đến khi giải quyết được số biên chế dôi dư đã tuyển dụng.
Thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế đối với số giáo viên chưa đạt chuẩn hoặc không đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất, nếu các địa phương quyết tâm thực hiện trên tinh thần khách quan, dân chủ và vì lợi ích chung lâu dài của ngành giáo dục thì chắc chắn sẽ sớm khắc phục được tình trạng vừa thừa, vừa thiếu như đã nêu trên.
Chúng ta đang hướng đến một nền hành chính phát triển với phương thức quản lý nhân sự theo mô hình vị trí việc làm. Trong quá trình cải cách đó, những vấn đề bất cập đặt ra do cơ chế cũ để lại là điều khó tránh khỏi. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhân viên sau khi rà soát lại tổ chức, nhân sự của ngành giáo dục để xây dựng đề án vị trí việc làm cũng là thực tế khách quan và thực trạng chung của nhiều địa phương trên cả nước. Tuy vậy, việc sắp xếp số giáo viên, nhân viên dôi dư là việc làm khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, không thể giải quyết ngay trước mắt mà cần phải có lộ trình thích hợp, tránh chủ quan, gây hoang mang, lo lắng cho cán bộ, viên chức.
Cái Vĩnh Tuấn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hưởng ứng “Ngày sách & Văn hóa đọc Việt Nam”

Lễ hưởng ứng “Ngày sách & Văn hóa đọc Việt Nam” năm 2024 với thông điệp “Sách hay cần bạn đọc” do Thư viện tổng hợp tỉnh, Trung tâm VH-TT&TT TX. Hương Thủy, Phòng GD&ĐT thị xã và Thị Đoàn Hương Thủy phối hợp tổ chức tại Trường TH&THCS Phú Sơn sáng 23/4.

Hưởng ứng “Ngày sách  Văn hóa đọc Việt Nam”
Tích cực tháo gỡ 3 'điểm nghẽn' đối với phát triển giáo dục mầm non

Ngày 22/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 173/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tích cực tháo gỡ 3 điểm nghẽn đối với phát triển giáo dục mầm non
“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Trao tặng 94 tủ sách lớp học tại huyện Phú Lộc

Chiều 22/4, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lộc phối hợp Tổ chức Zhi Shan Foundation tại Việt Nam tổ chức chương trình hưởng ứng Ngày hội đọc sách với chủ đề “Sách hay cần bạn đọc” và trao tặng 94 tủ sách lớp học cho 13 trường học tại huyện Phú Lộc.

Trao tặng 94 tủ sách lớp học tại huyện Phú Lộc

TIN MỚI

Return to top