Thế giới

Căng thẳng biển Đông bùng phát tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN

ClockThứ Ba, 04/08/2015 14:39
TTH.VN - ASEAN cần phải làm nhiều hơn để giải quyết vấn đề biển Đông một cách hòa bình và hợp tác, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cho biết tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 tại Kuala Lumpur hôm nay (4/8).

 
Ngoại trưởng các nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 tại Kuala Lumpur ngày 4/8/2015. Ảnh: AFP.

Hãng thông tấn AFP hôm nay (4/8) đăng tải thông tin cho biết, Trung Quốc đã có những xung đột ngoại giao với một số nước láng giềng và Hoa Kỳ về việc xây dựng các đảo nhân tạo gây nhiều tranh cãi, khi các cuộc đàm phán an ninh khu vực chính thức khai mạc cùng ngày 4/8 tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Bắc Kinh đang mở rộng các rạn san hô nhỏ ở biển Đông thành các hòn đảo và đặt một số đồn quân sự trên đó để củng cố tuyên bố chủ quyền trên vùng biển chiến lược, thổi bùng lo ngại về một cuộc xung đột có thể xảy ra trong khu vực.

Trước thềm hội nghị được tổ chức bởi 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bắt đầu khởi động vào hôm nay ở Malaysia, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tỏ ý không thỏa hiệp khi trong suốt chặng dừng chân tại Singapore ngày hôm qua (3/8), ông liên tục nhấn mạnh rằng, vấn đề này không nên được đưa ra thảo luận trong các cuộc đàm phán, và Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các công trình khai hoang đất gây tranh cãi.

"Trung Quốc chưa bao giờ tin rằng các diễn đàn đa phương là nơi thích hợp để thảo luận về các tranh chấp song phương cụ thể," Ngoại trưởng Trung Quốc nói với các phóng viên trước khi đến Malaysia tham dự cuộc họp hôm nay.

Theo ông Vương Nghị, những nỗ lực để đưa vấn đề này ra bàn thảo là "phản tác dụng" và "nâng cao sự đối đầu". Tuy nhiên giới chức Mỹ và các nước Đông Nam Á nói rằng, các vấn đề nóng bỏng sẽ được thảo luận ở Malaysia trong tuần này.

Trong phát biểu khai mạc tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman nhấn mạnh vào hành động từ chối của Bắc Kinh trong việc giải quyết các vấn đề gai góc với các nước láng giềng trong các cuộc đàm phán.

"ASEAN có thể và nên đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện một giải pháp hoà giải" trên biển Đông, ông nói với các ngoại trưởng đồng cấp. "Trên tất cả, chúng ta phải nhìn thấy vấn đề này được giải quyết một cách hòa bình và hợp tác. Chúng ta đã có một khởi đầu tích cực nhưng vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa."

Bắc Kinh tuyên bố kiểm soát gần như tất cả các vùng chiến lược quan trọng ở biển Đông, trong đó có một tuyến đường vận chuyển chính băng qua vùng có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt phong phú. Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei - tất cả các thành viên ASEAN - cũng có các tuyên bố chủ quyền khác nhau trên biển Đông, cũng như Đài Loan.

Lâu nay, Bắc Kinh vẫn khẳng định rằng, các tranh chấp phải được giải quyết trên cơ sở song phương với các bên tranh chấp đối thủ, chứ không phải với một khối thống nhất.

Thêm vào những căng thẳng, trong tuần này Bắc Kinh có thể sẽ chuẩn bị xây dựng một đường băng thứ 2 trên một hòn đảo nhân tạo.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Trung Quốc đã xây dựng một đường băng 3.000m trên Đá Chữ Thập, có thể được sử dụng cho các hoạt động chiến đấu.

Ngoại trưởng Vương Nghị từ chối các lời kêu gọi của một số nước đối thủ và Hoa Kỳ đình chỉ việc khai hoang đất.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất các hành động của Trung Quốc trên biển, cho biết bên lề của cuộc họp rằng, Manila đang kiểm tra các báo cáo về một đường băng mới của Trung Quốc.

Các Bộ trưởng Ngoại giao khu vực Đông Nam Á sẽ gặp nhau vào hôm nay, nhưng các cuộc đàm phán sẽ được mở rộng trong 2 ngày tiếp theo trong Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), với sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, và các phái viên từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và các nơi khác.

Bảo Nghi (lược dịch từ AFP & CNA)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xung đột lan rộng trong khu vực ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình ở Yemen

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, ngày 15/4, Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Yemen, ông Hans Grundberg, đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng ngày càng leo thang ở Yemen, đồng thời cảnh báo tiến trình hòa bình ở quốc gia Trung Đông này có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong bối cảnh xung đột khu vực ngày càng lan rộng.

Xung đột lan rộng trong khu vực ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình ở Yemen
Return to top