ClockThứ Sáu, 11/10/2019 08:05

“Cánh chim nhỏ” bay muôn nơi

TTH - Người dân tộc Tà Ôi, mang họ PiKêr (nghĩa là con chim nhỏ trong rừng), sau ngày Bác Hồ mất năm 1969, ông quyết định đổi thành họ Hồ, rồi từ đó “cánh chim nhỏ” bay muôn nơi, góp phần giúp miền rẻo cao A Lưới thay da đổi thịt. Ông là Hồ Thanh Xoa (81 tuổi, thôn A Diên, xã A Ngo, huyện A Lưới).

Người giáo dân 43 năm làm tổ trưởng dân phốGiữ lửa một phong tràoÔng Chính lo cho người nghèo

Già làng Hồ Thanh Xoa với những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng

Xóa xã “trắng” đảng viên duy nhất trên toàn quốc

Người dân xã Hương Phong (huyện A Lưới) bây giờ tự hào khi hình hài nông thôn mới giúp họ đạt đến ước mơ thoát nghèo.

Hơn 40 năm trước, những người Kinh đầu tiên đặt chân đến vùng đất sỏi đá này theo diện kinh tế mới lập nghiệp với bao nỗi gian truân. Họ mải miết theo những chuyến lặn lội tìm trầm tận rừng sâu hay đãi vàng, bắt rùa dưới khe suối. 20 năm sau ngày định cư, xã Hương Phong có hơn 200 hộ với 800 nhân khẩu, nhưng tổ chức cơ sở Đảng vẫn là con số không.

Trước tình hình đó, việc phát triển đảng ở Hương Phong được Ban Thường vụ Huyện ủy A Lưới xem như nhiệm vụ hàng đầu. Nhiều đảng viên đương chức lẫn về hưu được Huyện ủy A Lưới phân công đến Hương Phong tìm quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng nhưng vô cùng khó khăn. 

Năm 1994, lần thứ 4, Ban Thường vụ Huyện ủy A Lưới cử người đến Hương Phong để xóa “trắng” đảng viên. Lần này người được chọn là ông Hồ Thanh Xoa. “Lúc đó, tôi là cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy nhưng cũng rất ái ngại. Tôi là người dân tộc thiểu số lại đến một địa phương đa số là đồng bào người Kinh để phát triển đảng nên sợ lời nói của mình không đủ trọng lượng”, ông Xoa nói.

Đến Hương Phong, ông Xoa không vội bắt tay vào việc mà tổ chức Đảng đã giao. Ông dành thời gian tìm hiểu đời sống lẫn ước vọng của người dân có gốc gác từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước, đặt tâm trí phân tích những nguyên nhân quần chúng chưa mặn mà đứng vào hàng ngũ của Đảng. “Vì đời sống khó khăn nên bà con mưu sinh suốt ngày. Lúc đó, tôi chọn một thời điểm thích hợp tổ chức cuộc họp với toàn thể cán bộ xã và phân tích, tuyên truyền về chủ trương của Đảng. Tôi yêu cầu Chủ tịch UBND xã lập một danh sách thông tin quê quán khoảng 15 quần chúng ưu tú hội tụ 3 điều kiện về trình độ học vấn phải trung học cơ sở trở lên, cán bộ đương chức, người trẻ tuổi”, ông Xoa kể.

Có danh sách những quần chúng ưu tú, nhưng việc xác minh lý lịch là cả một hành trình dài. Không ít lần, ông Xoa xuống núi, đi ngoại tỉnh để xác minh nguồn gốc quê quán của quần chúng.

“Đa số quần chúng có gốc gác tận Quảng Bình, Nam Định, Nghệ An nên việc xác minh lý lịch rất khó khăn. Xác minh xong, 4 quần chúng đủ điều kiện được kết nạp vào Đảng, rồi phát triển dần, tiến đến thành lập Chi bộ Hương Phong. Lễ công bố quyết định thành lập chi bộ có sự tham dự của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ngô Yên Thi. Chấm dứt việc “trắng” đảng viên tại xã cuối cùng trên toàn quốc”, ông Xoa chia sẻ.

Hiện Đảng bộ Hương Phong có 4 chi bộ với 56 đảng viên, nhiều năm liên tục được công nhận danh hiệu trong sạch vững mạnh. Hương Phong còn là xã duy nhất ở A Lưới đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Năm 2015, xã cũng đã về đích trong việc xây dựng nông thôn mới… "Tôi là một trong 4 quần chúng được ông Xoa vận động, bồi dưỡng để đứng vào hàng ngũ của Đảng lúc đó. Thời điểm bấy giờ, tôi là Bí thư Xã đoàn", Bí thư Đảng ủy xã Hương Phong Nguyễn Hùng nói.

Loại bỏ hủ tục, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân

Huyện A Lưới là nơi tập trung sinh sống của hơn 25 dân tộc anh em, trong số đó đồng bào dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy chiếm đa số. Bên cạnh những nét văn hóa đặc trưng, nhiều hủ tục lạc hậu ăn sâu vào tiềm thức của người dân khiến việc xóa bỏ là cả một quá trình.

Khoảng năm 1995, khi đồng bào ở A Lưới đã định canh, định cư thì tỉnh có chủ trương ổn định đời sống cho người dân bằng chính sách tách hộ, lập vườn. Nhưng, nét sinh hoạt cộng đồng của đồng bào không dễ gì thay đổi. Họ vốn sống cùng nhau trong một ngôi nhà dài (mỗi ngôi nhà có khoảng 10-15 hộ), mỗi làng chỉ có một cái sân và không có nhà vệ sinh.

Già Xoa tuyên truyền, phổ biến chính sách của Nhà nước đến đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Hồ Thanh Xoa lại là người tiên phong vận động, thuyết phục dân thực hiện một chủ trương lớn của tỉnh thời bấy giờ. Hơn một tháng ròng rã, ông đi hết 50 ngôi làng để vận động. “Trước khi vận động, tôi yêu cầu những đảng viên phải là người tiên phong. Ngoài tuyên truyền những lợi ích và chính sách hỗ trợ của Nhà nước sau khi thực hiện chủ trương, tôi phải đưa ví dụ về cách sinh hoạt của người đồng bằng để bà con hiểu. Ngoài ra, đến từng dòng họ vận động và khen thưởng kịp thời nếu thực hiện nhanh, hiệu quả. Sau khoảng 1 năm, chủ trương tách hộ, lập vườn cũng được hoàn tất, người dân ổn định cuộc sống. Tôi cũng đưa giống lúa mới về cho bà con, tự tay làm để người dân học theo, rồi tổ chức cuộc thi cấy lúa giữa các địa phương, thúc đẩy tinh thần lao động sản xuất”, ông Xoa cho biết.

Nhiều năm trước, tảo hôn, hôn nhân cận huyết là vấn nạn nhức nhối tại huyện vùng cao A Lưới.

Ông Xoa đến từng bản làng, gặp gỡ từng già làng, trưởng họ để phổ biến luật pháp và xây dựng quy ước làng văn hóa. “Không phải nói bỏ là bỏ ngay được những tập tục. Mình phải giải thích cặn kẽ về tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết hàng ngày thì mới “thấm lâu”, thay đổi nhận thức của họ. Phải đưa ra ví dụ cụ thể để người dân hiểu, như nếu sinh con đông trong khi gia đình nghèo, ruộng vườn ít thì con cái bệnh tật không có tiền mua thuốc thang, không được học hành, nghèo đói quanh năm. Đến nay, tại A Lưới những tập tục lạc hậu đã dần xóa bỏ”, ông Xoa bộc bạch.

Còn những băn khoăn

Qua hơn 80 mùa rẫy, chưa nơi nào ở vùng rẻo cao mà ông Xoa chưa đặt chân đến. Từ khi còn là cán bộ đến lúc về hưu ông vẫn mải miết với những chuyến đi dù gần, dù xa.

Hệ thống đèn điện liên thôn ở A Diên do một tay già Xoa vận động đóng góp

Hỏi chuyện về con đường bê tông thẳng tắp với hệ thống đèn đường hoành tráng tại thôn A Diên, một người dân ở đây bảo, nhờ có già Xoa sau những lần vận động, bộ mặt nông thôn mới thay đổi đến thế. Hơn 3,5km đường bê tông, 80 cột điện đường tại thôn được xây dựng hay chiếc xe tang gần 20 triệu đồng để phục vụ khi có tang là một phần không nhỏ công sức của già Xoa qua những lần gõ cửa nhà dân.

Gần về với đất mẹ, già Xoa vẫn còn lắm nỗi băn khoăn. “A Lưới đã nhiều đổi thay nhưng tôi vẫn chưa ấm lòng. Chúng ta nói nhiều đến việc xây dựng nông thôn mới, nhưng đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới vẫn còn nghèo lắm. Tôi đã già nhưng vẫn sẽ đi vận động đến khi còn sức lực, bởi để người dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức là cả một quá trình lâu dài. Làm công tác Đảng hay dân vận niềm vui cuối cùng là “đi dân nhớ, ở dân thương”, ông Xoa nói.

“Ông Hồ Thanh Xoa là già làng uy tín, góp công lớn trong công tác xây dựng Đảng tại huyện A Lưới. Từ những cuộc vận động của già Xoa, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước kịp thời đến vời đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân thay đổi nhận thức, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nông thôn mới. Già Xoa từng là Trưởng ban Dân vận Huyện ủy A Lưới; Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ VI, VII. Năm 2009, già Xoa được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc” – bà Nguyễn Thị Sửu, Bí thư Huyện ủy A Lưới cho biết.

Bài, ảnh: Quỳnh Viên

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hoa đời thường” vẫn lặng lẽ tỏa hương

Đã có những khoảng lặng rất lâu sau khi tôi đọc các bài báo viết về những bông hoa đời thường đăng trên Báo Thừa Thiên Huế. Dòng chảy cuộc sống với bao bộn bề lo toan, nhưng có những con người vẫn như con ong lặng lẽ hút mật dâng cho đời. Với họ, sống là để cho đi…

“Hoa đời thường” vẫn lặng lẽ tỏa hương
Bí thư chi bộ đảng xuất sắc

Bí thư Chi bộ 9 thuộc Đảng bộ phường An Hòa (TP. Huế) Hà Văn Báu là 1 trong 20 đảng viên đến từ các chi, đảng bộ trực thuộc Thành ủy Huế vinh dự được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc 5 năm liền, giai đoạn 2015 – 2020.

Bí thư chi bộ đảng xuất sắc
“Kiện tướng nông dân” trên xã biên giới

Trong con mắt đồng nghiệp, bạn bè và người dân trên địa bàn, chị Phan Thị Hương (tổ 2, tổ dân phố 1, thị trấn A Lưới) là “kiện tướng nông dân” nơi xã biên giới còn nhiều khó khăn.

“Kiện tướng nông dân” trên xã biên giới
Cô trưởng thôn được dân bản tin, quý

30 năm tuổi đời, người phụ nữ dân tộc Tà Ôi Hồ Thị Tường có 8 năm tuổi Đảng và 7 năm giữ vai trò trưởng thôn Diên Mai, xã A Ngo (A Lưới). Tháng 2/2020, Tường là một trong số đảng viên trẻ tuổi nhất được Tỉnh ủy tặng Bằng khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền.

Cô trưởng thôn được dân bản tin, quý
42 lần hiến máu tình nguyện

“Phường thông báo nguồn máu để cứu sống các bệnh nhân đang thiếu hụt trầm trọng do dịch COVID-19, tôi nghĩ mình nên làm một điều gì đó để chung tay chống dịch và tôi chọn đi hiến máu. Đây là lần hiến máu thứ 42 của tôi”, chị Huyền Tôn Nữ Thị Lài, hội viên phụ nữ tổ 3, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Phú Hòa, TP. Huế chia sẻ.

42 lần hiến máu tình nguyện
Return to top