ClockThứ Năm, 13/06/2013 14:16

Cánh diều năm xưa

TTH - Những đợt nắng nóng xuất hiện cùng với tiếng ve râm ran và những chùm hoa phượng vĩ đỏ thắm trên các sân trường, góc phố báo hiệu hè về đánh thức ký ức tuổi học trò trỗi dậy trong tôi.

Tháng 6 năm 1974, tốt nghiệp tú tài toàn phần, tôi từ giả gia đình và thành phố Huế thơ mộng vào Sài Gòn tiếp tục việc học.

Minh họa: Hương Trà

Ngôi nhà ông tôi ở trong con hẻm Phan Văn Hân - Thị Nghè (ngày nay) có hai tầng, trên hết là sân thượng lát gạch Bát Tràng diện tích chừng 150m2 (sân có lan can bảo vệ an toàn, đây là nơi mà sau này chúng tôi thả diều). Gia đình ông bà còn có chú thím tôi và hai em trai. Chú tôi dạy học ở Đà Lạt, đôi ba tuần hoặc có ngày nghỉ mới về thăm nhà.

Một chiều oi bức, tôi lên sân thượng hóng gió, ngước mắt nhìn bầu trời cao xanh khiến tôi bỗng nảy ra ý định: địa thế này khi có gió mà thả diều thì thú vị biết bao! Lúc này, tôi liên tưởng đến những cánh diều chao nghiêng trong gió, bay bổng giữa trời năm xưa khi tôi còn ở Huế.

Tôi vốn đam mê chơi diều từ thưở nhỏ. Vào những ngày hè, những người chơi diều, từ trẻ con như chúng tôi cho đến người lớn đều tập trung ở Quảng trường Ngọ Môn (phía sau cột cờ Phu Văn Lâu) để tung lên bầu trời những cánh diều với đủ kiểu dáng, màu sắc thi nhau bay lượn. Nói về trò chơi này thì không đâu làm diều và thả diều đẹp bằng xứ Huế, nơi đã từng biết đến như một thủ phủ của nghệ thuật thả diều.

Mùa hè năm ấy, sẵn dịp chú tôi dạy học ở Đà Lạt về nghỉ hè. Hai chú cháu đi chợ mua tre, kẽm buộc, dây cước, vải, keo dán và sơn dầu để làm một cặp diều phượng hoàng. Tôi chủ công “thiết kế tạo dáng” làm khung diều, chú tôi có nhiệm vụ vót tre, tô vẽ sơn màu lên những mảnh vải xoa sau đó dán lên khung sườn diều. Khâu cuối cùng khá quan trọng là việc thắt dây cước vào thân diều một cách có kỹ thuật, đảm bảo cho diều khi có gió là bay được. Khâu cuối này do tôi đảm nhiệm vì có tính chất quyết định diều có bay tốt hay không.

Sau một tuần chú cháu tôi say sưa miệt mài “thi công”, cặp diều phượng hoàng trống mái đã hoàn tất. Con diều trống có chiều rộng sải cánh 1,5m, dài đến 2,5m, diều mái nhỏ hơn diều trống cỡ 1/3, chúng đều có màu sắc tươi tắn rực rỡ. Chú tôi và hai đứa em thích thú ngồi ngắm không chán mắt, trông sao cho chiều đến sớm và trời có gió để thả diều.

Chiều xuống, chú cháu và hai em tôi có mặt trên sân thượng chuẩn bị tư thế thả diều. Tôi chủ động các bước, đạo diễn việc thả diều vì chú tôi và các em không rành. Chú tôi cầm diều, tôi cầm dây chạy đà chừng mười mét và hô buông diều. Tay trái tôi cầm cuộn dây, tay phải điều khiển đưa diều lên. Con diều thứ nhất gặp gió bốc lên ngay, tôi buông dần dây cho diều bay cao. Cũng với các thao tác ấy, con diều thứ hai đã bay vút lên trong gió. Chốc lát, đôi diều đã lên cao, chúng chao lượn thật đẹp giữa bầu trời Thị Nghè nhạt nắng. Trên sân thượng của các nhà kế bên, bà con nhìn thấy chúng tôi thả diều cũng lên xem. Tại khu vực này, xưa nay đâu có ai biết chơi diều nên họ căng mắt dõi theo đôi diều đang bay với nét mặt hân hoan. Chú tôi và hai em thì reo hò phấn chấn ra mặt vì có tôi thì mới biết đến trò chơi đầy thú vị này!

Thời gian sau đó, những nhà lân cận ở xóm ông tôi lân la sang làm quen, nhờ tôi tư vấn và làm hộ diều. Họ đối xử với tôi khá tình cảm. Vui nhất là vào những ngày nghỉ, cả xóm thi nhau thả diều rồi chấm điểm. Diều ai bay cao nhất và đẹp mắt là đạt giải vô địch, được thưởng 2 vé đi xem cải lương. Cứ thế, sau những giờ học hành và làm việc, chú cháu chúng tôi lên sân thượng thả diều. Tôi thật không ngờ đã đem đến nhiều niềm vui trong trò chơi thả diều cho gia đình ông tôi và bà con lối xóm. Đây cũng chính là nơi chắp cánh cho tôi vươn đến những ước mơ cao đẹp trong cuộc sống.

Mấy năm sau tôi ra trường, được phân bổ lên công tác tại Tây Nguyên. Công việc và môi trường mới cuốn hút. Những buổi chiều thả diều trên sân thượng nhà ông tôi ở Sài Gòn năm nào đã chìm dần vào quên lãng!

Chiều nay, nhìn những cánh diều no gió, lửng lơ bay lượn giữa bầu trời phố núi Pleiku với đủ sắc màu sặc sỡ, khi thì chúng xoắn xít gần nhau xòe đuôi, vẫy cánh, khi thì đẩy nhau ra trông thật lãng mạn. Xa xa, một cánh diều bị đứt dây, lộn nhào rồi bay đi giữa khoảng trời mênh mông! Tôi lặng thinh với cảm giác bâng khuâng khó tả và thầm nghĩ: không biết giờ này trên sân thượng nhà ông tôi, chú tôi, các em và những bạn diều hàng xóm ngày xưa có còn thả diều nữa không?

Mai Văn Chính
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top