Thể thao

“Cánh én” Thanh Nhi & chuyện không riêng của bắn cung

ClockChủ Nhật, 13/03/2022 14:43
TTH - Với 7 huy chương giành được tại giải vô địch cung thủ xuất sắc quốc gia 2022, Thanh Nhi chứng tỏ đang là VĐV không thể thiếu của bắn cung Huế. Và bên cạnh sự xuất sắc của nữ cung thủ sinh năm 2001, lại gợi ra nhiều câu chuyện đáng quan tâm…

Nguyễn Thị Thanh Nhi ghi tên vào lịch sử bắn cung Việt Nam

Một buổi tập của nữ cung thủ Thanh Nhi

“Gánh” cả “mùa xuân”

Tại giải vô địch cung thủ xuất sắc quốc gia 2022 (1-6/3) do Huế đăng cai, Nguyễn Thị Thanh Nhi – tuyển bắn cung Thừa Thiên Huế xuất sắc giành 5 HCV, 1 HCB cá nhân và 1 HCB đồng đội, qua đó, rộng cửa tham dự SEA Games 31 vào tháng 5 tới.

Bên cạnh vượt qua Ánh Nguyệt – VĐV đang giữ kỷ lục quốc gia tại giải vô địch cung thủ xuất sắc toàn quốc 2020 và từng tham dự Olympic 2020, Thanh Nhi đã ghi tên mình vào lịch sử bắn cung của thể thao Việt Nam khi trở thành VĐV đầu tiên giành được 5 HCV, 1 HCB cá nhân tại một giải đấu cấp quốc gia. (Tại giải này năm 2021, VĐV Ánh Nguyệt giành 6 HCV nhưng trong đó chỉ có 3 HCV cá nhân).

Đáng nói, số huy chương của Nhi đạt được cũng chính là tổng số huy chương mà bắn cung Thừa Thiên Huế giành được ở giải đấu này. Và đây không phải là lần đầu tiên cô gái sinh năm 2001 làm được, mà trước đó, tại giải vô địch các đội mạnh toàn quốc 2019, Nhi từng giành 4 huy chương (1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ) trong tổng số 4 huy chương bắn cung Huế đạt được, đồng thời phá kỷ lục tồn tại cách đây 12 năm ở nội dung 1 dây cự ly 30m. Còn trong 2 năm 2019 và 2020, tại 5 đấu trường tham dự, Thanh Nhi đã để lại dấu ấn của mình lên 13 huy chương trong tổng số 14 huy chương bắn cung Huế đạt được.

Lãnh đạo ngành thể thao chia vui cùng Thanh Nhi tại giải vô địch cung thủ xuất sắc quốc gia 2022

Qua những con số trên, có thể khẳng định, Thanh Nhi là nhân tố không thể thiếu của bắn cung Huế. Điều này hẳn nhiên là tín hiệu vui khi thể thao Huế nói chung, bắn cung Cố đô nói riêng đã, đang có một nhân tài. Và với đặc thù “tuổi nghề” VĐV bắn cung “thọ” hơn các môn khác (bắn cung có những nhà vô địch thế giới ở độ tuổi 40-45), những cống hiến của Thanh Nhi vẫn còn kéo dài.

“Hiện, bộ môn có 6 VĐV, trong đó 4 VĐV kiện tướng, 2 VĐV cấp I, Thanh Nhi là 1 trong 4 VĐV kiện tướng. Dù cùng là kiện tướng, nhưng thực tế qua các giải đấu cho thấy, thành tích của 3 kiện tướng còn lại chưa thể bắt kịp Thanh Nhi, 2 VĐV cấp I lại càng không thể”, ông Hồ Đắc Quang, Hiệu trưởng Trường trung cấp TDTT tỉnh nói.

Và, như chia sẻ của ông Quang: “Tháng 7 tới có giải vô địch bắn cung trẻ, dù tham gia nhưng chúng tôi xác định rất khó có huy chương chứ chưa nói đến chuyện giành HCV. Nguyên nhân, do Thanh Nhi quá tuổi tham dự giải trẻ…”, càng thêm khẳng định tầm quan trọng của nữ cung thủ đối với bộ môn bắn cung Huế.

Chuyện không riêng của bắn cung

Trong thể thao, để đào tạo được một VĐV nổi bật so với phần còn lại là rất khó. Nhiều bộ môn dù thành lập đã lâu, toàn bộ VĐV đều được đánh giá rất tiềm năng, nhưng để “so bó đũa chọn cột cờ” vẫn là điều nan giải. Vậy nên, dù mới thành lập từ năm 2014 và chỉ có 6 VĐV nhưng vẫn đào tạo được một cung thủ nổi bật ở cấp độ quốc gia như Thanh Nhi là điều rất đáng khen ngợi của bắn cung Huế.

Dẫu vậy, ở khía cạnh khác, việc đào tạo được VĐV xuất sắc để “gánh” thành tích cho cả bộ môn như Thanh Nhi nhưng lại có quá ít chỉ tiêu (bắn cung Huế giới hạn 6-7, trong khi các tỉnh, thành khác từ 10 – 30 chỉ tiêu VĐV) đã dấy lên nhiều lo ngại về tương lai của bộ môn này, bởi rõ ràng, điều này khiến bắn cung Huế mất đi cơ hội tuyển chọn, đào tạo thêm những mầm non triển vọng để kế thừa một khi nữ cung thủ này vì lý do nào đó hoặc nghỉ thi đấu, hoặc chuyển sang đầu quân cho đơn vị khác.

Đáng nói hơn, chỉ tiêu “khiêm tốn” dẫn đến hụt lực lượng kế cận không là chuyện của riêng bắn cung. Ông Hồ Đắc Quang thông tin: “Trường đang đào tạo 12 môn thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, chỉ tiêu được cấp còn ít so với nhu cầu thực tế (220 VĐV/12 môn/3 tuyến). Vì vậy, số lượng VĐV các đội tuyển hiện nay rất mỏng, nhiều môn bị hụt lực lượng kế cận; nhiều môn có các hạng cân, nội dung không có VĐV tham gia thi đấu dù rằng rất tiềm năng, như vật, đá cầu…”.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao nói rằng, trước tồn tại này, ngành đã đề xuất tăng thêm chỉ tiêu VĐV đối với một số môn trọng điểm, tiềm năng và hiện đang chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật

Ngày 20/4, tại xã Vinh Thanh (Phú Vang), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập (RCI) tổ chức ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật. Tham dự tại có Đại diện văn phòng RCI cùng hơn 50 người khuyết tật và người chăm sóc trên địa bàn các xã Vinh Thanh, Vinh An, Vinh Xuân, Vinh Hà và Phú Gia.

Ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật
Chạy vì những ngôi trường xanh

Từ những bước chạy để rèn luyện sức khỏe gắn với ý tưởng phủ xanh bóng cây ở các ngôi trường, hàng ngàn cây xanh đã được trồng mới với chương trình “Chạy vì những ngôi trường xanh”.

Chạy vì những ngôi trường xanh
Bóng đá ở làng

Từ trẻ em đến người lớn, từ cánh mày râu đến chị em phụ nữ, trái bóng tròn đã gắn kết tình làng nghĩa xóm, nâng cao tinh thần thể dục thể thao tại thôn Giáp Kiền (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà).

Bóng đá ở làng
Đóng thế

Còn đến 2 trận đấu nữa vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á mới hạ màn, nhưng với thất bại nặng nề 0 - 3 trước Indonesia trên sân Mỹ Đình, HLV Philippe Trousser đã sớm phải kết thúc hợp đồng dẫn dắt cả 2 đội tuyển Quốc gia và tuyển U23 Quốc gia Việt Nam.

Đóng thế
Return to top