ClockThứ Tư, 09/03/2016 09:31

Cảnh giác từ những “siêu lừa” bạc tỷ

TTH - Với hình thức dễ nhìn, cộng với tài ăn nói lưu loát nên không ít đối tượng là phụ nữ đã trở thành “siêu lừa” bằng những kịch bản... khó ai ngờ đến.

Điểm mặt những siêu lừa họ “nổ”

Những ngày đầu năm 2016, Công an tỉnh liên tiếp nhận được đơn của nhiều người dân sống trên địa bàn tố cáo bị một người tên Thủy có hộ khẩu thường trú tại đường Phùng Hưng (TP Huế) dở chiêu bài vay mượn tiền từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng nhưng... không trả. Nhận được thông tin, qua công tác xác minh, cơ quan điều tra xác định được đối tượng là Trịnh Thị Thu Thủy (45 tuổi, đăng ký tạm trú tại thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền); đồng thời, có đủ căn cứ khởi tố Thủy về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vốn làm nghề sản xuất bánh mì với quy mô nhỏ lẻ, song do cần tiền tiêu xài và trả nợ nên Thủy nghĩ ra cách “nổ” mình là một doanh nhân thành đạt với nhiều mối quan hệ ngoài xã hội và có các đối tác kinh doanh là những doanh nghiệp lớn trên địa bàn. Trong những buổi cà phê với “đối tác”, Thủy cho biết mình vừa ký được một số hợp đồng lớn về may áo quần, bảo hộ lao động với nhiều công ty ở TP Huế, song vì thiếu vốn nên cần vay mượn thêm tiền để hoàn tất việc sản xuất các lô hàng... Với chiêu bài này, từ cuối năm 2014 đến tháng 8/2015, Thủy đã lừa vay mượn nhiều người với tổng số tiền 3,5 tỷ đồng rồi chiếm đoạt tiêu xài và trả nợ cá nhân, sau đó không có khả năng chi trả.

Trước đó, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh đã làm rõ nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn, qua đó bắt giữ nhiều đối tượng quy án. Một trong số đối tượng này cần phải kể đến là “siêu lừa” Phan Thị Minh Tâm (28 tuổi, trú đường Xuân Diệu, TP Huế) với thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi. Đầu tiên, Tâm làm hợp đồng và công chứng các loại giấy tờ để bán chiếc xe ô tô 4 chỗ hiệu Huyndai cho bà Nguyễn T. D. (ở đường Nguyễn Du, TP Huế) với giá 450 triệu đồng. Sau khi bà D. chồng đủ tiền thì Tâm không giao xe mà lại đem chiếc ô tô này bán tiếp cho bà Trịnh T.T. (đường Chi Lăng, TP Huế) với giá 300 triệu đồng. Bằng thủ đoạn cũ, Tâm ôm tiền và tiếp tục đưa chiếc xe này đi cầm cố cho chủ một tiệm cầm đồ để lấy thêm 350 triệu đồng. Như vậy, chỉ với một xe ô tô nhưng Tâm đã lừa đảo chiếm đoạt 1,1 tỷ đồng của nhiều người. Khi Tâm chuẩn bị lừa thêm một bị hại khác thì bị cơ quan công an bắt giữ.

Ngoài trường hợp lừa đảo của 2 nữ quái trên, đầu năm 2016, Công an TP Huế cũng đã làm rõ hành vi lừa đảo đối với Lê Thị Hằng (trú đường Bà Triệu, TP Huế). Theo Công an TP Huế, Hằng làm nghề mua bán áo quần may sẵn nhưng vì làm ăn thua lỗ nên Hằng dùng “chiêu” mượn tiền của nhiều người nói để trả nợ nhưng sau đó bỏ trốn. Từ năm 2011- 2014, Hằng vay mượn của 2 người số tiền gần 500 triệu đồng nhưng không có khả năng chi trả nên Hằng cùng gia đình trốn vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống. Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, giữa tháng 1/2016, Công an TP Huế ra quyết định truy nã trên toàn quốc với Lê Thị Hằng. Biết không thể trốn khỏi lưới pháp luật, sau đó Hằng đã ra đầu thú.

Hết sức cảnh giác

Theo trung tá Lê Hữu Sỹ, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an TP Huế, vụ án lừa đảo của Hằng là một trong những vụ án mà đơn vị phải mất nhiều năm liền để xác minh, điều tra các mối quan hệ, chỗ ở của Hằng; đơn vị cũng phải nhờ phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh giám định mẫu chữ viết, chữ ký trên giấy vay tiền do phía bị hại cung cấp có trùng khớp với mẫu chữ viết, chữ ký của Hằng trong bản tường trình... mới đi đến kết luận hành vi lừa đảo của Hằng. “Ngoài vụ án lừa đảo của Lê Thị Hằng, thời gian qua, Công an TP Huế còn tiếp nhận nhiều đơn thư của người dân gửi đến tố cáo các trường hợp lừa đảo khác. Tuy nhiên, phần lớn các vụ lừa đảo đều rất khó xác minh, điều tra để khởi tố, bắt giữ đối tượng do thiếu bằng chứng chức xác thực. Có nhiều vụ sau khi lừa đảo trót lọt, chủ nợ đã ôm hàng tỉ đồng bỏ trốn. Vì thế, người dân khi thực hiện các hình thức cho vay, mượn tiền nên cẩn trọng để tránh bị các đối tượng xấu lừa đảo”, trung tá Sỹ khuyến cáo.

Đại tá Hồ Quang Minh, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cho biết, trước sự việc người dân vì thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin nên liên tục bị kẻ xấu lừa đảo với số tiền từ hàng trăm triệu đến nhiều tỷ đồng, đơn vị đã phát đi nhiều văn bản gửi đến công an các phường, các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn để thông báo những phương thức thủ đoạn lừa đảo của tội phạm. Đồng thời, khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác với loại tội phạm này; kiên quyết đấu tranh tố giác khi phát hiện tội phạm lừa đảo.

THÁI SƠN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cảnh giác với chiêu lừa đảo góp vốn qua mạng

Đầu năm 2024, lực lượng chức năng liên tục phát đi những thông tin cảnh báo đến mọi người dân trong tỉnh, cần nêu cao tinh thần cảnh giác với chiêu thức lừa đảo góp vốn làm ăn qua mạng của các đối tượng. Đây là chiêu thức không mới, nhưng vẫn có người “sập bẫy” với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Cảnh giác với chiêu lừa đảo góp vốn qua mạng
Cảnh giác với trộm tài sản mùa mưa bão

Mùa mưa bão đã đến. Đây là thời điểm mà các đối tượng lợi dụng để trộm cắp tài sản. Lực lượng công an cảnh báo, người dân cần hết sức đề phòng, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

Cảnh giác với trộm tài sản mùa mưa bão
Cảnh giác cao để không bị lợi dụng, lừa đảo

Những ngày qua, Công an tỉnh phát đi các thông tin cảnh báo đến người dân về việc, các đối tượng xấu lợi dụng không gian mạng để lừa đảo qua mã QR, đánh cắp tài khoản Facebook, qua tặng quà tri ân… Mong người dân hết sức lưu ý, nêu cao tinh thần cảnh giác để không bị “tiền mất, tật mang”.

Cảnh giác cao để không bị lợi dụng, lừa đảo
Cảnh báo trộm tại đám tang

Lợi dụng gia đình sau nhiều ngày tổ chức đám mệt mỏi, ban đêm chủ quan không đóng cửa, lơ là bảo quản tài sản nên các đối tượng tiến hành trộm cắp.

Cảnh báo trộm tại đám tang
Return to top