ClockThứ Sáu, 01/03/2019 13:52

Cảnh giác với “đầu tư quan hệ”

TTH - Người ta thường nói, đầu tư kinh doanh, đầu tư cho sản xuất, đầu tư phát triển..., nhưng có một dạng nữa đang diễn ra trong thực tế đó là đầu tư quan hệ. Nói chính xác là tìm ô dù, chống lưng, bảo kê cho làm ăn lâu dài. Bản chất dạng đầu tư này cũng là nhằm mục đích sinh lời, chỉ khác là không phải từ kinh doanh, sản xuất mà các thủ đoạn, mánh lưới phi thương mại giữa các nhóm lợi ích.

Đánh giá cán bộ còn bị thao túng bởi lợi ích nhóm

Những người bỏ vốn làm ăn lớn đến kinh doanh bình thường đều luôn tạo ra mối quan hệ với những người có thế lực để làm chỗ dựa làm ăn hoặc móc nối dự án đầu tư. Người ta tính rằng, móc nối quan hệ được với quan chức có thể “một vốn bốn lời”, “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô”. Muốn làm giàu nhanh không thể không tìm người chống lưng, mà xem đó như là quy luật. Mục đích nhắm đến là những người có thực quyền chi phối, nắm quyền quyết định đầu tư, duyệt dự án, hoặc có thể làm ô dù, bảo kê. Quan hệ được kết nối bằng nhiều cách, nhiều đường đi nước bước khác nhau. Trong giới đại gia có nhiều dạng kinh doanh, nhiều nghề, cách làm ăn cũng khác nhau nên ưu tiên tìm những đối tác có tiềm năng để tiếp cận. Ban đầu là những cuộc giao lưu, liên hoan, các cuộc gặp mặt tình cờ nào đó, nhưng cũng có những quan hệ qua giới thiệu hoặc bắc cầu. Tuy nhiên, phải trên cơ sở nhu cầu cần thiết để xác định đối tác có nguồn thế lực ngắn hay dài. Những người làm ăn thiếu lành mạnh, muốn răn đe đối thủ bằng cách mượn “oai” quan chức ở các cơ quan pháp luật, những ô dù đủ nặng ký. Cái cần của họ là những cuộc điện thoại gửi gắm, những thư tay đến với người có quyền để được nương nhẹ, không gây khó dễ, thậm chí không dám “đụng chạm”. Dù là quan hệ kiểu gì thì đại gia cũng phải thể hiện chơi đẹp, thân tình nhằm tạo được quan hệ lâu dài. Khi đã có được sự thân thiết nhất định thì chuyện mời đi ăn nhậu, quà cáp tạo ấn tượng là đương nhiên. Chẳng thế mà Nguyễn Văn Dương trong vụ án game đánh bạc khai đã chi trên 10 tỷ đồng cho những lần tiếp khách với Tướng Phan Văn Vĩnh và những chiếc đồng hồ, rồi thuốc men, quần áo được tính bằng giá hàng ngàn USD. Không thiếu dịp để được thể hiện tình cảm quan hệ từ sinh nhật, thôi nôi, kỵ giỗ, chuyện vui gia đình hay những nhu cầu cần thiết của “chị nhà”… Vật chất từ quà cáp đến những chiếc phong bì ngày càng nhiều, càng dày thì quan chức khó từ chối và cũng khó lòng từ chối!

Từ quan hệ ban đầu, đến mức thân quen và khi đã “mắc quai” rồi thì quan chức cũng phải “biết điều” lại với các đại gia bằng dự án, kinh phí, những kế hoạch kinh doanh. Có thể bắt đầu từ những phi vụ nhỏ đến các dự án lớn. Khi có trong tay những dự án kinh phí lớn thì không chỉ quà cáp biếu xén mà phải trên cơ sở lợi nhuận để tính “lại quả” cho phù hợp. Những phi vụ lớn, dài hơi có khi phải dựa trên những con số để tính phần trăm chia chác, có thể còn có thỏa thuận tỷ lệ sòng phẳng. Đến lúc này thì không còn gọi là quan hệ xã giao nữa mà “cá đã cắn câu”, trở thành “đối tác” trong làm ăn giữa đại gia và quan chức biến chất. Có những mối quan hệ gắn chặt trong làm ăn trở thành những đầu nậu kiểu maphia mà những đối tượng khác phải kiêng nể và tìm cách móc nối để kiếm B", ’(B phẩy), B".

Trong những vụ án vừa qua có thể thấy, lĩnh vực bất động sản, đất đai là sôi động nhất, sinh lời cao nhất. Đại gia Vũ Nhôm ở Đà Nẵng là điển hình như vậy. Từ một người làm nhôm kính, học hành không nhiều nhưng đã tiếp cận được nhiều quan chức có máu mặt ở các thành phố lớn, quan chức cấp cao ngành công an. Và chính những quan chức này đã “quân sư”, tạo điều kiện cho Vũ Nhôm thâu tóm những miếng đất vàng ở các thành phố lớn. Chưa rõ những khoản lại quả hay chia chác, nhưng chắc chắn Vũ phải “biết điều” khi chênh lệch thu được hơn một ngàn tỷ đồng từ “cái uy” của một số quan chức cấp cao ngành công an. Thực chất kiểu này không chỉ đại gia muốn tiếp cận mà chính quan chức hám tiền cũng phải nhờ “đường đi nước bước” của các đại gia. Khi bị phanh phui, người ta hay đỗ lỗi “do năng lực hạn chế”, “buông lỏng quản lý”, “do cấp dưới đề xuất”. Nhưng với những vi phạm đã gắn liền với tiền bạc thì khó nói là không có tham nhũng, khó mà ngây ngô đến độ thiếu năng lực, vô ý sai phạm để cho người khác được hưởng lợi. Quan hệ “có đi có lại” là đương nhiên khi quan chức thoái hóa sẵn sàng tạo điều kiện, chống lưng cho đại gia. Đây cũng là một dạng “sân sau” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ cần phải chống quyết liệt trong thời gian tới.

Xã hội không cấm những quan hệ bình thường, sẵn sàng giúp nhau trong cuộc sống giữa người với người. Nhưng kiểu đầu tư quan hệ là không lành mạnh, là biểu hiện chính của nạn tham nhũng. Những vụ án bị phanh phui vừa qua là bài học cảnh tỉnh cho những quan chức thiếu bản lĩnh, dễ bị nhúng chàm. Không nhận diện đầy đủ, sa ngã với đồng tiền, không nhận thức được đầu tư kiểu như trên thì vấp ngã là khó tránh khỏi.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế

Chiều 29/3, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế với toàn thể viên chức, người lao động của Trung tâm nhằm huy động nguồn lực để đầu tư trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế.

Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế
Đoàn Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cùng các nhà đầu tư đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2

Ngày 25/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hàn Quốc do Thượng nghị sĩ Quốc hội, thành viên Ủy ban Y tế phúc lợi, Ủy ban Phụ nữ và gia đình Quốc hội Hàn Quốc Choi Younsuk làm trưởng đoàn cùng đại diện Bộ Y tế Phúc lợi Hàn Quốc, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng, nhà đầu tư, giám đốc điều hành các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế Hàn Quốc đến thăm, tìm hiểu cơ chế đầu tư giai đoạn 2 tại Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cùng các nhà đầu tư đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2
Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ

Không phải đợi đến lúc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị mà từ trước đó, Thừa Thiên Huế đã đặt mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ (KH&CN). Cơ sở để hiện thực hóa kỳ vọng này là vì Thừa Thiên Huế có đội ngũ trí thức hùng hậu, có cơ sở hạ tầng, thiết chế về khoa học công nghệ, cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ
Return to top