ClockChủ Nhật, 19/04/2020 07:24

Canh giữ Tam Giang

TTH - Cuộc chiến bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) vùng đầm phá Tam Giang không chỉ dừng lại chuyện không quản ngại sớm hôm, mưa nắng mà còn phải “lắm mưu, đa kế” mới thắng được ngư tặc.

Phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư vào đầm phá Tam GiangVận hành Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu HaiTết đầu tiên trên bờ của xóm Chồ bên phá Tam Giang

Nhiều lần tuần tra đầm phá, ông Ty sử dụng xuồng đuôi tôm nên chưa đuổi được “ngư tặc”

Chưa có hồi kết

Đầm phá Tam Giang từ ngàn xưa được ví như “bầu sữa” nuôi dưỡng bao phận người mưu sinh bằng nghề “theo đuôi tôm, cá”. Trong cuộc sinh tồn ấy, không ít người vì lợi ích trước mắt đã tham lam, ích kỷ, đánh mất nguồn lợi quý giá vốn có mà thiên nhiên ban tặng.

Nhưng có những người không hưởng lợi nhiều từ NLTS lại lo “sốt vó” với cuộc chiến bảo tồn đầm phá vì trách nhiệm cộng đồng. Những người canh phá Tam Giang được ví “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Thấm thía câu nói của người cha: “Phá tàn làng mạt”, ông Trần Văn Thành ở Thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (Quảng Điền) - một tay ngư tặc khét tiếng vùng đầm phá đã quyết định “hoàn lương”, trở thành người gắn bó với “nghiệp canh phá”. Ông Thành bảo: “Bảo vệ NLTS hôm nay không phải vì lợi ích bản thân, gia đình mình mà cho cả cộng đồng và thế hệ mai sau”.

Một thời, ở vùng đầm phá Quảng Điền, chuyện đánh bắt thủy sản bằng các ngư lưới cụ hủy diệt môi trường trên đầm phá diễn ra như “cơm bữa”. Ngày nào ông Thành cũng đến từng nhà, hay dạo một vòng trên đầm phá Tam Giang để nhắc nhở, thức tỉnh ngư dân thay đổi tư duy, nhận thức bảo vệ môi trường, NLTS.

Nhiều ngư tặc “kháo nhau” rằng: Triệt tôm, triệt cá như ông Thành còn “hoàn lương” thì mình đến nỗi nào không từ bỏ được”. Hàng trăm hộ chuyên khai thác thủy sản hủy diệt môi trường từ đó đã “lặng lẽ lui binh”.

Chòi canh đầm phá Ngư Mỹ Thạnh

Dẫu vậy vẫn còn một bộ phận ngư tặc ở địa phương và nhiều nơi khác đến vùng đầm phá Quảng Điền “làm phiền” khiến ông Thành, các lực bảo vệ NLTS phải đau đầu. Nói như ông Thành: “Một khi người dân vẫn còn thiếu nhận thức, đặt lợi ích cá nhân, lợi ích trước mắt lên hàng đầu thì cuộc chiến chống ngư tặc khó có hồi kết”.

Mấy chục năm nay, từ một ngư dân đến khi làm Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá (chi hội) Ngư Mỹ Thạnh, ông Phan Văn Ty chưa bao giờ yên tâm với tình hình đánh bắt thủy sản trên đầm phá Tam Giang. Có thời điểm, cứ cách vài ngày, một tuần, ông Ty lại nhận thông tin phát hiện ngư tặc cào lươn, cào trìa, xung điện, te quệu trái phép…

Có lần nhận tin báo từ ngư dân phát hiện hai thuyền cào lươn trái phép quy mô lớn, đúng lúc tôm nuôi của gia đình đang có dấu hiệu dịch bệnh, ông Ty vẫn gác lại công việc xử lý dịch để xua đuổi ngư tặc. Kết thúc cuộc chiến với ngư tặc sau hơn một giờ, khi quay lại thì ông Ty tá hỏa phát hiện tôm nổi trắng hồ. Vụ tôm đó ông Ty thua lỗ hơn 100 triệu đồng.

Biết truy đuổi, truy bắt là điều không đơn giản, lại gặp nguy hiểm nhưng mỗi khi nhận tin báo, dù đêm khuya hay mưa gió, ông Ty vẫn huy động lực lượng, người dân phối hợp tiếp cận vị trí ngư tặc hoạt động. Có lúc, khi chưa huy động được lực lượng, hoặc chờ cơ quan chức năng đến, ông Ty vẫn một mình âm thầm chèo thuyền đến thăm dò, nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng để thông tin cho các lực lượng triển khai biện pháp truy đuổi, vây bắt.

Có những cuộc vây bắt thành công nhưng cũng không ít lần thất bại. Ngư tặc manh động, vừa nổ máy công suất lớn vừa sử dụng hung khí chống trả quyết liệt để tẩu thoát. Các đối tượng thường đi theo nhóm, đông người, phương tiện công suất lớn, trong khi lực lượng chức năng lại mỏng, phương tiện nhỏ nên chủ yếu xua đuổi, nếu truy bắt sẽ rất nguy hiểm. Trường hợp ông Võ Đà (hồi đó Trưởng Công an thị trấn Sịa) từng bị ngư tặc đâm trọng thương cách đây mấy năm là bài học đắt giá trong cuộc chiến chống ngư tặc.

Đầm phá chưa yên

“Cắm phá”

“Bén duyên” với nghề canh phá Tam Giang từ mấy chục năm nay, ông Phan Văn Ty thừa nhận, các phương tiện, trang thiết bị “tác chiến” của các chi hội thua kém nhiều so với ngư tặc. Phương tiện dùng để truy đuổi, vây bắt chỉ là chiếc đò nhỏ, có khi chỉ là những chiếc xuồng đuôi tôm, không thể ứng phó với phương tiện công suất lớn, lại rất manh động của các đối tượng.

Khi phát hiện các đối tượng vi phạm, lực lượng của các chi hội chỉ được phép xua đuổi, không thể vây bắt. Công việc vây bắt ngư tặc phải phối hợp với cơ quan chức năng là một trong những hạn chế lớn đối với các chi hội. Có nhiều vụ vi phạm trong khi chờ lực lượng chức năng đến vây bắt phải mất nhiều thời gian nên các đối tượng vi phạm có cơ hội tẩu thoát.

Các chi hội còn phải tốn kém các khoản chi phí trong quá trình hoạt động bảo vệ đầm phá. Mỗi chuyến tuần tra, truy đuổi phải huy động ít nhất 3 chiếc đò máy, mỗi chiếc tiêu tốn vài chục lít dầu. Chi phí nhiên liệu cho các hoạt động theo quy định chỉ được trích từ 30% kinh phí xử phạt hành chính của các vụ vi phạm. Có thời điểm không vây bắt, xử phạt được đối tượng nào thì chi phí quá trình hoạt động tuần tra, vây bắt buộc các chi hội, những người làm công tác bảo vệ đầm phá phải tự bỏ tiền túi.

Trong muôn vàn khó khăn ấy, các chi hội, những người bảo vệ đầm phá buộc phải tư duy tìm cách ứng phó hiệu quả với ngư tặc. “Cắm phá” là một trong những biện pháp hiệu quả trong cuộc chiến chống ngư tặc trên đầm phá Tam Giang. Chi hội Ngư Mỹ Thạnh có 32 người, chia thành từng nhóm, thay phiên nhau trực chiến, canh chừng ngư tặc 24/24 giờ trên vùng đầm phá. Các nhóm này cải trang thành các thuyền đánh cá để theo dõi, phát hiện các hành vi vi phạm.

Muốn theo dõi, truy bắt các đối tượng một cách hiệu quả, các nhóm “cắm phá” còn phải thuộc từng con nước. Thời điểm nào nước lớn, thời điểm nào nước ròng. Tùy thuộc vào thời điểm từng con nước sẽ xuất hiện các loại thủy sản khác nhau. Từ đó nhóm “cắm phá” tổ chức theo dõi, xác định ngư tặc sử dụng phương tiện lớn, nhỏ, nghề khai thác nào, thời điểm đánh bắt... để có biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả.

Nhóm còn lại “nằm bờ”, chờ tiếp nhận thông tin phát hiện các đối tượng vi phạm, phối hợp với các lực lượng, cơ quan chức năng bàn kế hoạch hành động, chọn thời điểm chín muồi, sẵn sàng tổ chức áp sát, vây bắt. Mới đây, lực lượng “cắm phá” phát hiện, phối hợp với ngư dân, công an, Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền đã vây bắt thành công vụ cào lươn trái phép quy mô, công suất lớn. Tính từ năm 2019 đến đầu năm nay, riêng Chi hội Ngư Mỹ Thạnh tổ chức vây bắt, xử phạt hành chính hàng chục vụ vi phạm.

Các chuyên gia thủy sản cho rằng, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng lớn hàng chục ngàn ha nhưng mới chỉ có 23 khu bảo vệ NLTS với diện tích vài ngàn ha là con số còn hạn chế. Cơ chế, chính sách cho các chi hội, các lực lượng chưa thỏa đáng khiến hoạt động bảo vệ NLTS đầm phá chưa thật sự hiệu quả, nạn khai thác thủy sản trái phép khó ngăn chặn triệt để. Hơn 30 vụ vi phạm khai thác thủy sản toàn tỉnh được phát hiện, xử lý trong năm 2019 chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”. Điều tối thiểu, các chi hội cần được trang bị phương tiện công suất lớn, hỗ trợ chi phí nhiên liệu... đảm bảo quá trình hoạt động bảo vệ NLTS đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường diễn biến phức tạp thì việc thay đổi tư duy sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là điều gần như tất yếu.

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu
Ra quân đánh bắt thủy sản năm 2024

Ngày 25/2, UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) tổ chức lễ ra quân đánh bắt thủy sản năm 2024. Sau tiếng trống xuất quân, đoàn tàu đánh bắt xa bờ rẽ sóng ra khơi, với hy vọng một năm thắng lợi, tôm, cá đầy khoang.

Ra quân đánh bắt thủy sản năm 2024
Return to top