ClockThứ Năm, 22/11/2018 06:30

Cạnh tranh bằng cơ sở vật chất

TTH - Cơ sở vật chất là yếu tố quyết định, thu hút thí sinh. Đây cũng là một trong những hướng mà Đại học (ĐH) Huế và các đơn vị thành viên chú trọng đầu tư để cạnh tranh với các cơ sở giáo dục trong toàn quốc.

Trao đổi, thảo luận về mô hình quản trị và thể chế đại học Việt NamThời đại số & tâm thế người thầy“Phải tạo ra khát vọng cho sinh viên...”

Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế đầu tư nâng cấp sân trường

Hướng đến người học

Đến Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế, dễ dàng bắt gặp không khí khẩn trương của đội ngũ công nhân xây dựng nâng cấp sân trường. TS. Bảo Khâm, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trong quá trình xây dựng trước đây, hệ thống không đấu nối bên ngoài nên sân trường thường ngập úng khi mưa lớn nên trường đã trích kinh phí 900 triệu đồng từ các nguồn thu của trường để sửa chữa, khắc phục. Trước đó đã hoàn thiện dự án chống xuống cấp dãy C gồm 5 tầng, sửa chữa toàn bộ các nhà vệ sinh để phục vụ người học, với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

Hiện nay, các trường thành viên của ĐH Huế đang đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đại diện lãnh đạo một số trường cho biết, cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp người học và cũng là yếu tố đập vào mắt sinh viên và phụ huynh. Trong bối cảnh tự chủ ĐH và có nhiều đơn vị đào tạo cùng ngành nghề thì cần có sự đầu tư hợp lý, bởi trường đẹp, cơ sở vật chất hiện đại là một trong những tiêu chí được nhiều người lựa chọn.

Công nhân gấp rút thi công dự án nâng cấp sân trường, chống ngập úng tại Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế

ThS. Lê Văn Bình, Phó Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính ĐH Huế cho biết, giai đoạn 2015 - 2019, nhiều công trình đã và đang được xây dựng đáp ứng việc giảng dạy của cán bộ và học tập của sinh viên, như: giảng đường lớn học chung 4 tầng của các trường tại số 4 Lê Lợi, nhà học 4 tầng Trường ĐH Sư phạm, khu thí nghiệm cơ bản của Trường ĐH Khoa học, khu học và thí nghiệm Trường ĐH Y dược, nhà hiệu bộ và hội trường Trường ĐH Kinh tế… Ngoài ra, trong năm 2019 sẽ tiếp tục xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Trường ĐH Nghệ thuật. “Các công trình trên được triển khai theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư giai đoạn II xây dựng ĐH Huế của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Quyết định số 6156/QĐ-BGDĐT ngày 26/12/2014), nguồn vốn đầu tư là 70% ngân sách Nhà nước và 30% nguồn vốn tự bổ sung hợp pháp”, ông Bình nói.

Triển khai những dự án lớn

Theo đại diện ĐH Huế, thời điểm hiện tại, cơ sở vật chất tại ĐH Huế và các đơn vị thành viên, nhất là các trường cơ bản đáp ứng được công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, tuy vậy, nhu cầu về đầu tư, xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất tại các đơn vị vẫn luôn cần. Thực tế, một số đơn vị thành viên của ĐH Huế, như Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Khoa học hay Trường ĐH Y dược thì các công trình tiếp quản đã lâu, nhu cầu sửa chữa, nâng cấp là cần thiết và ĐH Huế cũng đang nghiên cứu nhiều giải pháp.

Ông Ngô Văn Tuấn, Trưởng ban Cơ sở vật chất ĐH Huế cho biết, giai đoạn từ nay đến năm 2025, ĐH Huế tập trung triển khai nhiều dự án lớn, như xây dựng đề án tái cấu trúc ĐH Huế, gồm cả tái cấu trúc cơ sở vật chất của ĐH Huế và các đơn vị thành viên. Đồng thời, nghiên cứu, triển khai dự án đền bù giải phóng mặt bằng tại khu Trường Bia để bàn giao mặt bằng xây dựng các công trình phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của ĐH Huế với tổng mức đầu tư dự kiến 120 tỷ đồng.

Một trong những dự án lớn khác là đầu tư phát triển Viện Công nghệ sinh học, ĐH Huế. Ngày 14/5/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 523/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển Viện công nghệ sinh học (CNSH), Đại học (ĐH) Huế. Theo đề án, từ năm 2018 đến năm 2020 sẽ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mới, khu ươm tạo và sản xuất thử nghiệm. Hoàn thiện, tổ chức hoạt động 4 phòng thí nghiệm: Công nghệ gen, công nghệ enzyme và protein, vi sinh vật học và công nghệ lên men, tế bào gốc. Từ sau năm 2020 đến năm 2025 sẽ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm để phát triển Viện CNSH thành một trong ba trung tâm CNSH quốc gia đạt trình độ tương đương khu vực ASEAN… “Dự án này đã được đề xuất, báo cáo chủ trương đầu tư. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đang thẩm định nguồn vốn, giai đoạn 1 (2018 – 2020) khoảng 80 tỷ đồng”, ông Bình cho biết.

Theo đại diện Ban Kế hoạch – Tài chính ĐH Huế, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt chủ trương đầu tư và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 dự án đầu tư xây dựng nhà làm việc và nhà thư viện các trường trực thuộc ĐH Huế. Trong điều kiện thuận lợi, trong năm 2019 sẽ sớm xây dựng nhà làm việc các khoa và bộ môn Trường ĐH Nông lâm; nhà làm việc các khoa, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ của Trường ĐH Khoa học; nhà thư viện Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top