ClockThứ Tư, 20/04/2016 05:15

Cao su chờ giá

TTH - Mủ cao su rớt giá, nhiều hộ ở Nam Đông hết kiên nhẫn chờ đợi đã đốn hạ, bỏ bê vườn cây hoặc không cạo mủ.

Ngành chức năng khuyến cáo người dân thường xuyên thăm vườn cây cao su, phát hiện và xử lý kịp thời sâu bệnh

Rẻ như... bèo

Cây cao su từng được xem là “vàng trắng” ở Nam Đông, mang lại thu nhập cho hàng nghìn hộ dân, bình quân vài chục triệu đồng/ha/năm. Thời gian gần đây, mủ cao su “rớt giá không phanh” đã khiến nhiều hộ dân rơi vào khó khăn, thiếu chi phí, động lực để đầu tư tiếp tục chăm sóc vườn cây chờ thời cơ tăng giá.

Bà Nguyễn Ngọc Anh (thị trấn Khe Tre) cho biết: “Thời điểm giá mủ cao su cao (khoảng những năm 2012-2013) với giá 40-45 nghìn đồng/kg mủ đông, với 1 ha cao su mỗi ngày bình quân thu được 500 nghìn đồng, thoải mái chi phí công cán. Giá hiện nay chỉ 7-8 nghìn đồng/kg, những vườn cao su ở xa giá chỉ 6 nghìn đồng/kg, tui thu được 50 nghìn đồng/ngày, tính ra không đủ chi phí công cạo mủ chứ đừng nói đến đầu tư phân bón, thuốc bơm, làm cỏ”.

Dù giá mủ cao su xuống thấp, cơ bản vẫn mang thu nhập ổn định cho người dân Nam Đông

Theo bà Anh, trước đây khi bắt đầu trồng cây bà xử lý thực bì, khi cao su bắt đầu thời kỳ kiến thiết, gia đình thường xuyên làm cỏ, bón phân. Đến thời kỳ cây cao su cho mủ, bà cùng chồng thường xuyên theo dõi, thăm nom vườn cây để xử lý, ngăn chặn kịp thời sâu bệnh. Thế nhưng, giá mủ cao su thấp từ trong năm đến nay khiến bà đành chặt bỏ 1 ha cao su để trồng keo. Vườn cao su bà Anh một số ít trồng từ năm 1992, số còn lại mới trồng sau này, cho khai thác mủ chỉ 2-3 năm trở lại đây. “Tui đốn cây chừa gốc 3m, trồng xen keo, sắn để lấy ngắn nuôi dài, chờ cây cao su ra chồi trở lại, khi đó giá cả thế nào thì tính tiếp”, bà Anh cho hay.

Toàn huyện Nam Đông có 3.500 ha cao su, trong đó có khoảng 2.500 ha đã đi vào khai thác. Bình quân mỗi hộ gia đình ở Nam Đông có 1 ha cao su, cho thu nhập khoảng 38 triệu đồng/ha/năm. Cây cao su từng là cây xóa đói giảm nghèo đối với vùng miền núi Nam Đông, là cây chiến lược lâu dài, cho thu nhập ổn định nên việc duy trì cây cao su là chủ trương nhất quán của huyện

Ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đông

Dù không chọn phương án đốn hạ, nhưng bà Hồ Thị Hàng (thôn 4, xã Hương Sơn) cũng không còn mặn mà với vườn cây cao su. Bà Hàng cho biết: “Mấy tháng rồi không lên xem vườn cây. Trước đây, mỗi năm 2 lần, gia đình đều thuê nhân công lên bón phân, làm cỏ, bơm thuốc, chuẩn bị cho mùa thu mủ”.

Nhiều hộ trồng cao su ở Nam Đông “hết kiên nhẫn” đã chặt bỏ vườn cây bán gỗ với giá 150-200 nghìn đồng/cây (loại đường kính 20-30cm) và loại gỗ cao su nhỏ hơn với giá 10 triệu đồng/1m3. Tại các địa phương như Hương Hòa, có 16 ha cao su bị chặt bỏ chuyển qua trồng cây cam, trên tổng số 310 ha toàn xã; Hương Sơn, có 3 ha cao su bị chặt bỏ trên tổng số 360 ha.

Ông Phan Gia Điền, Chủ tịch UBND xã Hương Hòa cho biết: “16 ha cao su bị chặt bỏ chủ yếu ở thôn 10,11, được các hộ dân chuyển qua trong cây cam. Đây là số vườn cây cao su già tuổi, năng suất thấp và thường nằm ở vùng xung yếu hay bị bão gây gãy đổ”. Việc các hộ dân bỏ bê vườn cây, hoặc tự động đốn hạ, địa phương đã tuyên truyền vận động, hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho người dân nhằm duy trì cây cao su chờ giá.

Không nên “ăn xổi, ở thì”

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Nam Đông, tính đến thời điểm hiện nay đã có gần 50 ha trên tổng số 3.538 ha cao su toàn huyện bị người dân chặt bỏ, chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày khác. Số diện tích này tập trung ở những vườn cây già, không hiệu quả và ở vùng xung yếu thường xuyên ảnh hưởng bão. Bên cạnh đó, cũng có nhiều hộ dân bỏ vườn, không cạo mủ do giá mủ thấp không đủ chi phí công cạo.

Ông Nguyễn Hữu Ánh, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông lâm ngư huyện Nam Đông cho biết: “Chủ trương của huyện là vận động người dân duy trì vườn cây cao su bởi đây là cây lâu năm, góp phần cho thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo. Ngay từ đầu vụ, trạm đã cử cán bộ khuyến nông về tận cơ sở, có những hướng dẫn bà con khai thác, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật ngay tại vườn; khuyến cáo bà con thường xuyên thăm nom vườn cây để kịp thời phát hiện, xử lý các loại sâu bệnh”.

Ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đông cho rằng, để giúp người dân duy trì vườn cây hiệu quả, cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cơ quan chuyên môn trong việc hướng dẫn, khuyến cáo bà con các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm chi phí nhưng nâng cao hiệu quả chăm sóc, thường xuyên thăm vườn để phát hiện và xử lý kịp thời sâu bệnh có hại đối với cây trồng. Địa phương cũng đã vận động, làm cầu nối với doanh nghiệp, mở rộng thị trường đầu ra của mủ cao su cho bà con nông dân.

“Xác định cây cao su là chiến lược lâu dài, dù giá xuống thấp, nhưng người dân nên tránh tâm lý “ăn xổi ở thì”. Người trồng cao su có ảnh hưởng nhưng với giá hiện nay vẫn duy trì được thu nhập ổn định, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Thành khẳng định.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bộ Tư lệnh Quân khu 4:
Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

Ngày 17/4, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74 Nam Đông - A Lưới.

Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74
Trao tặng 100 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân huyện Nam Đông

Hoạt động trên vừa được Chi đoàn Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức nhằm chào mừng 93 năm Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế.

Trao tặng 100 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân huyện Nam Đông

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top