ClockThứ Hai, 13/08/2018 14:34

Cấp giấy thông hành cho bà con vùng biên giới

TTH - 5 giờ 30 phút sáng 11/8, từ TP. Huế, các cán bộ, chiến sĩ Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (PA72) Công an tỉnh đã vượt hơn 70km đường đồi dốc quanh co để lên với đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới. Tại đây, đoàn đã tiến hành các thủ tục cần thiết để cấp, đổi hộ chiếu, giấy thông hành cho người dân, nhất là bà con ở các xã vùng biên giới giáp với nước bạn Lào.

Lên với người dân vùng biên

Cán bộ, chiến sĩ Phòng PA72 hướng dẫn các thủ tục cho người dân

Vợ chồng ông Lê Văn Hùng - Lê Thị Nghé, dân tộc Pa Cô, trú tại xã Hồng Thủy kể: “Nghe thông tin phát trên loa truyền thanh xã, sáng sớm nay, hai vợ chồng tôi chở nhau về Công an huyện A Lưới để được đăng ký cấp hộ chiếu phổ thông. Tôi có đứa con gái lấy chồng bên xã A Túc, huyện Tù Muội, tỉnh Salavan (Lào), nên đợt này cố gắng làm hộ chiếu để qua thăm con”.

Hơn 8 giờ sáng, bà con ở các xã vùng biên giới như: Nhâm, Hồng Thủy, A Roàng, A Đớt… đến điểm làm hộ chiếu ngày càng đông. “Được cán bộ tuyên truyền nên tôi biết, muốn qua nước bạn Lào thăm người thân hay bạn bè phải có giấy thông hành hoặc hộ chiếu. Hơn nữa, sống ở xã biên giới, có hộ chiếu trong tay, chúng tôi không lo vi phạm pháp luật mỗi khi muốn qua cửa khẩu Hồng Vân – Cô Tai”, anh Trần Xuân Dong, dân tộc Cơ Tu, trú tại xã Hồng Trung trò chuyện.

Trong số hàng trăm người dân đến làm các thủ tục cấp hộ chiếu lần này có không ít người vượt một quãng đường khá xa. Thế nhưng, khi đến nơi họ lại không có giấy chứng minh nhân dân hoặc chứng minh nhân dân đã hết hạn được cấp hộ chiếu. Với những trường hợp này, cán bộ, chiến sĩ Phòng PA72 hướng dẫn, giải thích cặn kẽ.

Thiếu tá Lê Thị Bích Lan, cán bộ Phòng PA72 cho biết: “Chúng tôi đã quán triệt tinh thần chung là phải luôn tạo điều kiện hết sức cho người dân, vì bà con khó khăn lắm mới đến đây để mong được cấp, đổi hộ chiếu phổ thông. Qua đó, chúng tôi cũng phần nào hiểu rằng, ý thức về pháp luật của bà con vùng cao A Lưới đã nâng lên rất nhiều”.

Để không mất thời gian của bà con, mỗi cán bộ, chiến sĩ Phòng PA72 được phân công “phụ trách” từng người một, từ khâu hướng dẫn ghi lời khai, chụp ảnh, đến việc hỏi han cặn kẽ lý lịch của từng người. Vì vậy, chỉ trong buổi sáng đã có gần 200 hồ sơ hợp lệ được cấp hộ chiếu phổ thông.

“Chúng tôi không những được hướng dẫn tận tình các thủ tục làm hộ chiếu tại chỗ nhanh gọn, mà sau khi hoàn thành xong, cán bộ, chiến sĩ Phòng PA27 còn chuyển hộ chiếu về tận địa chỉ gia đình qua đường bưu điện, đỡ mất thời gian đi lại của bà con” ông Hồ Văn Lích, dân tộc Pa Cô, trú tại thôn Tân Hối, xã Hồng Bắc vui mừng bày tỏ.

Với các cán bộ, chiến sĩ Phòng PA72, đây không phải là lần đầu đến với người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa để cấp giấy thông hành, hộ chiếu, nhưng với bà con huyện vùng cao A Lưới thì đây là lần đầu tiên. Trung tá Nguyễn Quảng Đức, Phó Trưởng phòng PA72 cho biết: “Thời gian qua, Phòng PA72 liên tục cử các lực lượng nghiệp vụ cùng các phương tiện, máy móc về với người dân các xã vùng biển, đầm phá của huyện Phú Vang, Phú Lộc… để làm các thủ tục cấp, đổi hộ chiếu cho bà con. Việc làm này đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con, đồng thời là dịp để chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về xuất nhập cảnh, nâng cao ý thức pháp luật cho bà con sinh sống dọc tuyến biên giới giáp ranh với nước bạn Lào”.

Chia tay với bà con vùng biên giới ở A Lưới khi mặt trời dần buông. Phía xa kia là những mái nhà đơn sơ của người dân bản A Róc, I Reo… của huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào). Ở đó, có những người con Pa Cô, Cơ Tu… của huyện A Lưới đang làm ăn, sinh sống. Họ sẽ có điều kiện thăm hỏi lẫn nhau hơn khi có trong tay tấm giấy thông hành, hộ chiếu phổ thông. 

Theo Thiếu tá Nguyễn Thị Xuân Huệ, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng PA72 Công an tỉnh, dịp này, Phòng PA72 cũng đã huy động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị ủng hộ một ngày lương để trao 60 suất quà (500 ngàn đồng/suất) cho cán bộ, nguyên cán bộ, hội phụ nữ Công an huyện A Lưới, gia đình chính sách, hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, già làng, trưởng bản, người có uy tín ở các xã vùng biên giới của huyện; tặng hơn 2.000 bộ áo quần cho người dân các xã nghèo của huyện A Lưới.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn bó keo sơn trên vùng biên giới

Ông Viên Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND xã A Roàng (A Lưới) cho biết: “Với phương châm 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng đồng bào các dân tộc), cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hương Nguyên đã có nhiều giải pháp giúp người dân trong xã vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững”.

Gắn bó keo sơn trên vùng biên giới
Return to top