ClockThứ Năm, 19/10/2017 14:23

Cấp thiết đề xuất làm cao tốc Bắc - Nam ngay trong năm 2017

Trong “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020” Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đưa ra đề xuất ưu tiên làm trước 713 km giai đoạn 2017 - 2020.

Ưu tiên làm trước 713 km từ năm 2017

Tờ trình Bộ GTVT thừa ủy quyền của Chính phủ trình Quốc hội nêu rõ phạm vi đầu tư dự án. Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường bộ cao tốc trên hành lang kinh tế Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài 2.109 km.

Hiện nay, tuyến đã hoàn thành đưa vào khai thác 223 km, đang thực hiện đầu tư 297 km và đã xác định được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và hoàn thiện thủ tục đầu tư 67 km. Còn lại 1.372 km trên đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và 150 km đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau cần phải đầu tư mới và mở rộng lên 4 làn xe.

Bộ GTVT cho biết, Quốc lộ 1 (QL1) đã được đầu tư mở rộng 4 làn xe, năng lực có thể đáp ứng được nhu cầu vận tải đến khoảng 35.000 xe con quy đổi/ngày đêm.

Theo tính toán, nếu không đầu tư đường bộ cao tốc thì đến khoảng năm 2020 nhu cầu vận tải trên các đoạn Nam Định - Hà Tĩnh, Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai - Khánh Hòa đạt khoảng 42.100 xe con quy đổi/ngày đêm, vượt quá năng lực của tuyến QL1. Năm 2025, nhu cầu vận tải trên các đoạn Hà Tĩnh đến Khánh Hòa đạt khoảng 37.000 xe con quy đổi/ngày đêm, vượt quá năng lực của tuyến QL1.

Dự án cao tốc Bắc - Nam được đề xuất ưu tiên làm trước hơn 700 km

Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng cân đối nguồn lực, Chính phủ dự kiến lộ trình đầu tư dự án theo 3 giai đoạn, gồm: Giai đoạn từ năm 2017 - 2020: Đầu tư và đưa vào khai thác một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam gồm Nam Định (Cao Bồ) - Hà Tĩnh (Bãi Vọt), Quảng Trị (Cam Lộ) - Thừa Thiên Huế (La Sơn), Đồng Nai (Dầu Giây) - Khánh Hòa (Nha Trang) với tổng chiều dài khoảng 713 km đi qua 12 tỉnh, thành phố.

Giai đoạn năm 2021 - 2025: Đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Hà Tĩnh (Bãi Vọt) - Quảng Trị (Cam Lộ), Quảng Ngãi - Khánh Hòa (Nha Trang); Giai đoạn sau năm 2025: Đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau.

Trong giai đoạn năm 2017 - 2020, Bộ GTVT cho biết, phạm vi đầu tư giai đoạn 2017 – 2020 dài 713 km, có quy mô rất lớn nên không khả thi để kêu gọi đầu tư, ngoài ra mỗi dự án thành phần có nhu cầu vận tải, phương án tài chính, tiến độ chuẩn bị đầu tư, quy mô đầu tư khác nhau.

Do vậy, Chính phủ kiến nghị tách thành 11 dự án thành phần, trong đó, 8 dự án thành phần gồm các đoạn: Ninh Bình (Mai Sơn) - Hà Tĩnh (Bãi Vọt) và đoạn Khánh Hòa (Nha Trang) - Đồng Nai (Dầu Giây) đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Đối với 3 dự án thành phần còn lại, gồm: Nam Định (Cao Bồ) - Ninh Bình (Mai Sơn), Thừa Thiên - Huế (La Sơn) - Đà Nẵng (Túy Loan) và Quảng Trị (Cam Lộ) - Thừa Thiên - Huế (La Sơn) kiến nghị đầu tư theo hình thức đầu tư công, sau khi đầu tư xong sẽ tổ chức thu phí, nguồn vốn thu được sẽ tiếp tục đầu tư các đoạn tiếp theo.

Trong Tờ trình, Chính phủ cũng nêu rõ, công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn năm 2017 - 2020 chia thành 20 dự án thành phần và giao cho các địa phương tổ chức thực hiện; quy mô giải phóng mặt bằng theo quy hoạch được duyệt, chiều dài khoảng 713 km.

Vì sao không thể trì hoãn?

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cần thiết và không thể trì hoãn nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, phục vụ phát triển KT-XH, giải quyết hạn chế của các tuyến quốc lộ, đặc biệt là QL1 không thể khắc phục. Đây là lựa chọn khả thi trong bối cảnh đường sắt tốc độ cao chưa thể đầu tư sớm.

Bộ GTVT khẳng định không thể trì hoãn Dự án cao tốc Bắc - Nam vì QL1 đang quá tải nghiêm trọng

Cụ thể, hành lang vận tải Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Riêng đoạn Hà Nội - TPHCM đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố, tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 75% các cảng biển loại I, II và 67% các khu kinh tế của cả nước, đặc biệt là kết nối ba vùng kinh tế trọng điểm.

Theo Bộ GTVT, kết quả nghiên cứu của các tổ chức tư vấn quốc tế và trong nước dự báo đến năm 2020 nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc - Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và 62,27 triệu tấn hàng hóa/năm.

Đến năm 2020, nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang này sẽ vượt quá so với tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh, trong khi đường sắt tốc độ cao chưa thể triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, việc đầu tư ngay tuyến đường bộ cao tốc để đáp ứng nhu cầu vận tải là không thể trì hoãn.

Đặc biệt, đối với một số đoạn có nhu cầu vận tải rất lớn hiện tại nhu cầu vận tải đã vượt quá khả năng đáp ứng của tuyến QL1 song hành, nhu cầu đầu tư thực sự cần thiết, cấp bách để sớm khắc phục tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Yêu cầu khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam trước 31/12

Lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, tiến độ triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2) đang được các Ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện các thủ tục. Tính đến nay, 12 gói thầu khởi công đầu tiên (331 km) của 12 dự án thành phần đã được các Ban quản lý dự án phát hành hồ sơ gói thầu xây lắp và tư vấn giám sát.

Yêu cầu khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam trước 31 12
Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/NQ-CP liên quan đến việc triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam
Return to top