ClockThứ Bảy, 21/02/2015 22:52

Cát...

TTH - Cứ đi về nông thôn là thấy lòng nhẹ như mây chiều. Chiều nay một mình một xe trôi tuột về vùng cát, đến tám giờ tối mới lên Huế.

Ngồi nó lâu là vì gặp thằng em mới gặp một lần. Vừa lúc nó đi bắt cá về. Được ba con cá trê xứng hàng ông cháu. Nó thật thà nói để em vô bếp nướng. Mình nói để anh, chất củi lên trước nhà vừa chuyện trò vừa nướng mới ngon. Nướng xong cũng không vội ăn, vùi than ấm ấm để thế rồi chân trần hai anh em đi ra sau rú cát. Nói vài chuyện bông phèng rồi lại vô. Vậy mà biết khối chuyện về cát. Cát không nóng như người ta tưởng, nhưng muốn cát mát thì phải có hồ. Mà vùng này cứ múc đất lên là có nước, người ta gọi là rú cát.

Cát mênh mông chỉ lác đác vài nhà, nhưng cũng không buồn như người ta nghĩ. Cũng hội cũng thuyền bao bọc. Muốn trồng cây tràm nhanh lên trên cát, nhớ đánh vồng như vồng khoai lang. Trồng dưới luống thì cây chết mà trồng trên vồng cây sống mười mươi. Chẳng cần hiểu gì khoa học, thằng em sống trên cát lâu ngày đã phát hiện ra điều đó.
Cát không nghèo như người ta nghĩ, nhưng cát rất cần cái nghĩ của người ta. Vùng cát gió nhiều nên người ta ít nói, nhưng cát lại rất biết đùa. Những bông đuôi chồn cứ lăn tròn là vì gió chứ không vì cát. Cát chỉ đứng nhìn. Cũng không phải là cát trêu ngươi.
Chừng hai mươi năm trước, mình đã từng lăn lộn trên vùng cát Quảng Điền, gọi là vùng cát nội đồng. Cũng không hiểu vì sao gọi vậy. Cát là cát chứ làm gì có nội đồng với ngoại đồng. Nhưng thật ra không quan trọng. Có thể người dân quen gọi vậy. Cũng có thể là một văn bản nào đó người ta muốn sáng tạo, rồi chết danh.
Nhưng gọi gì thì cát vẫn cứ là cát. Vẫn không muộn phiền như khi người ta bỏ mặc. Cũng không vồ vập khi người ta quan tâm. Có lẽ hơn ai hết, cát tự nhận biết mình, lạnh lùng nhưng có nhiều giá trị tiềm ẩn. Rồi có một lúc nào đó, người ta sẽ cần đến cát. Mà giờ thì đã cần, rất cần, quá cần rồi.
Thằng em đào hai hồ cá, nuôi mấy trăm gà, chừng sáu mươi lợn. Nó đã từng làm vài nghề trên Huế, bây giờ về lại quê vùng cát Quảng Lợi. Năm kiếm trăm rưỡi triệu nhẹ không. Nó bảo bây giờ cho lên phố em cũng không lên. Vậy là cát với nó đã trở thành người bạn. Chắc là gắn bó một đời.
Khi mới vào nghề làm báo, mình đã nghe một mệ già ở Quảng Thái nói rằng, ở đây, được một gánh khoai phải đổ ba gánh mồ hôi. Mệ nói không sai, trồng cây trên cát khó thật. Mùa hè nắng cháy, cát cứ như nung. Một giọt nước vừa chạm cát đã bốc hơi mấy phần. Muốn có củ khoai phải tưới bao nhiêu là nước.
Đó là thời trước. Bây giờ người dân không làm thế. Người dân đã biết sử dụng đúng mục đích của cát. Chăn nuôi là một cách. Chính chăn nuôi đã làm cho vùng cát Quảng Điền sinh động. Chiều vẫn nghe đâu đó tiếng nhạc phát ra từ bên kia trại vịt. Nghĩa là cát đã có một sức sống khác xưa. Nghĩa là cát không nghèo như người ta nghĩ, mà cát rất cần cái nghĩ của người ta.
Nguyên Lê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Return to top