ClockChủ Nhật, 27/01/2019 16:09

Cát...

TTH - Ký ức về cát vẫn nguyên vẹn như ngày nào, nhưng cát bây giờ đã mang dáng hình mới…

Chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trộm ở Phú MậuTrắng đêm theo dõi trộm cátXây dựng lộ trình thay thế cát lòng sông

Sản xuất thủy tinh từ cát tại Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Glass Vico. Ảnh: LÊ THỌ

Trảng cát dài vùng ven biển Ngũ Điền (huyện Phong Điền) khiến tôi liên tưởng đến những cồn cát ở Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình). Nhưng đó là ngày xưa, cái thời khắc nghiệt, bỏng rát. Vùng cát giờ đang từng ngày đổi khác…

1. Cảm giác rợn ngợp khi đi trên những con đường xuyên qua vùng cát rợp bóng keo tràm ở vùng ven biển Ngũ Điền. Những con đường bê tông được mở ra cách đây non chục năm, vì lợi ích từ cát.

Không học cao hiểu rộng nhưng Đức (thôn Trung Đồng, xã Điền Hương) phân tích về những con đường chằng chịt trên cát khiến tôi phải phục. Anh nói, đời sống người dân vùng ven biển Ngũ Điền đều liên quan đến cát, từ nuôi tôm trên cát, trồng rau trên cát, trồng rừng trên cát đến khai thác khoáng sản dưới lòng cát...

Cát quả thực không im lìm, trơ trọi. Nó không chỉ là khoáng vật mà còn là nơi người dân có thể hái ra tiền. Điều đó chứng tỏ không phải vô cớ mà nhiều con đường hiện ra giữa cát.

“Tụi tui thường gọi đường hồ tôm, đường titan (khai thác khoáng sản), đường trồng rừng... Đường mô cũng có “tên” phục vụ cho một mục đích riêng. Lợi ích kinh tế là thấy rõ nhưng cát bây giờ không còn giống ngày xưa”, Đức thông tin.

“Cát không giống ngày xưa”, ý của Đức tôi ngầm hiểu. Đó là những thứ thuộc về ký ức gợi lên hình ảnh khó quên đối với những người dân vùng biển. Trước khi những mầm cây đầu tiên mọc lên trên cát, và trước khi những vuông tôm chân trắng hay máy móc hiện đại “đục khoét” cát tìm khoáng sản thì cát vẫn cứ là cát, in hằn bao dấu chân người. Những cồn cát trắng xóa, cao vợi đẹp như tranh vẽ ngăn chia “rọong và bẻn”. “Rọong” (ruộng) là phía Tây cồn cát, nơi cư ngụ của nông dân hàng ngày cày cấy; “bẻn” (biển) là phía Đông gồm những ngư dân suốt đời sấp mặt vào biển. Lằn ranh cồn cát ấy khiến cụm từ “rọong và bẻn” dùng để kỳ thị nhau những lúc cư dân hai vùng thoáng chút giận hờn.

Cơm chiều với Đức độc món cá khiến tôi nhớ về một thời khốn khó của những vùng quê nghèo ven biển, phía Đông cồn cát. Lúc mặt trời chưa tỏ, các chị, các mẹ ngồi vấn thuốc lá Cẩm Lệ, nhả khói đợi ghe cập bờ. Rồi tất tả quang gánh vượt cát bán cá lấy tiền, hay đổi lấy gạo, khoai, sắn đắp đổi qua ngày.

Người biển bây giờ ít nhắc chuyện biển, trong câu chuyện với Đức phần lớn nói đến tôm đầu 5, đầu 6 (50 con/kg). Ở vùng cát ấy, mặc nhiên con tôm “đẻ” ra chuyện dù nó khiến cho nhiều người bao phen lận đận. “Biển lúc có lúc không, nhờ tôm trên cát công việc mới thường”, Đức cười. Kiểu “thường” của Đức nghĩa là đều đặn, có việc để làm và thu nhập hàng tháng. “Vợ làm công nhân, chồng nuôi tôm thuê hàng tháng thu nhập gần chục “chai” (triệu)/tháng. Ngó rứa mà ổn định”, Đức khoe.

Công nhân – công việc hơn chục năm trước tôi đố rằng người dân nào ở vùng biển này nghĩ đến. Ấy thế mà bây giờ là kế sinh nhai của hàng trăm lao động vùng biển Ngũ Điền. Họ đi vào nhà máy với nhịp sống hoàn toàn mới, khác hẳn với kiểu đợi chờ, ngóng biển. Những con đường xuyên cồn cát mọc lên khiến sự im lìm tắt hẳn. Nhiều chuyến xe hàng ngày “vượt” cát đưa công nhân vào nhà máy, chiều tà lại “vượt” cát trả công nhân tận nhà. Dù không quá sôi động nhưng đủ làm thay đổi cuộc sống của cả một vùng.

Những ngày tháng Chạp, chuyện thưởng tết, lương tháng…13 râm ran vùng gió cát, từ Công ty CP, Scavi hay những nhà máy đông lạnh tận Khu công nghiệp Phong Điền…

2. Lúc cùng đồng nghiệp vào Nhà máy Điện TTC Phong Điền, đứng chân trên vùng cát rộng lớn thôn Mỹ Hòa (xã Điền Lộc) đặt lịch làm việc, anh bảo vệ ngăn lại với vẻ mặt hết sức nghiêm túc. Anh là người địa phương, được nhận vào làm bảo vệ công ty chừng gần 1 tháng lúc chúng tôi đến nhưng phong thái khác hẳn với tính nết của người dân ở vùng dương liễu và cát trắng. Khi tôi bảo là người địa phương, được lãnh đạo huyện giới thiệu về làm việc thì anh lại xề xòa, gần gũi. Anh tỏ ra tự hào khi có một dự án đầu tư quy mô lớn mọc lên ngay trên quê hương, một nơi hoang vắng và đìu hiu, càng tỏ ra hãnh diện khi được làm việc tại một nhà máy lớn. Anh bảo rằng, trước khi dự án về, người dân vùng biển kháo nhau, tranh luận về việc tại sao mặt trời làm ra điện?! Câu hỏi với họ khó trả lời. Và quả thực đó là một điều rất đỗi xa lạ với người dân chỉ quen với gió cát. Hơi thở công nghiệp giúp họ mở mang mà chẳng cần vượt làng lên phố.

Một thời cát chẳng ai ngó ngàng, những doi cát trắng tuyền hay vàng nhạt gần như bất động, có chăng, hơi nóng bỏng rát từ cát làm “tòe” những đầu ngón chân của bao phận người. “Cát chừ quý lắm, nghe nói loại cát trắng dân mình hay để lư hương thắp bàn thờ sản xuất được thủy tinh”, anh bạn cùng quê thông tin.

Tôi biết cát là nguồn tài nguyên hữu dụng, nguyên liệu dùng để sản xuất thủy tinh. Những lớp cát mịn chỉ cần qua lò nung ở nhiệt độ chừng 1,500 độ C sẽ tạo ra những chai thủy tinh sáng bóng. Và lần đầu tiên ở khu vực miền Trung, nhà máy sản xuất thủy tinh từ nguyên liệu chủ đạo là cát của Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Glass Vico, trực thuộc Công ty CP Xuất nhập khẩu - Dịch vụ và Đầu tư Việt Nam mọc lên, đứng chân trên vùng cát huyện Phong Điền. Nơi ước tính có khoảng 103 triệu mét vuông cát thạch anh, tầng cát có độ sâu từ 2-4 mét. Cát đã không lặng im, nó cho người dân hiểu về giá trị vốn có và việc làm ngay tại quê nhà.

Cát vẫn dưới chân người, nhưng nó không còn như cách nghĩ xưa cũ của dân vùng biển. Họ quý cát và cát gần phố thị hơn. Người cũng chẳng cần băng qua những trảng cát bỏng rát, làm nứt nẻ gót bàn chân, vượt làng lên phố. “Thuyền về Đại Lược/ Duyên ngược Kim Long/ Đến nơi đây là chỗ rẽ của dòng/Bạn về quê bạn biết gửi lòng về mô”. Câu ca dao bây giờ là xưa cũ. Những chuyến xe buýt hàng ngày đều đặn đón trả khách, hàng hóa trên con đường ven biển từ quê lên phố, trải dài trên vùng cát xã Ngũ Điền giúp chốn thị thành dù xa mà lại gần.

Chạm vào cát không chỉ là ký ức. Dáng hình của cát đang thay đổi, chuyển mình từng ngày bởi làn gió công nghiệp, nông nghiệp đặc thù. Nuôi tôm trên cát, trồng rau trên cát, đặc biệt là những công ty, dự án lớn mọc ngay trên cát đang tạo ra những dấu ấn riêng cho các địa phương ven biển, nơi một thời lam lũ và đìu hiu.

Người dân vùng cát đang có một cuộc sống khác. Ở đó, những rặng dương liễu hàng ngày vẫn vươn mình trước biển, màu xanh keo tràm bạt ngàn phía đằng xa. Chỉ có cát đang thức giấc, làm đổi thay cả một vùng, giúp nhiều người chạm vào giấc mơ làm giàu...

QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Làm đường mới, nới đường cũ”

Lâu nay, một dấu ấn ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền đã cho nhiều người thán phục cách giữ gìn ngôi làng cổ Phước Tích hơn 500 năm tuổi nằm bên dòng Ô Lâu, thì giờ đây lại tạo thêm kỳ tích mới về cách làm đường giao thông ở địa phương. Đó là chiến dịch “làm đường mới, nới đường cũ” đã trở thành một phong trào sôi nổi đáng ngẫm, đáng nghĩ mà học tập.

“Làm đường mới, nới đường cũ”
Return to top