ClockChủ Nhật, 04/01/2015 15:46

Cát xanh

TTH - Thoạt nhìn ai cũng nghĩ, liệu trên những đồi cát bạt ngàn kia có làm trở lực trong phát triển ở Phong Điền? Chúng tôi đi dọc theo những triền cát nơi đây. Câu nói của một lão nông suốt đời gắn bó với vùng cát: “Cát đã cho ta nhiều thứ ngoài sức tưởng tượng của con người”.

Trong ký ức của những người dân bản địa, vùng cát mênh mông, rộng lớn ngoài đàn trâu và vài đứa trẻ thường ngày vẫn qua lại, loáng thoáng chỉ một vài ngôi nhà tạm, tuyệt nhiên không một cành cây, ngọn cỏ sinh sống nổi. Những người lớn tuổi cho biết, ngày trước, chính quyền địa phương có trồng thử cây bạch đàn, dương liễu nhưng cây chưa cao đã chết; đào hồ nuôi cá chưa xong, cát đã lấp đầy…

Với dự án trồng rừng trên cát, người dân huyện Phong Điền, giữ được những khu rừng phòng hộ xanh mướt

Nhớ chuyện cũ để thấy được chuyện bây giờ với bao niềm vui. Vùng cát trắng giờ đã tràn đầy sức sống. Những chiếc cầu, những tuyến đường bê tông vững chãi, vượt phá, vượt những trảng cát mênh mông. Mái nhà tranh đơn sơ, mộc mạc ngày nào giờ nhường chỗ cho nhà xây ngói lợp. Nơi đây bây giờ không còn là vùng cát trắng, cát bay, cát lấp, cát chảy nữa. Chúng tôi thấy được sự trăn trở, hoài bão lớn từ chính quyền địa phương, sự nỗ lực cố gắng của người dân vùng cát. Bằng cách làm mới mẻ, bằng kinh nghiệm, với quyết tâm cao nhất, người dân vùng cát đã được “đánh thức” bởi tư duy, việc làm tạo ra những sản phẩm trồng trọt có giá trị thương phẩm cao. Màu xanh của sự sống, của niềm tin đã trải khắp trên cát.

Trồng rừng trên cát đã không chỉ chống được nạn cát bay, cát lấp mà còn như “duyên nợ” giữa cát với người. Cây giữ cát, cát che chở, bảo vệ cuộc sống cho người. Đó là lý do vì sao, trên một vùng cát mênh mông ấy, nhiều loại cây, con, mô hình mới được mọc lên bằng chính bàn tay con người. Trong những cánh rừng dẻ, lộc vừng, tràm, keo… xanh tốt xuất hiện không ít trang trại. Kinh tế trang trại giúp nông dân vùng cát đỡ chật vật hơn. Nhiều hộ đủ ăn, từ khó khăn vươn lên khá giả.

“Lấy ngắn, nuôi dài” là phương châm mà nhiều người dân vùng cát làm kinh tế trang trại đã và đang làm. “Được chính quyền tiếp sức, tui huy động cả gia đình lên độn cát, đắp đê chống cát bay, rồi đào mương dẫn nước để cải tạo đất cát thành đất sản xuất” - Ông Đoàn Văn Dưng, xã Phong Hòa nhớ lại. Giờ vợ chồng ông Đoàn Văn Dưng đã xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại, với đàn lợn 60 con. Mỗi năm, gia đình ông xuất chuồng khoảng từ 14 đến 15 tấn lợn thịt, thu về gần 800 triệu đồng. Riêng khu rừng tràm, keo với 8 ha, mỗi đợt thu hoạch thu lãi được 100 triệu đồng; ao cá rộng 0,3 ha với nhiều loại giá trị cao như cá trê, cá rô phi. Tổng thu nhập mỗi năm từ kinh tế trang trại lên tới gần 900 triệu đồng. Ông Nguyễn Hữu Nhân, xã Phong Chương bảo: “Quê tui cát trắng giờ đã chuyển màu xanh. Cây giữ cát giữ làng, cát nuôi cây, nuôi người. Phát huy lợi thế của những rú cát mênh mông để phát triển kinh tế trang trại, mô hình kinh tế trang trại VACR (vườn - ao - chuồng - rừng) ra đời ở vùng Trằm Thiềm trên ý tưởng đó”. Ngoài chăn nuôi, 30 ha cây keo lưỡi liềm giờ đã phủ xanh trên khắp vùng cát Trằm Thiềm.

Vùng cát Phong Điền có diện tích khoảng 17.500 ha trải dài trên địa bàn các xã: Phong Bình, Phong Hòa, Phong Chương, Phong Thu, thị trấn Phong Điền và 5 xã vùng Ngũ Điền. Trong đó, vùng cát có chứa thạch anh với diện tích khoảng 42km2, trữ lượng ước tính gần 160 triệu m3. Cát có chứa thạch anh dùng làm nguyên liệu cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp như thủy tinh, gốm sứ, men frit…

Vùng cát Phong Điền còn là vùng nuôi tôm sôi động. Ngư dân bao đời chỉ biết bủa lưới giăng câu, giờ biết thêm nghề nuôi tôm trên cát với khát vọng làm giàu trên quê hương mình. Đến thăm một số trang trại nuôi tôm ở Điền Lộc, Điền Hải, Phong Hải… nhìn quy mô đầu tư, cung cách làm ăn, chúng tôi nhận ra một điều: Ngoài sự “đồng hành” của chính quyền địa phương còn phải kể đến sự “táo bạo”, “gan” làm giàu của những người dân nơi đây. Hướng đến làm ăn lâu dài và bền vững, người dân đã không ngần ngại đầu tư hàng chục tỷ đồng cho ao hồ, nguồn nước, con giống, thức ăn và hợp đồng với kỹ sư thuỷ sản để theo dõi quá trình sinh trưởng của con tôm.

Sự nhanh nhạy của doanh nghiệp cùng với những chủ trương, chính sách ưu đãi thông thoáng của tỉnh, huyện đã đánh thức vùng cát trắng huyện Phong Điền thành giá trị. Ngoài một số hồ tôm của từng nhóm hộ dân, còn có sự góp mặt của các ông chủ trang trại dám nghĩ, dám làm. Cùng các công ty nuôi tôm Đông Phương, Trường Sơn, Song Phú... Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam đã về với người dân ba xã vùng cát ven biển Điền Hương, Điền Môn và Điền Lộc để cùng người dân đầu tư nuôi tôm chất lượng cao.

Một số nhà máy chế biến khoáng sản cũng đã và đang tích cực đầu tư xây dựng tại vùng cát ngay trong KCN Phong Điền, như: Công ty Bản Toàn A, sản xuất sợi thủy tinh; Công ty TNHH khoáng sản Khánh Hòa - Huế, sản xuất thủy tinh lỏng; Công ty NaNo silica, sản xuất sợi thủy tinh… đã và đang mở ra nhiều triển vọng. Theo quy hoạch, đến năm 2020, KCN Phong Điền sẽ mở rộng quy mô lên 700 ha. Đây là khu công nghiệp tổng hợp, chủ yếu bố trí các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch, ưu tiên cho ngành sản xuất và chế biến cát... UBND huyện Phong Điền cũng đã có những chính sách thông thoáng để thu hút mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, xây dựng hạ tầng trong KCN, gắn đào tạo nghề với phát triển nguồn nhân lực chất lượng, để cung cấp lao động cho các cơ sở công nghiệp; tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân vùng cát.

Một cảm giác thật lạ, thật vui với người dân vùng cát Phong Điền. Phía xa kia, màu xanh của sự sống, màu mới của những ngày đầu năm mới. Vùng cát đã và đang tiếp tục chuyển mình với nhiều hứa hẹn vui. Đó là sự thật.

Bài, ảnh: Anh Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

TIN MỚI

Return to top