ClockThứ Bảy, 17/10/2020 13:21

Cậu bé chạy lũ

TTH - “Đập Đá lút chưa?”. Khi những cơn mưa bắt đầu hối hả, câu hỏi ấy râm ran trên mạng. Với người Huế, vào mùa lũ, hễ Đập Đá lút nghĩa là cả thành phố, những nơi thấp đã ngập. Nghĩa là lụt đã chạm sân nhà.

Nhiều năm sống ở Thành nội, ở chỗ thấp nhất nhì vùng đất mé Đại Nội, khi những cơn mưa trắng trời trút xuống, tôi lại thấy nôn nao. Cảm giác chờ lũ, canh lũ cứ nhấp nhổm. Nhìn trời, rồi dòm ra con đường qua ngõ. Ban đầu nước lấp xấp rồi cứ thế cao dần, cao dần. Bắt đầu hành trình “chạy lũ”.

Ban đầu là kê đồ đạc lên cái bàn, đặt lên chiếc giường. Rồi khi ngấp nghé cái giường, thì dọn lên gác lửng. Nhưng trong cơn đại hồng thủy năm 1999, cái gác lửng cũng ngập. Chúng tôi bám vào thành cửa, leo lên nhà hàng xóm. Mãi đến bây giờ, tôi vẫn chưa quên cảm giác sợ hãi khi chạy lũ, dù chỉ là leo qua mái nhà, bò qua tấm gỗ mỏng vắt vẻo sang nhà hàng xóm khi bên dưới là cả một biển nước.

Dù đã 21 năm sau trận lụt lịch sử ấy nhưng mỗi lần nhắc chuyện, hai vợ chồng người em bà con của tôi vẫn không quên cái đêm kinh hoàng, khi nước ngập mái nhà, chỉ còn cái chóp. Họ đã tính chuyện, bỏ hai cô con gái nhỏ vào cái thau nhựa giặt đồ, thả trôi, nhờ trời. Nhưng may sao, cái chóp nhà nhỏ nhoi chót vót cuối cùng đã không ngập…

Mấy hôm nay, hình ảnh người dân vùng lụt vắt vẻo trên chóp nhà lại hiện hữu. Có cậu bé cùng cả nhà chạy lũ, đầu đội cái thau, đựng con chó nhỏ. Nước cao tận cổ, em cố nhón lên, để khỏi ngập mình và không ướt chú chó-có lẽ là người bạn thân thiết của em.

Cậu bé là một trong số gần 8.000 hộ dân với mấy chục ngàn nhân khẩu ở Huế phải di dời để chạy lũ. Gần 60.000 ngôi nhà cũng đã ngập trong nước.

Lúc chạy lũ, người dân không thể mang theo được gì. Họ để lại mùa màng đã khô khén, để lại những vườn rau vụ tết chìm trong lũ… Và cả những cuốn sách vừa vào năm học mới của cậu bé chạy lũ ấy, mới được mẹ sắm từ tiền bán lứa gà, con lợn… hẳn cũng đã ướt nhoẹt mất rồi.

Ngay trong lũ, một cô giáo cắm bản ở A Lưới nhắn: Chị ơi, làm sao kêu gọi giúp, nhiều gia đình học sinh khó lắm. Bà con lụt bão liên miên không đi rẫy được. Chưa kịp trả lời, hôm sau, chị cùng các giáo viên ở trường đã góp nhau, trao quà ngay cho người dân đang gặp khó.

Có lẽ bây giờ, cậu bé trong bức ảnh ấy đã về nhà, hong khô những cuốn sách. Không biết những phần quà cứu trợ đã đến được với em chưa?

Khi lũ rút, những người sống ở Huế, những người yêu Huế đang cùng nhau gom góp từng chút sẻ chia gửi đến đồng bào vùng lũ. Vài ký gạo, thùng mỳ tôm, chai dầu ăn, những suất học bổng… Tấm lòng tử tế từ cộng đồng đang hong khô những vùng lũ. Hong khô ước mơ của những đứa trẻ mà lũ đã thành một phần không thể khác trong hành trình lớn lên, trưởng thành. Như bao thế hệ người dân vùng lũ đã lớn lên, trưởng thành qua bao lần chạy lũ…

KIM OANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuối trong đời sống của người Huế

Chuối là loại cây nhiệt đới có mặt ở hơn một trăm quốc gia trên thế giới. Là một trong những nơi phát xuất đầu tiên của cây chuối, các dân tộc sinh sống ở Đông Nam Á đã sớm biết sử dụng cây chuối một cách đầy sáng tạo trong muôn mặt của đời sống. Không những thế, đặc tính của cây chuối cũng trở thành “phương tiện” để chuyển tải nhiều triết lý sâu sắc về thế giới quan và nhân sinh quan.

Chuối trong đời sống của người Huế
Huế thương hoài

Có những người, tưởng như đã rất quen, đã thuộc nhau tới từng ánh mắt, nụ cười, bỗng chốc lại thấy có nét gì đó là lạ. Chính cái trạng thái lạ mà quen ấy khiến mối quan hệ càng thêm hấp dẫn, bền lâu. Với một vùng đất cũng vậy, như là Huế chẳng hạn.

Huế thương hoài
​Trao hai kỷ lục cho “Bản đồ Việt Nam bằng tăm giang”

Buổi lễ diễn ra tối 2/12, tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của các quan khách và người dân tham gia làm tác phẩm. Bản đồ Việt Nam bằng nghệ thuật BOARC được xác lập kỷ lục với nhiều người tham gia thực hiện nhất qua ba miền Bắc, Trung, Nam.

​Trao hai kỷ lục cho “Bản đồ Việt Nam bằng tăm giang”
G7 ra tuyên bố chung kêu gọi tạm dừng bắn nhân đạo ở Dải Gaza

Theo tin từ Reuters, các Ngoại trưởng G7 hôm qua (8/11) đã kêu gọi tạm ngừng giao tranh vì mục đích nhân đạo trong cuộc chiến Israel - Hamas để cho phép tiếp cận viện trợ và giúp giải phóng con tin, đồng thời tìm cách quay trở lại tiến trình hòa bình trên diện rộng.

G7 ra tuyên bố chung kêu gọi tạm dừng bắn nhân đạo ở Dải Gaza
Return to top