ClockThứ Năm, 21/05/2020 15:34

Câu chuyện của Văn Vọng

TTH - Khi gõ những dòng chữ này, chúng tôi hiểu mình không thể truyền tải hết những gì muốn nói về chàng trai Ngô Văn Vọng. Đơn giản vì câu chuyện của anh đã vượt ra khỏi khuôn khổ của những con chữ.

Ngô Văn Vọng được khách hàng tin cậy

Nghị lực

Sinh ra trong gia đình đông con, nhưng không được như những anh chị em, từ nhỏ Ngô Văn Vọng (xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy) đã bị tật nguyền. Chân tay khẳng khiu, yếu ốm. Bảy tuổi cậu bé Vọng mới biết đi, mười tuổi tập tễnh vào lớp một. Nhưng chừng ấy chưa diễn tả hết những thiệt thòi mà chàng trai 8X phải chịu. Vì giọng nói, phương cách giao tiếp căn bản giữa con người với con người đối với Ngô Văn Vọng cũng khó khăn do không thể diễn tả trọn vẹn.

Thi thoảng khi trò chuyện, anh lại hỏi “Em có hiểu không?”. Anh lo chúng tôi lạ, chẳng bắt kịp những câu không tròn vành rõ chữ, tiếng được tiếng mất. Anh chia sẻ: “Mình học ngày học đêm vẫn không thể sánh bằng bè bạn. Đơn giản là do mình viết quá chậm. Những con chữ cứ múa may quay cuồng, đôi tay lại không thành thục”.

Đã không lành lặn như bao người khác, thế mà tang thương lại ập đến. Người em trai thân quý, người gần gũi và là “tài xế” thường chở Vọng đi những chặng đường dài mất vì tai nạn. Ba mẹ lớn tuổi vất vả mưu sinh, các anh chị em lần lượt lập gia đình. Ngô Văn Vọng quyết tâm tìm hướng đi riêng, mong sao ngày mai tươi sáng hơn.

Năm 2011, với những nỗ lực bền bỉ, chàng trai 8X đã hoàn thành khóa học trung cấp ngành dược. Con đường tìm kiếm việc làm gian nan, anh mở quầy văn phòng phẩm để phục vụ cho học sinh. Rồi từ văn phòng phẩm, anh tìm hiểu đến nghề in ấn, thiết kế. Từ đây, chàng trai khuyết tật giàu nghị lực đã bước sang một ngã rẽ mới, chông gai, vất vả nhưng cũng thắm đượm tình người.

Ngời sáng

Anh kể: “Lúc đi học việc, chủ quầy tốt bụng đã chỉ vẽ cho mình rất nhiều, lại lo cho cơm nước. Nhưng công việc bận rộn, mình lại không thể nói như người bình thường. Vì thế mình gắng siêng năng, quan sát thật kỹ để học hỏi”.

Một cái khó mà chàng trai 8X rất day dứt, đó là vấn đề đi lại. Cơ thể yếu ớt, vì thế muốn đi đâu xa anh đều cần người chở. Đó là thời kỳ thử thách đầy cam go với chàng trai khuyết tật. Vọng kể: “Nhiều lúc về khuya, xe buýt chỉ dừng ngang khu công nghiệp nên mình đi bộ về nhà”. Đi lại khó, vậy mà có hôm hơn 9h đêm, anh còn lùi lũi “cuốc bộ” trên đường vì ngại làm phiền đến gia đình. Những hôm mưa gió, bước chân Vọng như nặng nề hơn. Chàng trai 8X tự nhủ mình gắng thêm chút nữa, một chút xíu nữa, nước mắt hòa lẫn trong màn mưa không dứt.

Trời chẳng phụ công, một thời gian sau khi ra nghề, Ngô Văn Vọng bắt đầu có lượng khách hàng ổn định. “Người thường gõ năm ba phút thì mình mất gấp đôi, gấp ba thời gian. Vì vậy vào mùa bận rộn, thức xuyên đêm là điều bình thường. Vất vả một chút nhưng mình vui vì có thêm thu nhập, và vui vì mình được lao động như bao người khác”, anh hiền lành chia sẻ.

Hòa đồng, vui vẻ, lại uy tín, tiệm của anh ngày càng đông khách. Anh nhận in thiệp cưới, giấy khen, pa nô các loại. Không những thế, chàng trai đầy nghị lực còn tích cực tham gia phong trào Đoàn. Anh Phan Tuấn Vũ, Bí thư Đoàn xã Thủy Phù cho biết: “Anh Ngô Văn Vọng đã mạnh dạn vay vốn để mua thêm máy vi tính, máy in màu. Anh cũng là đoàn viên năng nổ, tích cực của địa phương, sẵn sàng tham gia công tác Đoàn dù cơ thể không lành lặn”.

Trong tương lai, chàng trai 8X sẽ mở rộng nghề thêm in áo lớp, áo nhóm. Điều mong muốn của anh lúc này là có phương tiện đi lại để chủ động hơn trong công việc. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, có người buông xuôi số phận. Nhưng cũng có người không chịu đầu hàng, họ vươn lên thành những con người có ích cho xã hội. Ngô Văn Vọng, chàng trai khuyết tật đầy nghị lực là người như thế!

Bài, ảnh: Huế Mai

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xúc động câu chuyện của người con xứ Huế được gặp Bác Hồ

Những ngày bước sang thu, trời Huế bớt oi nóng và dịu nhiệt hơn. Chúng tôi những người làm việc ở bảo tàng mang tên Bác tại Huế, trong chuyến thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế” tại huyện Phú Lộc, may mắn gặp được bác Lê Đình Thông - người đã từng gặp Bác Hồ. Bác Lê Đình Thông, hiện đang sống ở thị trấn Phú Lộc. Năm nay, bác đã gần chín mươi rồi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, lanh lợi và rất minh mẫn.

Xúc động câu chuyện của người con xứ Huế được gặp Bác Hồ
Như câu chuyện cổ tích giữa đời thường

Là cơ duyên khi có một xóm người Mường nơi chân núi Bạch Mã. Và cũng như sự sắp đặt, ở đó những người Mường nghèo khó kia nhận được nhiều sự giúp đỡ để hòa nhập, trong đó có cô nhân viên thư viện Nguyễn Thị Hồng Phúc.

Như câu chuyện cổ tích giữa đời thường
Hóa thạch & câu chuyện về sự sống

Lần đầu tiên, một triển lãm về nguồn gốc sự sống được giới thiệu đến công chúng ở Huế với hàng ngàn mẫu vật hóa thạch có niên đại cách đây mấy trăm triệu năm đến vài tỷ năm, mang đến cho người xem sự ngạc nhiên đầy thích thú.

Hóa thạch  câu chuyện về sự sống
Khi các con được lắng nghe

Trong hơn 25 năm đi dạy và suốt một thời gian dài làm công tác tư vấn học sinh, tôi đã lắng nghe rất nhiều câu chuyện từ các em học sinh.

Khi các con được lắng nghe
Return to top