ClockChủ Nhật, 18/02/2018 08:09

Câu chuyện tình yêu

TTH - Giọng của Mộng nhè nhẹ qua điện thoại: “Em đi làm về muộn lắm”.

Sẽ có lễ cưới tập thể cho công nhân, viên chức, lao động lần thứ II22 cặp đôi hạnh phúc trong đám cưới tập thểNgập tràn niềm hạnh phúc

Đúng là muộn thật. Chừng 9 giờ tối, dòng xe cộ ngược xuôi trên quốc lộ đã dần thưa. Có những ngôi nhà đã tắt bớt vài ngọn đèn điện. Thế nhưng trong ngôi nhà mới xây, bức tường gạch còn chưa được tô quét, dưới chiếc bóng điện tròn, 3 đứa trẻ vẫn chụm đầu nơi bàn học. Người đàn ông tuổi ngoài 40, gương mặt sạm mưa nắng, đang ngồi bên ô cửa sổ đợi vợ về. Anh Hùng, chồng của Mộng là thợ xây. Còn Mộng làm việc tại Công ty HBI (công ty may ở khu công nghiệp Phú Bài, TX. Hương Thủy). Anh Hùng cho hay: “Vợ tui tan ca muộn là chuyện thường”. Rồi hóm hỉnh: “Mà vợ chồng tui cưới chưa bao lâu, nên tình cảm còn “mới”. Muộn mấy tui cũng đợi”!

Ảnh: Quân Nhật

Mộng cười: “Vợ chồng em “ngộ” lắm. Nghèo quá nên đăng ký kết hôn rồi cứ rứa về ở với nhau chớ có đám cưới chi mô. 16 năm, lần lượt sinh 3 cậu con trai. Thức khuya dậy sớm, lo toan góp nhặt. Vất vả. Tính chồng em ít nói, ngại nói, nên chẳng bao giờ nói lời yêu. Chỉ có điều, việc lớn, việc nhỏ trong nhà anh đều gánh vác, chia sẻ. Thợ xây là công việc nặng nhọc, nhưng chẳng bao giờ chồng em than thở một lời. Những đêm tan ca muộn, về đến nhà có chồng thức đợi, em thấy trong lòng ấm áp, yên tâm, hạnh phúc”.

Mộng kể, đến năm ngoái, chồng cô một mình tự tay xây ngôi nhà này. Nhà vẫn còn chưa hoàn thiện, nhưng vợ chồng Mộng luôn tự hào là người giàu có bởi có “kho báu” chính là các con rất lễ phép, chăm học. Cũng năm ngoái, cô được mặc áo cô dâu, sánh bước bên chú rể bước lên lễ đường sau 16 năm làm vợ trong lễ cưới tập thể do Liên đoàn Lao động tỉnh “tặng” công nhân, viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Thực ra thì Mộng ngại chồng “cứng” tuổi mà không đồng ý tham gia lễ cưới tập thể. Thế nhưng, anh Hùng gật đầu ủng hộ vợ ngay. “Đàn ông thì có thể sao cũng được. Nhưng mặc áo cưới, bước lên xe hoa là mong ước của bất kỳ người phụ nữ nào khi đi lấy chồng. 16 năm trước, tui chưa mang đến cho vợ điều này, vợ tui thật thiệt thòi. Trong lễ cưới tui đã khóc vì xúc động” - anh Hùng nói và nhìn vợ âu yếm.

Cũng cảm giác bình yên đó tôi đã gặp khi chứng kiến trong căn phòng trọ tuềnh toàng, Cuộc (công nhân Công ty cổ phần Cơ khí ô tô Thống Nhất) chu đáo pha nước cam cho người vợ mang thai. Châu, vợ Cuộc, bị chứng ốm nghén hành đến gầy gò tái nhợt, nhưng ánh mắt mãn nguyện. Anh chồng thương vợ, lo lắng cho sức khỏe của Châu và đứa con đang tượng hình nên “bắt” vợ tạm thời nghỉ việc. Cuộc thật thà bảo, sau lễ cưới tập thể, anh chỉ có thể “rước” vợ về căn phòng trọ mà anh đã thuê ở khi còn độc thân, vì nhà mẹ anh ở tận xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc). Vẫn một chiếc giường, chiếc ti vi cũ, nhưng từ ngày có vợ, phòng trọ rộn ràng, ấm áp khác hẳn. “Em ốm nghén, mùi cơm sôi, mùi đồ ăn, mùi xà phòng…, đều không chịu được. Ngày mô trước khi đi làm, anh cũng dặn đi dặn lại em ở nhà không được làm việc chi, để anh về anh làm hết”- Châu tâm sự.

Châu cười hiền bảo, cứ tưởng không có điều kiện tổ chức lễ cưới, “theo không” về với chồng. Không ngờ đã được làm cô dâu, lại được chồng chăm, chồng lo cho thế này, cô là người vợ hạnh phúc. Hạnh phúc này, vợ chồng cô nhất định phải gìn giữ. Đợi mẹ tròn con vuông rồi, cả nhà cô sẽ đưa nhau về Lộc Vĩnh ở cùng bà nội của bé. Nhà có ruộng, Châu sẽ học làm ruộng, làm vườn. Cuộc sẽ chịu khó đi làm bằng xe bus. Đồng vợ đồng chồng, chăm chỉ, cố gắng, rồi dần dần sẽ có tất cả.

Ở tuổi ngoài 40, nhưng chị Hồng, công nhân Công ty Hữu hạn xi măng Luks như đang sống lại thời đôi mươi sau lễ cưới. Mấy chục năm qua, chị làm mẹ đơn thân. Cha của con chị đã “quất ngựa truy phong” khi hay tin bạn gái mang thai. Cứ nghĩ cuộc đời mãi chênh vênh lẻ bóng. Nhưng năm 42 tuổi, một người đàn ông góa vợ đã thương yêu chị. Hai người về chung nhà. Chị Hồng xúc động: “Hôm nắm tay chồng sánh đôi cùng 21 đôi uyên ương khác trong lễ cưới, tui bật khóc. Tình yêu này, lễ cưới đó là điều kỳ diệu đối với cuộc đời tui. Đôi nhẫn cưới được trao là tượng trưng cho sự ràng buộc thiêng liêng. Nên bây giờ tui chỉ mong ước vợ chồng sống sao cho hòa thuận là mãn nguyện lắm rồi”.

Mỗi cặp đôi là bức tranh riêng về tình yêu, tình nghĩa vợ chồng. Thế nhưng, họa nên những bức tranh ấy chỉ có thể bằng “chất liệu” yêu thương, thấu hiểu… Vì yêu thương, hiểu và mong muốn hoàn thành ước muốn của người phụ nữ đời mình, chồng của Mộng, Châu, chị Hồng… mới sẵn sàng ủng hộ để vợ được được mặc áo cô dâu, dù tuổi có xế chiều, đứng bóng, dù đã là mẹ của mấy mặt con. Chẳng phải là tình yêu ngọt ngào đó ư!

Bây giờ, chị Lê Thị Thu Nam, Trưởng ban Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh cùng các đồng nghiệp lại bắt đầu “lặng lẽ” đến các công ty, đơn vị “kiếm tìm” những cặp đôi đang mong mỏi một lễ cưới, giúp họ hoàn thành “lời cam kết” yêu thương bằng lễ cưới tập thể lần thứ hai vào ngày 1/5/2018. Để rồi từ đó, cũng như Mộng- Hùng, Cuộc-Châu…, họ tiếp tục xây dựng tổ ấm, với ước nguyện nắm tay nhau đi hết cuộc đời.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Mâm cơm nóng

1. “Ba tin mẹ sẽ làm tốt!” – Vũ, chồng My hay dùng câu nói ấy để khích lệ tinh thần My mỗi khi đứng trước quyết định lớn. Lần đó, My gần như đặt cược cả công ty cho một hợp đồng có tính mạo hiểm. Nghĩa là nếu thắng, công ty My sẽ bước thêm một bậc thang mới, mở ra rất nhiều cơ hội cho những dự án kế tiếp. Ngược lại, nếu thua, khả năng xấu nhất là công ty My phá sản.

Mâm cơm nóng
Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Return to top