ClockChủ Nhật, 10/06/2018 06:15

Câu chuyện về những mắt xích

TTH - Hôm đó, vùng trung tâm Lục Ngạn – thủ phủ của quả vải các loại – cũng chưa nhiều xe đến đóng hàng.

Ra mắt thương hiệu sản phẩm bưởi đỏ Hương HồThương hiệu cho quýt Hương CầnXây dựng phát triển thương hiệu đặc sản làng nghề

“Chỉ tiếc là cho đến bây giờ, vải Lục Ngạn (Bắc Giang) vẫn chưa được dán tem truy xuất nguồn gốc như vải Thanh Hà (Hải Dương)” – chia sẻ của đồng nghiệp đã kéo tôi ra khỏi sự choáng ngợp và hào hứng khi đứng giữa một vườn vải lớn, hơn 100 gốc bắt đầu vào vụ chín và trĩu trịt những quả. Đó cũng là thời gian trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện những thông tin thất thiệt về vải ế, nhà vườn phải đổ xuống sông, cùng những thông tin loạn xạ về loại (vải), về giá...

Hôm đó, vùng trung tâm Lục Ngạn – thủ phủ của quả vải các loại – cũng chưa nhiều xe đến đóng hàng. Cũng là điều hẳn nhiên thôi vì mới có những vườn vải lác đác chín. Câu chuyện của chúng tôi không phải chỉ xoay quanh tin giả mà cả nỗi lo của người nhà nông khi chỉ còn khoảng vài tuần nữa, vải sẽ chín rộ. Đương nhiên vải Lục Ngạn cũng như bưởi năm Roi, nho Ninh Thuận, tỏi Lý Sơn, vải Thanh Hà, thanh long Bình Thuận hay thanh trà xứ Huế đã trở thành thương hiệu... Tuy nhiên, không phải ở địa phương nào hay bất cứ một nông đặc sản nào, việc nhận diện thương hiệu và phát triển đặc sản/vùng đặc sản cũng được phát triển một cách kịp thời dựa trên nền tảng phát triển tài sản trí tuệ. Quả vải và vùng vải Lục Ngạn mà hôm đó, tôi đang “mục sở thị” là một ví dụ. Thế nên, sự tiếc và cả nỗi lo nữa không hề là điều xa xôi.

Thực ra, việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền và hàng loạt những công việc tiếp theo như dán tem truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, quảng bá phát triển thương hiệu và trước đó là tìm thị trường cho sản phẩm, quy hoạch vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất... chính là những mắt xích trong việc xây dựng chuỗi giá trị cho một sản phẩm/vùng sản phẩm nào đó. Việc xây dựng được chuỗi giá trị này chắc chắn sẽ mang đến một cơ hội khác, tốt hơn rất nhiều cho các sản phẩm dựa trên một quy trình khép kín ngay từ những khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng. Ở đó, thông qua việc truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng sẽ kiểm chứng và yên tâm hơn với sản phẩm mà họ lựa chọn với việc xác định về loại; vườn, vùng và ngay cả cơ sở đóng gói... Những điều này được xem như là yếu tố quan trọng và đang được đặt lên hàng đầu là vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đối với người sản xuất/vùng sản xuất, việc xây dựng chuỗi giá trị đương nhiên sẽ là một quy trình khép kín mà thông qua quy trình ấy, giá trị của sản phẩm sẽ được tăng thêm khi nhiều khâu trung gian bị loại bỏ; đồng thời những tác động tích cực cộng thêm của các mắt xích như chúng tôi đã đề cập ở phần trên sẽ là những thành tố để tăng giá trị của sản phẩm/vùng sản phẩm. Lúc đó, nhà nông sẽ không phải loay hoay với nỗi lo được mùa mất giá hay những thúc ép khác mang tính thị trường. Những cuộc giải cứu tình thế sẽ không xảy ra.

Nhưng thực ra, nỗi lo của đồng nghiệp tôi ở Bắc Giang vẫn là điều có thật, khi mà những mắt xích ấy ở vùng vải gần như là lớn nhất nước cũng mới chỉ bắt đầu được đặt vấn đề. Tôi cũng đã có chút liên hệ khi nghĩ đến vùng thanh trà ở Huế, dù nó thực sự chưa nhiều và rộng nhưng khác với vải Lục Ngạn, thanh trà xứ Huế đã có nhãn hiệu tập thể cũng như chứng nhận và chỉ dẫn địa lý cùng với một số đặc sản khác như mè xửng, tôm chua, nón lá, đúc đồng..

Tuy nhiên, đây vẫn là những sản phẩm ít ỏi của Huế được đầu tư về nhãn mác, thương hiệu và cũng không phải những sản phẩm nào trong số này cũng được đặt ra trong một quy chuẩn, hoặc là một phần quy chuẩn của chuỗi giá trị. Manh mún, nhỏ lẻ, ít có sự cùng nhau liên kết cùng nhau trong sản xuất, chế biến để có những sản phẩm đủ mạnh về lượng, về chất; đáp ứng được nhu cầu thị trường rộng hơn vẫn là tồn tại của nông sản Huế trong mối tương quan nông sản các vùng, miền khác.

Con số 85% cơ sở điều tra không đăng ký nhãn mác, thương hiệu sản phẩm mà ông Hồ Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đưa ra trong bài viết mới đây của mình quả là điều cần suy nghĩ. Và với con số này, việc hướng tới một chuỗi giá trị cho bất cứ một sản phẩm nào trong số đó, quả là một đích đến còn xa khi những mắt xích còn chưa được chạm đến.

Bài: HOÀNG MAI - Ảnh: TÂM HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều kỳ vọng vào Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế

Dự án Aeon Mall Huế - Trung tâm thương mại thứ 7 của Tập đoàn Aeon Mall tại Việt Nam và là trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp có quy mô lớn nhất miền Trung dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động từ tháng 9/2024 sẽ mang đến những tác động tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế.

Nhiều kỳ vọng vào Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế
Kết nối việc làm với hơn 9.000 vị trí cần tuyển dụng

Sáng 19/2, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (DVVL) tổ chức Tháng giao dịch việc làm với chủ đề "Mùa xuân kết nối việc làm" nhằm đẩy mạnh công tác kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động, cơ sở đào tạo tuyển sinh học nghề đạt hiệu quả.

Kết nối việc làm với hơn 9 000 vị trí cần tuyển dụng
Ấn Độ có thể trở thành trung tâm toàn cầu lớn về năng lượng tái tạo

Ấn Độ có thể “thúc đẩy đáng kể” quá trình chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng sạch hơn, nếu yêu cầu gia nhập Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) của nước này được chấp thuận, Đại sứ Ấn Độ tại Pháp Jawed Ashraf nói với Tạp chí Nikkei Asia trong một cuộc phỏng vấn ngày 16/2.

Ấn Độ có thể trở thành trung tâm toàn cầu lớn về năng lượng tái tạo
Return to top