ClockThứ Ba, 29/10/2013 06:06

“Cầu cứu” Tòa án xác định cha cho con

TTH - Hai người đều là cán bộ cùng khoa, một trường đại học ở Huế, yêu nhau. Lỡ mang thai, chị bảo anh cưới, nhưng anh lần lữa mãi. Thời gian sau, anh cưới người phụ nữ khác làm vợ, tuyên bố đứa trẻ chị sinh ra không phải con mình. Chị "đứng" nguyên đơn khởi kiện, yêu cầu tòa án "xác định cha cho con"...

Tòa án nhân dân (TAND) TP Huế thụ lý đơn và ngày 3/10/2013, đưa vụ án ra xét xử công khai. Bị đơn (BĐ) xin vắng mặt, không đến phiên tòa, nên phòng xét xử chỉ mình nguyên đơn (NĐ), vài người thân, bạn bè của chị. Quá trình xét xử, nội dung vụ án như sau: Theo đơn khởi kiện và lời khai của NĐ tại phiên tòa, NĐ và BĐ tìm hiểu, yêu đương từ năm 2009. Sau đó, họ chính thức đưa nhau về ra mắt hai bên gia đình. Tình cảm của họ được bạn bè, đồng nghiệp trong khoa chứng kiến. Đến đầu năm 2011, NĐ phát hiện mình có thai 6 tuần tuổi.

Trước việc NĐ có thai và thúc giục tiến hành đăng ký kết hôn, làm đám cưới, BĐ “trốn tránh” với lý do bố mẹ không đồng ý. Tuy nhiên, BĐ lại hứa hẹn, NĐ cứ sinh con ra. Có cháu rồi, thế nào bố mẹ BĐ cũng phải đồng ý. Đến lúc đó hai người đăng ký kết hôn cũng chưa muộn. Tin lời người yêu, đồng thời không nỡ bỏ đi đứa con của mình, NĐ một mình sinh con. Sau thời gian NĐ sinh con 1 tháng, BĐ thường xuyên đến nơi ở của NĐ, chăm sóc hai mẹ con, đồng thời cấp dưỡng tiền mua sữa, đồ dùng cho đứa trẻ. BĐ xưng “ba - con” với đứa trẻ do NĐ sinh ra, nhiều lần chụp ảnh chung với cháu, tình cảm rất vui vẻ, quyến luyến. Vậy nhưng, khi đứa trẻ tròn 1 tuổi thì BĐ không “qua lại” nữa.
 
Trước khi gửi đơn đến Tòa án, nhiều lần NĐ báo cáo vấn đề này với lãnh đạo, tổ công đoàn khoa, nơi cả hai người công tác. Tại nhiều cuộc họp trong khoa, BĐ có lúc thừa nhận con, nhưng có lúc không thừa nhận. “Mặc dù trong nhiều cuộc họp ở khoa, anh ấy không thừa nhận con, nhưng khi về gặp riêng tôi, anh ấy lại bảo cứ yên tâm đợi đến lúc bố mẹ đồng ý. Vậy nên tôi mới chờ” - NĐ khai trước tòa.
 
Người đàn ông kia cưới vợ, bao nhiêu thiệt thòi, cô gái và đứa con đành chịu. Nhưng người mẹ lỡ làng không thể chấp nhận việc con mình phải “gánh” thiệt thòi lớn nhất, trở thành đứa trẻ không cha. Đây chính là nguyên nhân khiến cô quyết định khởi kiện ra Tòa án - sau nhiều cân nhắc suy nghĩ - yêu cầu Tòa xác định người đàn ông đó là cha của con cô.
 
“Xác định cha (mẹ) cho con hoặc xác định con cho cha (mẹ), là loại án chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số các vụ án hôn nhân và gia đình TAND hai cấp thụ lý giải quyết hàng năm. Năm 2013, ngành TAND tỉnh thụ lý 2 vụ, giải quyết 1 vụ. Tuy nhiên, trong thực tế, rất nhiều trường hợp các cô gái chưa kết hôn nhưng mang thai, sinh con sau đó bị “bên kia” bỏ rơi, không thừa nhận con, nhưng do xấu hổ hoặc không am hiểu các quy định của pháp luật, nên họ không “nhờ” Tòa án. Nhiều thẩm phán khuyến cáo, đối với những trường hợp này, người mẹ cần yêu cầu Tòa án giải quyết để pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho con mình.
Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa cho biết, quá trình giải quyết, Tòa án đã nhiều lần triệu tập BĐ đến làm việc, nhưng anh này luôn tìm cách tránh né, có đơn gửi Tòa án cho rằng, mối quan hệ của mình với NĐ chỉ là bạn bè đồng nghiệp, không có quan hệ yêu đương và đứa trẻ do NĐ sinh ra không phải là con anh ta. Tòa án 2 lần gửi Quyết định trưng cầu giám định, đồng thời 2 lần triệu tập BĐ đến Trung tâm Giám định Pháp y để lấy mẫu giám định ADN, nhưng bất thành vì BĐ có đơn từ chối việc lấy mẫu giám định. Tòa cũng đã gửi công văn đến nơi BĐ đang công tác để yêu cầu khoa hỗ trợ, tuy nhiên BĐ một lần nữa từ chối giám định ADN. Ngay cả trong lá đơn xin vắng mặt tại tòa, BĐ cũng khẳng định mình không đồng ý làm giám định ADN, nhưng lại không nêu rõ lý do. Cũng có nghĩa, BĐ đã từ bỏ quyền chứng minh của mình tại Tòa án.
 
Tại phiên tòa, NĐ yêu cầu tòa xác định BĐ là cha của đứa trẻ, đồng thời yêu cầu BĐ cấp dưỡng nuôi con. Sau khi xem xét đánh giá toàn diện khách quan vụ án, Hội đồng xét xử công nhận BĐ chính là cha đứa trẻ, đồng thời tuyên buộc BĐ cấp dưỡng cho con mỗi tháng 1,5 triệu đồng, đến khi đứa trẻ tròn 18 tuổi.
Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

TIN MỚI

Return to top