ClockThứ Sáu, 09/03/2018 12:45

Câu lạc bộ khuyến nông cơ sở: “Kênh mới” trong sản xuất nông nghiệp

TTH - Với việc hình thành, phát triển các câu lạc bộ khuyến nông (CLBKN), trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đề xuất cơ chế khuyến khích đổi mới công nghệ sản xuất phân bónNăng suất tôm càng xanh đạt gần 2 tấn/haNâng cao tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận

Những mô hình trên 100 triệu đồng

Cách đây hơn 3 năm, sau khi được thành lập, Ban Chủ nhiệm CLBKN Nam Phò (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) mời các chuyên gia đầu ngành tổ chức hướng dẫn, xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo phương thức luân canh ngô-lạc-mè cho hội viên.

Tập huấn kỹ thuật trồng ngô lai tại Quảng Thọ (Quảng Điền)

Mô hình không chỉ tận dụng tối đa quỹ đất, đa dạng cây trồng mà còn hạn chế tối đa sâu bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Đến nay, mô hình được nhân rộng lên khoảng 10 ha, bình quân mỗi ha cho thu nhập trên 100 triệu đồng, tăng khoảng 30 triệu đồng so với trước.

CLBKN Phò Nam A, xã Quảng Thọ chọn cây cà pháo để nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ nhu cầu bức thiết của hội viên, nông dân, Ban Chủ nhiệm CLBKN Phò Nam A phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Quảng Điền, mời cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất cây cà pháo.

Ông Lê Phú, Chủ nhiệm CLBKN Phò Nam A cho rằng, với phương thức canh tác mới, cây cà pháo không chỉ rút ngắn tối đa thời gian sinh trưởng, hạn chế sâu bệnh mà còn nâng cao năng suất. Đến nay, mô hình thâm canh cà pháo trên địa bàn xã đã nhân rộng khoảng 3ha, bình quân mỗi ha đạt 60 tấn, thu nhập trên 200 triệu đồng.

Có lợi thế về mặt nước sông, đầm phá Tam Giang và các trằm cát, CLBKN Tam Giang, xã Quảng Thái (Quảng Điền) chọn lĩnh vực chăn nuôi gia cầm. Nuôi ngan Pháp là đối tượng chính mà CLBKN Tam Giang hướng tới ngay từ ngày đầu thành lập. Theo ông Hoàng Thanh Tuyền, Chủ nhiệm CLBKN Tam Giang, ngan Pháp là đối tượng mới, được một số địa phương trên địa bàn tỉnh và nhiều tỉnh khác chăn nuôi thành công mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ban đầu CLB chỉ xây dựng mô hình trình diễn tại 5 hộ, mỗi hộ 30 con. Sau khi thành công, CLB nhân giống, chuyển giao cho các hộ khác, đến nay mô hình nuôi ngan Pháp được nhân rộng trên địa bàn xã Quảng Thái với hàng ngàn hộ nuôi. Ngan Pháp có ưu điểm chóng lớn, thời gian sinh trưởng chỉ 3 tháng, trọng lượng bình quân mỗi con trên 5 kg và hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với nuôi ngan và các loại gia cầm thông thường. Với những hộ nuôi quy mô từ 300 con mỗi lứa, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.

Cần tiếp sức

Ông Châu Ngọc Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh khẳng định, việc thành lập các CLBKN là chủ trương của ngành nông nghiệp tỉnh. Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các huyện, thị xã chỉ đạo hệ thống khuyến nông xúc tiến thành lập các CLBKN. Từ khi các CLB hình thành và phát triển, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các CLB thật sự trở thành một kênh quan trọng, làm cầu nối giữa nông dân và các cơ quan, chuyên gia đầu ngành trong việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả cây trồng, vật nuôi.

Phần lớn người dân tham gia sinh hoạt tại các CLBKN đều thay đổi nhận thức, có nhiều chuyển biến về trình độ, kỹ năng sản xuất; tập quán canh tác lạc hậu của bà con dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa từng bước đẩy lùi. Hầu hết các mô hình khuyến nông do các CLB xây dựng đều được người dân hưởng ứng và nhân rộng. Hàng loạt mô hình mới có hiệu quả được nhân rộng, như mô hình trồng hoa cúc, hoa ly ở xã Phú Mậu, trồng nấm linh chi ở xã Phú Lương (Phú Vang); trồng mây ở xã Hương Phú (Nam Đông); chăn nuôi lợn hướng nạc ở xã Hương Toàn (Hương Trà); trồng rau an toàn ở xã Quảng Thành (Quảng Điền)... Bình quân mỗi mô hình mang lại thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên.

Ông Nguyễn Tri Tâm, Chủ nhiệm CLBKN Niêm Phò cũng như chủ nhiệm các CLBKN ở nhiều địa phương đều cho rằng, do mô hình CLBKN còn khá mới nên ban chủ nhiệm, các hội viên còn gặp khó khăn, lúng túng trong hoạt động sản xuất; nhất là cơ chế, chính sách cho ban chủ nhiệm CLB chưa có nên chưa thật sự phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm...

Ông Châu Ngọc Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh thông tin: Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập khoảng 30 CLBKN, với khoảng 700 hội viên; trong đó huyện Quảng Điền có số lượng cao nhất 10 CLB, với khoảng 250 hội viên. Khoảng 1-2 tháng, các CLB tổ chức sinh hoạt 1 lần; mỗi hội viên tự nguyện góp quỹ hoạt động 100-150 ngàn đồng/năm và hội phí 10 ngàn đồng/tháng. Các CLBKN chủ động liên kết với các đơn vị khoa học kỹ thuật trong và ngoài tỉnh tổ chức hàng trăm lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật tiên tiến cho khoảng 500 lượt hội viên.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Quy trình sản xuất thang máng cáp giá rẻ tại Nhà Máy P69

Nhà Máy Cơ Khí P69 là đơn vị hoạt động lâu năm trong lĩnh vực cung cấp và sản xuất thang máng cáp tại Việt Nam. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành nghề, công ty luôn đem đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng với giá thành phù hợp.

Quy trình sản xuất thang máng cáp giá rẻ tại Nhà Máy P69
Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao

Trên cơ sở kinh tế nông nghiệp tuần hoàn (NNTH), nhiều nông dân các địa phương đã xây dựng mô hình, tổ hợp trang trại chăn nuôi khép kín an toàn sinh học (ATSH), mang lại thu nhập cao và góp phần bảo vệ môi trường.

Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao

TIN MỚI

Return to top