ClockThứ Ba, 05/10/2021 15:39

“Cầu nối” cho nông sản trong mùa dịch

TTH - Thông qua hình thức bán hàng livestream, Chương trình “Kết nối nông sản – San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch” do Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) thị xã Hương Trà triển khai đã góp phần hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Lực lượng đoàn viên, thanh niên thị xã Hương Trà hỗ trợ người dân làng nghề cốm An Thuận livestream bán hàng và quảng bá sản phẩm

Không còn cảnh thương lái tấp nập gom hàng lên các chuyến xe, năm nay vườn bưởi của ông Trương Thanh tại thôn Hòa Dương (xã Bình Thành) đã có cách bán hàng mới lạ hơn thông qua hình thức livestream.

Với sự hỗ trợ của các bạn đoàn viên, một buổi livestream bán hàng đã được thực hiện ngay tại vườn với sự tương tác qua lại giữa MC, chủ vườn và người mua.

Tuy là năm đầu tiên thực hiện hình thức bán hàng mới với nhiều bỡ ngỡ, nhưng ông Thanh không giấu được niềm phấn khởi khi toàn bộ sản lượng với hơn 500 trái bưởi đã được bán hết trong gần 1 tuần.

“Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc tiêu thụ được toàn bộ số bưởi trong vườn trước mùa mưa bão là một điều quá may mắn. Hy vọng năm sau gia đình sẽ tiếp tục được đoàn thanh niên hỗ trợ bán hàng”, ông Thanh chia sẻ.

Không riêng gia đình ông Thanh, vừa qua, sản phẩm làng nghề cốm An Thuận (xã Hương Toàn) cũng được chương trình hỗ trợ bán hàng livestream và đã tiêu thụ được hơn 700 gói cốm.

Anh Nguyễn Duy Tính, đại diện cơ sở sản xuất cốm cho biết, quan trọng nhất là sản phẩm cốm của làng nghề truyền thống có cơ hội được giới thiệu rộng rãi thông qua kênh bán hàng livestream. Sau lần đầu mua ủng hộ và dùng thử, không ít khách hàng đã quay lại và tiếp tục tin dùng sản phẩm.

“Sản phẩm cốm thường được ưa chuộng hơn vào mùa đông, cơ sở sẽ tập trung quảng bá và tăng sản lượng để đón đầu thị trường, nâng cao doanh số”, anh Tính cho hay.

Đại diện ban tổ chức chương trình thông tin, sau mỗi buổi livestream bán hàng, tổ chức đoàn tại các xã, phường sẽ tiếp tục đảm nhận khâu hỗ trợ kết nối, liên lạc và “chốt đơn” giữa người bán và người mua để tăng hiệu quả; từng bước xây dựng được kênh bán hàng bền vững, lâu dài.

Theo đó, các buổi livestream bán hàng chỉ là bước khởi động, hướng đến việc kết nối với các điểm bán hàng nông sản trên địa bàn tỉnh, thành phố, thị xã để hình thành mạng lưới điểm bán “Kết nối nông sản”. Mục tiêu đến cuối năm, mỗi đơn vị cấp xã, phường có ít nhất một điểm “Kết nối tiêu thụ nông sản” do Ủy ban Hội LHTN thị xã triển khai.

Anh Trần Xuân Thịnh, Phó Bí thư Thị đoàn Hương Trà cho biết, việc giải cứu nông sản không còn là điều xa lạ trong thời gian qua; tuy nhiên hình thức này chỉ là giải pháp ngắn hạn, thiếu tính bền vững. Về lâu dài, cần phối hợp với các bên liên quan, xây dựng kế hoạch triển khai giải pháp bền vững kết nối tiêu thụ để thích ứng với diễn biến của dịch COVID-19, đảm bảo nông sản không ùn tắc, mất giá…

Xuất phát từ ý tưởng đó, Thị đoàn - Ủy ban Hội LHTN thị xã Hương Trà đã triển khai Chương trình “Kết nối nông sản – San sẻ yêu thương – Vượt qua đại dịch” năm 2021 với mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Tính đến nay, chương trình đã thực hiện được 2 số phát sóng bán hàng livestream. Qua đó, đã kịp thời giúp người nông dân tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của đại dịch; từng bước tạo tiền đề để mọi người dần quen với các phương thức giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương trên nền tảng số.

“Hiện, ban tổ chức chương trình đang tiếp tục vận động các địa phương đăng ký tham gia với các sản phẩm mũi nhọn, đặc biệt là sản phẩm OCOP. Các số phát sóng tiếp theo sẽ được thực hiện định kỳ 2 tuần một lần để tăng độ nhận diện và tính hiệu quả của chương trình”, anh Trần Xuân Thịnh cho hay.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa sách đến với cộng đồng

Những năm qua, bên cạnh công tác phục vụ tại chỗ cũng như tổ chức các sự kiện về văn hóa đọc, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế còn triển khai việc đưa sách, báo về phục vụ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các đồn biên phòng, trại giam… với mong muốn đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ sách, báo của người dân.

Đưa sách đến với cộng đồng
Nông dân với nông sản hữu cơ, OCOP

Từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, OCOP đã xuất hiện nhiều hộ nông dân vừa làm giàu vừa giúp đỡ các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương về vốn, việc làm để vươn lên thoát nghèo.

Nông dân với nông sản hữu cơ, OCOP
Cầu nối của chị em

“Các chi hội trưởng (CHT) phụ nữ thôn, tổ… trên địa bàn thành phố là những người tích cực trong tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết các hội viên (HV); thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ”, bà Đặng Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Huế khẳng định.

Cầu nối của chị em
Return to top