ClockChủ Nhật, 16/10/2016 13:21

Cầu qua sông

TTH - Chiếc cầu Hòa Xuân bắc hai bờ sông quê tôi ra đời hơn 10 năm rồi. Có cầu, người lái đò gác mái chèo chuyển sang nghề nuôi cá lồng, trồng sen trên sông.

Nhớ hồi sinh viên, niềm vui cuối tuần là được đạp xe về thăm nhà. Có lần đạp xe từ Huế về quê ngày thứ bảy, tôi không rẽ vô bến đò Cồn Tộc - Vĩnh Tu để qua đò ngang như mọi khi mà đi thẳng theo tỉnh lộ 4 qua các xã Quảng Lợi, Quảng Thái, Phong Chương để rồi rẽ về bến đò quê thân thuộc. Hồi đó, tuyến đường này còn là nỗi kinh hoàng của người đi xe đạp với những bãi đá lổm chổm, xe cứ nhảy lóc cóc ê cả người… Đạp xe về tới bến sông quê thì trời đã nhập nhoạng tối. Cũng may là gặp mấy người làng đi làm đồng bên kia sông cũng đang chờ đò.

Sông Ô Lâu đoạn chảy qua làng tôi khá hẹp nên có thể đứng bên ni bờ mà kêu thiệt to để gọi đò bên nớ. Thích nhất là nghe tiếng chèo quẫy nước thật yên lành. Lái đò là một người quen, chắc là đã lai rai mấy ly rượu buổi chiều rồi nên hơi gật gà: “Chà đò ni chỉ đưa người đi làm rọn (ruộng) chơ không đưa người từ côi Huế về nghe!”. Qua sông tôi rút tiền ra trả, eng cười: “Nói vui rứa thôi chơ tui biết sinh viên làm chi có tiền!”.

Đó cũng là lần cuối cùng tôi đi đò qua bến sông quê.

Chiếc cầu Hòa Xuân bắc hai bờ sông quê tôi ra đời hơn 10 năm rồi. Có cầu, người lái đò gác mái chèo chuyển sang nghề nuôi cá lồng, trồng sen trên sông. Nông dân vác nông cụ chạy xe thong thả qua cầu làm ruộng. Mỗi lần qua cầu, nhìn bến đò năm nao bây chừ đã trở thành những cánh đồng sen mà nhớ chuyến đò cuối qua sông năm nào…

Nhớ cứ đến những ngày gió nam nắng gắt, trong câu chuyện đêm hè hóng gió trước sân nhà của ba và mấy bác, mấy chú trong xóm có nghe nói nước mặn đã lên tới đập cửa Lác rồi… Nghĩa là  nước sông Ô Lâu sẽ bị mặn. Trời đang hạn, lúa thiếu nước mà nước sông mặn thì nông dân chỉ còn cách ngửa mặt lên trời trông mưa…

Cửa Lác là cửa sông Ô Lâu chảy ra phá Tam Giang. Có lẽ cái tên cửa sông này là cửa Lác vì ở đây loài cỏ lác mọc um tùm. Chim chóc bay về trú ngụ dày đặc trên những thảm cỏ lác xanh miên man hai bên triền sông, triền phá. Mỗi lần đi trên chuyến đò dọc chiều ngang qua cửa Lác, thấy từng đàn chim sải cánh giăng kín cả mặt nước tìm tôm cá. Ngư dân sống bên con phá gần cửa Lác có nghề cắm câu không phải để bắt cá mà là bắt chim, chỉ qua một đêm là có đầy cả bội chim mang đến chợ quanh vùng để bán.

Hồi trước khi hệ thống đập cửa Lác chưa được xây dựng kiên cố, mấy xã trong vùng thường tổ chức đi làm thủy lợi đắp đập cửa Lác để chống mặn. Rồi công trình thủy lợi cửa Lác được xây dựng kiên cố hoàn thành kết hợp làm cầu giao thông nối xã Điền Hòa với xã Quảng Thái. Sau cầu Thuận An thì đây là chiếc cầu thứ hai bắc qua phá Tam Giang rồi sau đó không lâu mới có những chiếc cầu lớn hiện đại như Trường Hà, Ca Cút. Chỉ có điều cầu cửa Lác là cầu trên đập thủy lợi nên hẹp chỉ dành cho người đi xe máy, xe đạp hay đi bộ còn ô tô thì không qua được… Cửa Lác cũng là một điểm ngắm phá Tam Giang rất đẹp.

Qua cầu cửa Lác bữa ni không còn thấy chim chóc bay kín một vùng sông nước như năm nào mà chỉ còn lơ thơ mấy chú cò, chú vạc lạc bầy đang kêu tìm bạn. Nhưng cửa Lác còn đó một món đặc sản, đó là con trìa nằm dưới đáy phá. Trìa có nhiều trên phá Tam Giang nhưng ở cửa Lác là ngon nhất bởi vì đó là nơi giao thoa giữa hai làn nước ngọt và nước lợ…

PHI TÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cổ tích của ba”: Bản hòa ca thương nhớ tuổi thơ

Quyển sách nhỏ, có lẽ là một thể loại mới - tản văn cho thiếu nhi - “Cổ tích của ba” của Lê Phi Tân chào bạn đọc vào lúc thời tiết Huế chắc cũng ở mức nắng nóng nhất của mùa hè. Phượng "thắp lửa" trên cây. Trời càng nóng, sắc phượng càng rực rỡ. “Cổ tích của ba” đến vào dịp hè, dù học trò có đi học thêm đủ thứ thì vẫn có nhiều thời gian rảnh để đọc. Và như thế “Cổ tích của ba” là một món quà chào hè 2023 của Nhà Xuất bản Trẻ cũng như của tác giả.

“Cổ tích của ba” Bản hòa ca thương nhớ tuổi thơ
Chiều Đông

Chiều xuống nhanh. Mạ tôi sai: “Mấy đứa con nghỉ chơi ra đụn rơm lôi cho mạ đầy hai trác rơm hí!”.

Chiều Đông
Rau trái vườn xưa

Rau quế có thân màu tím, lá màu xanh đậm, mùi thơm cũng đậm, ngon và thơm nhất khi làm món bóp với rau muống luộc.

Rau trái vườn xưa
Lao xao đồng chiều

Ở ngã ba đầu xóm, mạ tôi và mấy o, mấy dì trong xóm đang dên lúa.

Lao xao đồng chiều
Radio nhớ thương

Hôm qua về nhà cũ chợt nhớ nhà ông Tời hàng xóm của tôi có một chiếc radio hiệu Philips của Hà Lan.

Radio nhớ thương
Return to top