ClockThứ Hai, 10/04/2017 09:43

Câu trả lời từ thực tế

TTH - Cuối cùng, nguyên nhân xuất hiện vệt nước màu vàng ở vùng biển Chân Mây, Cảnh Dương cũng được giải đáp.

Đó là do sự phát triển của tảo Giáp Gonyaulax polygramma, gây ra hiện tượng tảo nở hoa làm nước biến đổi màu. Trước đó, trong tháng 01 và tháng 02 vừa qua, tại vùng biển này và một số địa phương cũng xuất hiện vệt nước màu đỏ; nguyên nhân sau đó được xác định do hiện tượng bùng phát mật độ rất cao tảo Noctiluca scintilans. Các nhà khoa học gọi các hiện tượng trên là thủy triều đỏ. Mỗi khi xuất hiện thường gây giảm ô xi trong nước, làm thủy sản nổi lên  bề mặt.

Khi nguyên nhân chưa được kết luận, không ít người đã tỏ ra hoang mang, không ăn cá biển. Điều đáng nói đây là hiện tượng bình thường của tự nhiên mà cư dân vùng biển từng chứng kiến. Vì sao gần đây hiện tượng trên lại tạo sự quan tâm lớn của dư luận như vậy? Đó chính từ sự ám ảnh sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra hồi năm ngoái; người dân đã thận trọng hơn với môi trường biển.

Cũng không thể nói nỗi lo lắng của người dân là thái quá, khi việc đảm bảo môi trường hiện nay còn quá nhiều bất cập. Dư luận đang quan tâm hồ chứa nước thải của nhà máy chế biến thủy sản xã Tân Hải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chuyển sang màu tím, bốc mùi hôi thối tràn ra sông Chà Và, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ nuôi cá lồng bè trên sông. Hơn năm trước đây, cũng chính những nhà máy chế biến thủy sản ở khu vực này xả thải trực tiếp ra sông Chà Và, làm cá nuôi trên sông chết hàng loạt, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Những tưởng tồn tại được khắc phục triệt để thì nay đang có nguy cơ gây ô nhiễm trở lại…

Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, hiện tượng cá tôm tự nhiên và trong các ao hồ, lồng bè của người dân thả nuôi bị chết vẫn hay xảy ra; chủ yếu vẫn do môi trường không đảm bảo. Mới đây là cá lồng nuôi trên sông Bồ của người dân xã Hương Toàn (Hương Trà) bị chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn, khiến người dân hoang mang, lo lắng. Nguyên nhân được ngành chức năng xác định do môi trường không đảm bảo, mật độ nuôi dày, nước đứng, thiếu ô xi…

Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra thông điệp, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Điều này cần được thực hiện triệt để trong quá trình triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành các nhà máy sản xuất ở các địa phương. Bên cạnh đó, giải pháp bền vững môi trường cho các nhà máy, cơ sở sản xuất được xây dựng trước đây cũng cần được quan tâm. Đảm bảo môi trường ở đây không chỉ là hạn chế nước thải, khói bụi, mùi hôi ra môi trường mà phải đảm bảo sự cân bằng sinh thái; đặc biệt đối với các nhà máy tận dụng điều kiện tự nhiên để sản xuất. Ví như các nhà máy thủy điện, ngoài đảm bảo an toàn hồ đập, phải điều tiết nước cho vùng hạ du hợp lý, duy trì dòng chảy, tránh tù đọng làm gia tăng ô nhiễm trên các dòng sông; góp phần đẩy mặn trong mùa khô.

Để môi trường không còn là nỗi ám ảnh, cần thiết phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Cùng với trách nhiệm của doanh nghiệp là sự kiểm tra, giám sát của ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân; nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những sự cố cũng như vi phạm, tạo một môi trường tốt cho sự phát triển chung của cộng đồng.

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trải nghiệm thực tế, hoàn thiện kỹ năng

Giữa thời buổi công nghệ phát triển, việc tách con khỏi các thiết bị điện tử là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Do vậy, thu xếp thời gian và công việc để đưa con đến trải nghiệm thực tế tại các không gian mỹ thuật là việc được nhiều cha mẹ quan tâm.

Trải nghiệm thực tế, hoàn thiện kỹ năng
Huấn luyện sát với thực tế chiến đấu

Để nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao sức mạnh chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (CHQS), Ban CHQS 9 huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc có nhiều đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện sát với thực tế chiến đấu, gắn với các tình huống diễn tập.

Huấn luyện sát với thực tế chiến đấu
Return to top