ClockThứ Tư, 26/03/2014 16:58

Cây cầu của cốt cách và tâm hồn Huế

TTH - Năm 2014 này, cầu Trường Tiền tròn 115 năm tuổi. Không chỉ có ý nghĩa về giao thông, cầu Trường Tiền còn là biểu tượng, là một phần làm nên “cốt cách và tâm hồn” Huế; một điểm nhấn của du lịch cho Cố đô. Festival Huế 2014 tới đây, cầu Trường Tiền sẽ lung linh rực rỡ với chương trình nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse. Bên cạnh đó, trên cầu còn có triển lãm ảnh nghệ thuật 54 dân tộc Việt Nam của nghệ sĩ Sebastienne Laval…

Chuyện có thể có người chưa biết…

Sau hơn 20 năm kể từ ngày được đại trùng tu (1991-1995), trước Tết Giáp Ngọ, cầu Trường Tiền lại được đầu tư kinh phí sơn mới. Không chỉ là để chuẩn bị cho Festival Huế 2014, mà còn là để chuẩn bị cho một sự kiện ý nghĩa hơn - Kỷ niệm cầu Trường Tiền tròn 115 năm tuổi.

Cầu Trường Tiền & Lễ hội Nam Giao

Cầu Trường Tiền được khởi xây từ năm 1897 cho đến năm 1899 dưới thời Thành Thái. Cầu nối 2 bờ bắc - nam của sông Hương đoạn chảy qua Kinh thành Huế. Dân gian cứ quen với câu ca “Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp…”, nhưng theo dân kỹ thuật thì chính xác cầu có 6 nhịp và 12 vài kết với nhau thành 6 cặp. Cầu có chiều dài khoảng 402 m tính từ 2 mố; còn nếu tính cả đường dẫn thì độ dài của Trường Tiền khoảng 453m. Lúc mới được xây dựng, cầu chưa có phần lề dành cho người đi bộ. Mặt cầu được lát bằng ván lim. Đến năm Giáp Thìn- 1904, một cơn bão lớn (dân Huế vẫn thường gọi là “bão năm Thìn”) “thổi” mất 4 nhịp của cầu xuống sông Hương, tính từ phía bắc sang. Hình ảnh này đã được một người Pháp chụp lại, một số nhà nghiên cứu sưu tập được và hiện vẫn còn lưu giữ. Mãi đến năm 1906 cầu Trường Tiền mới được tu sửa. Lần này, mặt cầu bằng ván lim được thay bằng bê tông. Câu ca ở Huế “Chợ Đông Ba đưa ra ngoài giại/cầu Trường Tiền đúc lại xi-mon (xi măng)” là nói về sự kiện này. Năm 1937 dưới triều Bảo Đại, cầu được mở thêm phần đường dành cho người đi bộ…

Bão năm Thìn (1904) "thổi" mất 4 nhịp Trường Tiền xuống sông Hương (ảnh tư liệu)

Nhật ký của Hồ Vĩnh về đợt tu sửa cầu Trường Tiền

Trong lịch sử, cầu Trường Tiền đã 3 lần “gãy nhịp”. Một lần do bão như đã nói. Hai lần còn lại, một lần vào năm 1946 và một lần nữa vào năm 1968, cầu Trường Tiền phải chấp nhận hy sinh để chặn bước quân thù.

Chúng tôi từng may mắn gặp được ông Lê Vừa, đại tá QĐNDVN đã nghỉ hưu về sống tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông Vừa là người được giao nhiệm vụ trực tiếp đánh sập cầu Trường Tiền vào ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ 19/12/1946. Sự kiện này khởi đầu bằng việc “khai thác” thuỷ lôi tại Lăng Cô. Đó là 3 quả thuỷ lôi của Nhật thả trong đệ nhị thế chiến chưa nổ. Mỗi quả đường kính chừng 1 mét, nặng khoảng 500 kg. Ông Lê Vừa lúc ấy là đại đội trưởng công binh thuộc Trung đoàn Trần Cao Vân, hạ quyết tâm “khai thác” bằng được số thủy lôi nói trên dù lúc đó kiến thức về loại vũ khí này ông còn rất mù mờ. 3 quả thuỷ lôi cuối cùng đã được chuyển lên Huế an toàn.

Những ngày đầu kháng chiến, phía bờ Nam sông Hương là quân Pháp, bờ Bắc là quân ta. Giặc Pháp được trang bị hiện đại, có xe tăng, xe bọc thép... Kháng chiến nổ ra, nếu không khoá chân được chúng thì những phương tiện chiến tranh kia sẽ gây rất nhiều bất lợi cho ta. Kế hoạch phá cầu Trường Tiền, cây cầu đường bộ duy nhất bắc qua sông Hương lúc ấy được đặt ra. Và, một trong 3 quả thuỷ lôi mà đơn vị ông Lê Vừa mang lên từ Lăng Cô cho xuất trận.

Cùng các đồng nghiệp chụp ảnh lưu niệm trong ngày vui khánh thành 19/5/1995

Ngày 19/12/1946, có lệnh của Trung đoàn trưởng Hà Văn Lâu, đơn vị công binh lập tức triển khai phương án đã định sẵn. 2 giờ sáng, một tiếng nổ lộng óc làm rung chuyển cả thành phố. Chiếc vài cầu Trường Tiền tại vị trí nổ bị nâng lên cao, sau đó sập xuống, lệch với nhịp tiếp giáp đến 3 mét. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái chiếm VN ở Cố đô Huế đã mở màn như vậy. Suốt 50 ngày đêm sau đó, quân và dân Thừa Thiên Huế đã chiến đấu ngoan cường với giặc, giam chân và làm tiêu hao một phần đáng kể sinh lực của chúng. Để rồi 9 năm sau, chúng buộc phải vĩnh viễn rút ra khỏi VN, chấm dứt giấc mơ thực dân trên toàn cõi Đông Dương.

Cầu Trường Tiền gãy nhịp lần thứ ba là vào Xuân Mậu Thân 1968. Thời điểm ấy cầu Trường Tiền vẫn là cây cầu đường bộ duy nhất bắc qua sông Hương. Để chặn bước xe tăng địch từ phía nam lên, bảo vệ quân ta đang chốt giữ Thành nội với chủ yếu là những vũ khí bộ binh hạng nhẹ, không cách nào Chỉ huy trưởng Mặt trận Thân Trọng Một phải quyết định cho đánh sập cầu Trường Tiền. Nhận nhiệm vụ là Hồ Thanh Tốp, thiếu úy K14 đặc công Thừa Thiên Huế. Đêm 7-2-1968, một tấn thuốc bom đã làm sập nhịp cầu số 4, phá hủy hoàn toàn trụ cầu thứ 3 .. . Năm 1969, nhịp cầu gãy này được nối bằng sắt chữ I, mặt trải bê tông nhựa để giao thông tạm thời.

Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, dù trong hoàn cảnh đất nước còn không ít khó khăn nhưng cầu Trường Tiền đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí trùng tu một cách quy mô. Cuộc đại trùng tu này kéo dài suốt 4 năm, từ 1991 đến 1995.

Ba lần trùng tu
Tính đến nay, cầu Trường Tiền trải 3 lần trùng tu lớn. Lần thứ nhất vào năm 1906 sau cơn bão năm Giáp Thìn - 1904. Lần thứ 2 vào năm 1953-1954. Việc duy tu bảo dưỡng thiếu thường xuyên trong một thời gian dài trước đây đã khiến rất nhiều cấu kiện của cầu bị hư hỏng, rỉ sét và xuống cấp nghiêm trọng, do vậy Nhà nước ta quyết định khởi công đại trùng tu lại cây cầu. Theo ghi nhớ của nhà nghiên cứu Huế Hồ Vĩnh thì công trình được khởi công vào ngày 18/5/1991. Số vốn được đầu tư cho việc trùng tu cầu lúc ấy là 54 tỷ đồng, trong đó, vốn trong nước hơn 40,1 tỷ, vốn vay lãi suất nhẹ của Chính phủ Pháp là 7,2 triệu francs. Cầu do các công nhân và kỹ sư của Công ty cầu I Thăng Long thi công; riêng việc khôi phục lại vài số 4 thì có sự giám sát về mặt kỹ thuật của chuyên gia Pháp. Tập đoàn Baudin-Chanteauneuf và hãng sơn Présiozo (Pháp) cung cấp vật tư...
Hồ Vĩnh là người nặng lòng với Trường Tiền. Cho đến bây giờ, ông vẫn còn lưu cả một tập “nhật ký” công trường của riêng mình. Trong đó là những ghi chép, hình vẽ thuyết minh các chi tiết của cây cầu; nội dung những cuộc phỏng vấn các kỹ sư và công nhân trên công trường… Trong một trang của cuốn nhật ký đặc biệt ấy, chúng đọc thấy những thông tin của anh Nguyễn Quân, thợ bậc 6 thuộc tổ tán ri-vê. Theo anh Nguyễn Quân, ở các nhịp được sửa chữa, số ri-vê phải tiêu tốn là 3-3,5 vạn con; còn ở nhịp làm mới, số ri-vê phải tán lên đến 11 vạn con. Thời gian tán cho 1 nhịp phải mất đến 3 tháng... Đợt sửa chữa lớn này kéo dài 4 năm ròng rã, từ 18/5/1991 cho đến 19/5/1995 thì mới chính thức khánh thành thông xe…
Trải 115 năm kể từ lúc ra đời, cầu Trường Tiền đã mang rất nhiều tên. Thoạt tiên là cầu Thành Thái, rồi Clémenceau, Nguyễn Hoàng... Nhưng dân Huế thì vẫn chỉ quen gọi là cầu Trường Tiền, đơn giản bởi ngày trước đối diện phía tả ngạn của cầu có một xưởng đúc tiền của Triều Nguyễn, và cái tên Trường Tiền đã gắn với cây cầu cho đến tận bây giờ. Không chỉ có ý nghĩa về giao thông, cầu Trường Tiền còn là biểu tượng, là một phần làm nên “cốt cách và tâm hồn” Huế; một điểm nhấn của du lịch cho Cố đô…
Hiền An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai
Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa

Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng tại Dự án (DA) Cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A,B,C Khu Chung cư Đống Đa (KCCĐĐ) tại Phường Phú Nhuận, TP. Huế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì buổi đối thoại.

Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa
Return to top