ClockThứ Bảy, 25/02/2023 15:52

Cây cầu ký ức

TTH - Đôi khi nó lại hiện ra trong giấc mơ. Làn nước tận đáy xanh rong rêu, bầy cá bống lượn vòng tụ lại rồi tản ra. Vài ngọn bông bèo dập dờn, mưa đêm còn đọng trên lá.

... “Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta

Đêm trăng sáng chân cầu em giặt áo...”

Từ nhỏ xíu, tôi đã thuộc và hát bài hát này. Đến giờ tôi vẫn nhớ khung cảnh nên thơ ở đó. Trên con đường đất và những lùm tre xanh như kết thành vòm bỗng hiện ra cây cầu. Chỉ là hai súc ván khá dày có một trụ gỗ bắc qua con mương rộng chừng ba mét. Là biên giới của "đội Ba" và "đội Bốn". Thời các đội sản xuất của từng thôn được phân chia theo chòm xóm. Hồi đầu, mẹ tôi được nhà nội ở đội Ba cho cất một chòi tranh nhỏ vừa đủ kê hai cái giường, một cái bếp và cạnh cửa sổ xây bằng rơm nhồi đất mẹ kê hai thùng đạn cho tôi làm bàn tập viết, gọi là "góc học tập". Cha tôi ra Bắc rồi lại vô Nam. Tôi nhớ chiếc túi cứu thương cha mang và mơ ước sau này sẽ trở thành cô y tá chích thuốc cho người làng. Rồi ngoại tôi cho sào đất trên con dốc dưới chân đồi Trọ. Mẹ con tôi bìu ríu nhau ra đội Bốn. Cây cầu giữa xóm Ba và xóm Bốn là nơi tụ tập của bọn con nít chúng tôi. Nó cũng là cái trạm nghỉ chân các o, các mợ gánh gióng đi chợ về hay quẩy phân tro ra ruộng. Hiếm khi đi ngang mà người ta không dừng lại. Dừng chân dưới bóng mát và cũng là cớ để chào hỏi, trò chuyện đôi câu.

Cậu Thuyết, ông y sĩ của xã học trường tỉnh về là bà con họ ngoại. Mẹ các cháu xinh đẹp có giọng hát hay nổi tiếng một thời con gái đấy. Cậu kể mỗi khi chúng tôi năn nỉ được nghe cậu chơi đàn. Ngày xưa làng mình đây chỉ vài mươi nóc nhà thưa thớt dưới thung lũng khe Nậy và Ma Ca... Dưới ruộng cá bơi đàn đàn, trên rừng chim muông, hươu nai thả bẫy là có thịt. Mẹ các cháu ngày nào cũng được vắt mật ong rừng do ông ngoại lấy về. Vì mê thứ kén ong béo ngọt đến độ có hôm mẹ say nằm bên bìa sông mê man không biết đường về... Cậu kể chuyện xưa, tay bấm phím Mandolin như làm ảo thuật. Lũ trẻ như mơ như mê trong thứ âm thanh ảo diệu và những câu chuyện dù nghe đến hàng chục lần vẫn hấp dẫn như mới. Chiếc cầu nhỏ là nơi chứng kiến những cuộc vui này. Và trăng, những bờ tre xào xạc bên đường, mùi khói vương vương đâu đó trong làn gió đồng quê có tiếng ểnh ương ộp oạp...

Tôi không thể vẽ lại được cái không khí thơ ngây đầy màu sắc cổ tích trong trí tưởng. Những gợn nước dưới ánh trăng, bầy con nít tụ tập nghe chuyện và tập hát. Đôi khi chúng tôi bị ba mẹ gọi về đi ngủ thì có vài cặp thanh niên hẹn hò tìm đến...

Sau một tuần thử giọng ở đoàn Ca Múa Nhạc của tỉnh, tôi được nhận cho một vai diễn trong vở kịch hát. Nhưng ba tôi một mực bắt tôi trở lại quê để hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp. Ngày ấy, làng chỉ có tôi và hai cậu con trai có bà con bên họ ngoại đi học trường huyện. Hàng chục lần ngồi quấn áo mưa nơi quán tranh cạnh bờ sông buốt lạnh đợi chuyến đò sớm mai, tôi ao ước giá như có một cây cầu!

Tôi nghe tiếng sáo vút lên từ phía cánh đồng. Đêm tháng Giêng ngôi làng còn thoang thoảng mùi hương Tết. Trong ánh trăng vằng vặc soi rõ nương chè ngoài ô cửa nhỏ, tôi nghe như có tiếng gọi xa xôi từ nơi nào đó, rằng hãy đi, phải đi đến nơi chốn tôi từng mơ, từng gặp qua những trang sách ố vàng, trong những giấc mơ con nít. Tôi mơ phố rực ánh điện, nhớ các chị diễn viên tóc dài, da trắng, cây piano và những hợp âm vang lên cho tôi thử giọng. Tôi muốn mình được hát bằng giọng cao vút của tiếng gió bên bìa rừng đêm trăng. Tôi mơ đến những con dốc sỏi lối đi dẫn đến nhà thờ, những cây tùng lặng lẽ giữa đêm sao, một chiếc cầu cong cong từ nhà thờ đến khu vườn hoa bách hợp trắng muốt. Và tôi đi qua cầu với chiếc dù nhẹ như mây. Trong trí tưởng tượng của một cô gái quê, bầu trời mơ ước đan xen nhiều hình ảnh đẹp như cổ tích. Những đêm mùa Xuân xa xôi ấy, chiếc cầu nhỏ là nơi lũ chúng tôi thích thú háo hức đến cùng nhau.

Nghe nói, có đoàn công nhân xây dựng về làng để chuẩn bị xây lại nhà ga và cầu tàu hỏa. Dì tôi nháy mắt: "Có anh kỹ sư trẻ nói giọng Hà Nội thổi sáo hay quá chừng". Vậy là cây cầu xóm tôi thành nơi tụ tập các thanh niên nam nữ. Ai cũng kiếm cớ ra cầu nghe cậu Thuyết chơi đàn và anh Quân thổi sáo. Tưởng ai, tôi đã gặp anh chàng thư sinh ấy sau những cú nhảy vượt hai thanh ray một để mau chóng về nhà. Hôm ấy trời mưa xuân lất phất, một nhóm người đang đo đạc ghi chép bên chiếc cầu vào ga. Tôi chăm chú sợ bị trượt chân vì thứ dầu trên tà vẹt trơn chi lạ. Ngẩng đầu đã bắt gặp một  ánh mắt chăm chú hơi giễu cười. Khéo ngã cô bé ơi, cầu chúng tôi đã đo xong rồi, khỏi đo lại nhé. Ánh mắt và giọng nói anh thật đẹp. Anh hỏi nhà tôi gần cầu không, tôi học lớp mấy, tối rủ bạn ra cầu chơi nghe anh thổi sáo. Không hiểu sao chân tôi ríu lại, mặt đỏ rần. Dì nghe chuyện ấy chỉ cười bẹo mũi tôi. Tôi bắt dì thề không bao giờ kể với mẹ chuyện ấy vì tôi thấy xấu hổ. Tôi vừa 16 tuổi. Dì hơn tôi có hai tuổi nhưng rất được lòng mẹ. Thế là mỗi cuối tuần học trường huyện về, tôi thích thú theo dì ra cầu. Rằm tháng Giêng năm đó trăng rất sáng. Nhà chúng tôi mời cậu Thuyết, anh Quân và vài người bạn ăn chè đậu đỏ. Sườn đồi bàng bạc, tiếng sáo vút lên, làn nước dưới cây cầu gợn sóng lăn tăn. Và chúng tôi đã có một mùa trăng hát cùng tiếng sáo anh Quân và nhịp Mandolin của cậu Thuyết bên chiếc cầu giữa đội Ba và đội Bốn.

Qua mùa thu năm đó tôi vào thành phố.

Tôi sống trong thành phố di sản có dòng Hương thơ mộng. Sông đẹp như một dải lụa huyền thoại ai vắt tới chân trời. Những cây cầu bắc qua dòng sông đẹp như trăng tuổi thơ. Tôi yêu cầu Trường Tiền màu xám bạc dưới sương mù mùa đông. Yêu những đường nét mê hoặc của kiến trúc châu Âu đã chọn đúng nơi này để trưng bày sự sang trọng quý phái nhưng rất mềm mại dịu dàng. Cây cầu Phú Xuân với hai làn xe và lối đi bộ thoáng đãng như một nét vẽ nối đôi bờ Nam Bắc thành phố. Xe lên cầu vài nhịp đã thấy Hoàng thành vàng son hiện ra lộng lẫy giữa ráng chiều.

Tôi có phố, ngày ngày đi qua những cây cầu đẹp, nhưng lòng chưa bao giờ nguôi nhớ về xóm núi. Khi tiếng còi tàu u u, mùi hăng hắc của toa xe trong làn sương chiều xanh nhạt và từng nhịp rần rật trên chiếc cầu Bạch Hổ như mời gọi, tôi đã thấy như mình đã trở về, như chưa bao giờ rời xa nơi chốn thân thương ấy.

Ga Xép hiện ra sau khúc cong cây lá. Ngọn đồi cỏ lau mọc lên những khu nhà mới và một ngôi chợ hàng quán lều bạt xênh xang. Mắt tôi cay xè khi hay tin cậu Thuyết đã mất. Những chàng trai trẻ từng xây dựng cầu nhà ga cũng đã rời đi từ lâu lắm rồi. Mặt trời rọi ánh chan hòa lên ngôi làng và những ngọn đồi. Tôi ngồi dưới hàng cây ngăn ngắt xanh. Đội Ba - đội Bốn đã nối nhau bằng cây cầu mới đúc bê tông và con đường rải nhựa. Tất cả đã đổi thay, chỉ lòng người nâng niu mãi những dấu vết yêu thương xưa cũ.

Hương đêm gió đưa qua những ô cửa mở. Tôi nghe tiếng sáo và tiếng đàn Mandolin từ phía cây cầu gỗ xa xưa vượt qua những đường ray mọc đầy cỏ hoang chạy dọc ngôi làng, hòa tan vào ánh trăng huyền hoặc.

Nơi đây là một phần đời an vui tôi đã sống...

Bạch Diệp

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”

TIN MỚI

Return to top