ClockThứ Tư, 12/11/2014 14:41

Cây giống từ nuôi cấy mô - Ưu thế vượt trội cho rừng trồng

TTH - Thử làm một phép tính, bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng mới 4.000 ha rừng, nếu chỉ cần năng suất tăng 50m3/ha thì trong một chu kỳ trồng rừng với giá bán bình quân 1m3 cây keo lai thành phẩm là 750 ngàn đồng, thì có thể thu lợi gần 150 tỷ đồng. Hiện, một số doanh nghiệp và chủ rừng đã đầu tư lựa chọn keo giống nuôi cấy mô, bởi đây là một điều cần thiết cho chiến lược trồng rừng đem lại giá trị kinh tế cao và bền vững.

Công đoạn cấy mô

Nhiều ưu điểm

Từ năm 2008, được dự án Nord-Pas de Calais của Pháp tài trợ cùng vốn tự có, Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong (Công ty LN Tiền Phong) đã bắt tay thực hiện mô hình nghiên cứu sản xuất keo giống nuôi cấy mô phục vụ trồng rừng. Nhiều ưu điểm vượt trội. Được chọn từ cây bố là keo lưỡi liềm và cây mẹ là keo lá tràm, cho ra keo lai F1, rồi dùng cây F1 này cho sinh sản vô tính bằng nuôi cấy mô. Chị Lê Thị Thúy Nga, Đội trưởng Đội Thiên An, Công ty LN Tiền Phong cho hay, nhờ dùng giống đầu dòng, cây mô có những ưu điểm vượt trội: sạch bệnh, nhân hàng loạt với mức độ đồng đều và được “trẻ hóa”. Cây keo nuôi cấy mô có thân thường lên thẳng, ít phân cành, có rễ cọc chắc chắn, chịu được gió mạnh. Do đó, giống cây mô chỉ cần trồng thưa, lợi về nhiều mặt. Mặt khác, giống keo nuôi cấy mô có thể trồng thành cây lâu năm lấy gỗ với thời gian chừng 10 đến 12 năm, đem lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều.

Theo chị Lê Thị Thúy Nga, chính những ưu điểm vượt trội của cây mô nên hiện nay nhiều đơn vị và hộ tư nhân sử dụng để làm giống cây mẹ. Giống cây mô làm cây mẹ có tỷ lệ sống từ 90% đến 100% tại vườn ươm, trong khi cây lai hom dùng làm cây mẹ có tỷ lệ sống tại vườn ươm khoảng 70%. Tốc độ phát triển ở ngoài rừng của 2 loại giống này cũng chênh lệch rõ rệt. So sánh với diện tích trồng rừng bằng cây mô của Công ty LN Tiền Phong từ năm 2012 đến nay, cây ngoài rừng đối với giống keo lai hom có tốc độ sinh trưởng từ 20 đến 25m3/ha/năm, nhưng với giống cấy mô có tốc độ sinh trưởng trên 35m3/ha/năm.

Keo lai nuôi cấy mô tại vườn ươm

Để sản xuất giống keo nuôi cấy mô phải có đầu tư về công nghệ, con người, cần thời gian dài hơn, nên chi phí đầu vào về cây giống thường cao hơn. Nhưng ngược lại, keo lai từ nuôi cấy mô lại cho ra giống đồng loạt, số lượng lớn, tỷ lệ sống cao, phát triển tốt, đầu ra tăng cao gấp nhiều lần. Đây lại là vấn đề được nhà đầu tư, người trồng rừng quan tâm nhất để thu lợi lớn nhất. 

Chưa được quan tâm

Từ khi vào mẫu ban đầu đến khi ra vườn ươm, cây mô mất 7 đến 8 tháng. Giai đoạn từ vườn ươm để đưa vào trồng rừng mất thêm 4 đến 5 tháng. Nếu so về mặt thời gian thì tạo giống theo phương pháp giâm hom ngắn hơn cây mô, về mặt kỹ thuật cũng đỡ vất vả hơn và giá thành thấp hơn. Nhưng về lâu dài, nuôi cấy mô đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, như chống thoái hóa giống, độ đồng đều cây trồng cao và tạo ra sản phẩm hàng loạt, từ đó có thể hạ giá thành sản phẩm cây mô.

Mỗi năm, Công ty LN Tiền Phong sản xuất từ 2 triệu đến 2,5 triệu cây giống keo lai hom chất lượng và khoảng 1 triệu cây mô. Trừ số lượng 35 đến 40 vạn cây mô phục vụ trồng rừng hằng năm của công ty, số còn lại được bán ra thị trường Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đơn vị đang mở rộng tăng quy mô sản xuất thêm 1 triệu cây mô giống/năm để đáp ứng nhu cầu giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Theo lãnh đạo Công ty LN Tiền Phong, nếu đưa giống cây mô vào trồng rừng đại trà thì đây sẽ là một cuộc đại cách mạng về năng suất. Tuy nhiên, do việc nhìn nhận chưa đúng mức, nên đến nay giống cây mô vẫn chưa được các chủ rừng, đơn vị sử dụng nhiều. Mặc dù chênh lệch về giá giữa giống cây mô khoảng 1.500 đồng/cây so với cây giâm hom, tức 1ha chỉ tăng thêm khoảng 2 đến 3 triệu tiền giống, nhưng khi thu hoạch thành phẩm lại tăng gần cả 100 triệu đồng/ha. Đây có lẽ cũng là lý do mà đến nay các đơn vị, chủ rừng còn đắn đo lựa chọn.

Thấy được hiệu quả vượt trội, đơn vị đã đặt vấn đề với nhiều địa phương nên đưa giống keo nuôi cấy mô vào trồng rừng, thậm chí chấp nhận hỗ trợ để làm mô hình trồng thử nghiệm. Song dường như các địa phương cũng như các ban ngành chức năng chưa quan tâm, nên đến nay loại giống này vẫn chưa được ứng dụng trồng rừng đại trà, mà chỉ được dùng để làm vườn giống cây mẹ.

Ở các nước phát triển, cây giống từ nuôi cấy mô đã sớm đưa vào nuôi trồng lâm nghiệp, nông nghiệp và đã trở thành ưu tiên số một cho nền công nghiệp nông nghiệp và công nghiệp lâm nghiệp. Ở nước ta, mô hình nuôi cấy mô đã có hơn 10 năm nay. Một số địa phương đã sớm áp dụng mô hình này và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài keo lai nuôi cấy mô, Công ty LN Tiền Phong sắp đưa ra thị trường giống cây gừng, chuối bằng nuôi cấy mô để phục vụ phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Bài, ảnh: Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng

3.400 lượng vàng đã trúng thầu trong phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau 11 năm tạm ngừng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ghi nhận trên thị trường, giá vàng đã giảm khá mạnh do ảnh hưởng từ thị trường thế giới cũng như thông tin về đấu thầu vàng miếng thành công.

Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top