ClockThứ Ba, 28/07/2020 09:29

Cây hoa hỏa châu, một nguồn gen mới trong làng cây cảnh Huế

TTH - Khoảng mười năm trở lại đây, một nguồn gen cây cảnh mới xuất hiện ở Huế, mang tên là cây hỏa châu.

Lựu phun lửa hạ... lựu là thuốc hayCây xanh xứ Huế

Cây hoa hỏa châu được trồng ở Huế

Một người thân của tôi là anh Trương Phước Hân – cán bộ kỹ thuật của Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng cho biết: “Người trong gia đình của anh làm việc ở Khu du lịch "Về Nguồn", xã Hương Hồ đã phát hiện trong khuôn viên của Khu du lịch "Về Nguồn" một loài hoa lạ chưa từng gặp, hỏi ra mới biết nó được dẫn giống từ trong Nam ra với tên gọi là hỏa châu. Người này đã đưa giống về trồng trong vườn nhà ở thôn Nham Biều, xã Hương Hồ”.

Vào khoảng giữa năm 2017, tôi có dịp đến thăm anh Trương Phước Hân, thấy lạ nên mân mê, tìm hiểu. Thấy tôi có vẻ thích thú, anh ấy đã ươm mấy cây vào túi bầu rồi đưa đến tặng tôi. Tôi trồng 2 cây hai bên cửa ngõ nhà (8/2D Minh Mạng), ngày nào ra sân hay đi, về đều không quên chiêm ngưỡng. Điều làm tôi mãi thích thú là cây ra hoa gần như quanh năm suốt tháng, màu hoa đỏ sặc sỡ, kiểu hoa cụm tỏa tròn hình bầu dục, nhìn xa trông giống như trái chôm chôm. Hầu như ai đã một lần đi ngang nhà tôi đều dừng lại ít phút ngắm nhìn, có người còn mở rộng bàn tay mân mê, vuốt ve cụm hoa rồi buông tiếng “rất giống trái chôm chôm, đẹp quá, lạ ghê!”.

Từ đó, cũng nhiều người đặt thẳng vấn đề với tôi, xin giống về trồng. Tôi đã hứa sẽ nhân giống cho họ. Do nghĩ rằng ai cũng như mình, mình thích cũng giống họ thích nên đã ra tay giâm cành hàng loạt, đợt này rồi đến đợt khác, nhưng đều thất bại, vì cành cây có lớp vỏ quá mỏng. Tôi đã gọi điện cho anh Hân, anh ấy bảo sẽ đưa cây con đến vì cây ở nhà anh ấy được trồng ở một góc vườn đất màu mỡ, quả rụng rơi nẩy mầm khá nhiều. Thế rồi, tôi lại nhận được từ anh ấy đến 30 cây con. Tôi đã ươm vào túi bầu, chăm sóc và phân phát.

Ở nhà tôi, do cây khá cao (> 2 m) nên việc thu quả cũng không dễ dàng, chỉ chờ quả rụng rơi để nhặt, nhưng rất tiếc quả thường rơi rụng vào ban đêm, lăn ra đường, sáng thức dậy thì tôi đã thấy chúng bị xe nghiền dập nát. Thế nhưng, những cây ươm nói trên đã được chia sẻ hết rồi, thỉnh thoảng lại có người đến xin cây giống nên tôi đã chịu khó nhặt quả mỗi sớm mai thức dậy, dù chỉ một hai quả/tuần để tiếp tục ươm mầm. Tính đến thời điểm này ít nhất cũng đã có hơn hai mươi người tiếp nhận cây giống từ tôi. Nói thế để thấy rằng hoa hỏa châu đã hấp dẫn cộng đồng như thế nào?

Về tên gọi thì mãi đến nay, qua nhiều lần tìm hiểu vẫn không rõ được là ai ở đâu đã đặt cho nó, chỉ biết khi xuất hiện ở Huế nó đã mang tên hỏa châu rồi. Tên gọi này có được có lẽ do hình thái, sắc màu của cụm hoa nhìn giống trái hỏa châu (quả cầu lửa). Đúng là người chơi hoa cũng khéo đặt tên.

Đây là một loài thực vật nhập nội vào Việt Nam, không rõ năm nào và nhập từ đâu. Chúng tôi chỉ biết nó là loài cây bản địa châu Phi, thường xuất hiện ở Kenya, Tanzania, Somalia, Mozambique và Nigeria với tên khoa học là Combretum constrictum thuộc họ Trâm bầu (Combretaceae); tên tiếng Anh là Powderpuff combretum, Ball of fire, Thailand powderpuff; tên tiếng Pháp là Liane vermifuge, Petit badamier.

Hỏa châu là cây thân gỗ dạng bụi, thường xanh, vỏ thân, vỏ cành màu trắng ngả vàng, cao 1,5 – 3 m. Lá hình xoan thuôn có mũi nhọn, dài 4 – 12 cm, rộng 2 – 6 cm, có cuống dài 0,2 – 0,6 cm. Hoa hình cụm bông dày đặc; hoa lưỡng tính; đài hoa hình ống màu xanh với cánh đài màu trắng; tràng hoa 5 cánh thon, nhỏ, màu đỏ; bộ nhị và nhụy dài 1,5 – 2 cm, màu đỏ rực tạo nên sắc thắm cho cụm hoa.

Tôi nghĩ rằng, đây là một nguồn gen mới có thể góp phần thiết thực vào việc xây dựng danh hiệu “Huế - bốn mùa hoa”. Chúng ta có thể nhân rộng trồng ở một góc thích hợp trong khuôn viên các công sở, nhà hàng, khách sạn… Đồng thời cũng nên đưa vào trồng trong các công viên để đa dạng hóa chủng loại, phong phú hóa sắc màu như mong muốn của lãnh đạo UBND tỉnh.

Bài, ảnh: Đỗ Xuân Cẩm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người thanh niên đưa “Chậu Huế đắp tay” vươn tầm cả nước

Với suy nghĩ “Cây quý phải đứng trong chậu đẹp”, Hoàng Công Toàn (SN 1992, trú thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) - một thanh niên sau khi tốt nghiệp ngành mỹ thuật và nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực cây cảnh nghệ thuật đã quyết tâm lập nghiệp bằng dự án “Chậu Huế đắp tay thủ công”.

Người thanh niên đưa “Chậu Huế đắp tay” vươn tầm cả nước

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top