ClockThứ Hai, 19/07/2010 17:57

Cây Me nặng tình với đất Thần kinh

TTH - Sinh ra từ vùng nhiệt đới châu Phi, cây Me đã được trồng rộng rãi ở nhiều nước nhiệt đới Nam Á, nhưng chẳng hiểu sao, nó lại được xem là một loài cây đặc hữu của Ấn Độ, và vì vậy tiếng Á Rập đã gọi nó là "tamar hindi", nghĩa tiếng Anh là Indian date, tiếng Việt là Chà là Ấn. Có lẽ cũng từ đó nó đã mang tên khoa học là Tamarindus indica.

Me là một loài cây gỗ lớn, có thể cao đến 20 m, thường xanh khi sống trong vùng khí hậu không có mùa khô, rụng lá trong môi trường nhiệt đới ẩm đổi mùa. Là một loài cây nhiệt đới, nó rất nhạy cảm với sương giá, chịu đựng tốt với vùng khí hậu nóng và đất khô. Cây có lá kép lông chim với 10 – 40 lá chét nhỏ, mọc đối. Hoa mọc thành chùm, cánh hoa màu vàng. Quả dạng quả đậu, màu nâu, chứa thịt mềm, chua và nhiều hạt có áo hạt cứng.

Khi quả còn non, thịt quả cứng, màu xanh và rất chua, ít được sử dụng để ăn trực tiếp, chỉ được dùng như một hợp phần của đĩa gia vị tươi sống. Quả già giảm chua dần rồi rất ngọt khi chín muồi. Nhiều người rất thích ăn quả vừa ướm chín, lúc đó quả bắt đầu bong vỏ, thịt quả xốp, được gọi là Me rốp, ăn thấy chua chua, ngọt ngọt, bùi bùi rất thú vị. Nhiều nơi, dùng quả Me chín làm món tráng miệng như một loại mức hoặc pha trộn vào nước ép trái cây hay một thức uống ngọt nào đó, khiến các thứ thức uống này sẽ có hương vị mới hấp dẫn hơn. Ở Thái Lan, có một giống me ngọt, quả ít chua dù chưa chín, thường được dùng để ăn như một loại trái cây tươi. Đôi khi cũng được ngâm đường với ớt để tạo ra kẹo Me. Hiện thị trường Huế đang tràn ngập quả Me Thái và cũng không thiếu mặt hàng nước Me đóng hộp.
 

Hoa và lá me
 
Không chỉ dùng làm thực phẩm, Me còn là một loài cây dược liệu. Cả thịt quả, lá và vỏ cây đều được sử dụng cho y học, dùng đắp ngoài da trị viêm khớp, bong gân, viêm nhiễm quầng thâm hay đinh nhọt;  uống để xổ giun, điều trị tiêu chảy, lỵ, bệnh vàng da, bệnh trĩ; nấu nước ngậm, súc miệng chữa được viêm lợi.
 
Me còn được trồng làm cây bóng mát và cây cảnh phổ biến nhiều nơi, ngoại trừ chỗ úng ngập. Không rõ Me bén duyên với đất thần kinh từ bao giờ, nhưng cái tên "Me" đã từng ngọt ngào với Huế, qua đường Hàng Me, Bến Me, hay qua âm hưởng "Chợ Đông Ba, khi mình qua, lá Me bay bay là đà…". Ngày nay, tên đường Hàng Me không còn nữa, con đường Phạm Ngũ Lão cũng chẳng còn bóng Me, nhưng cái tên thân thương đó vẫn mãi in đậm trong ký ức nhiều người. Nói đến Me, ai cũng liên tưởng được vị chua thanh tao của quả Me, vị chua ngọt ngào luôn gắn liền với đời sống dân giả. Ngày Tết, bên cạnh nhiều loại mức truyền thống, như mức gừng, mức dừa… người Huế không quên chuẩn bị cho mình một ít mức Me và Me dầm. Vị Me dầm chua chua, ngọt ngọt khó tả, ai thưởng thức rồi cũng thấy … khó quên.

Quả me
 
Có thể gặp Me ở các vườn tược vùng trung du thuộc các xã Thủy Bằng, Thủy Xuân, Thủy Biều…Me cũng hiện hữu đó đây trong quần thể di tích Huế, như một cây xanh đặc trưng tôn tạo cảnh quan. Giữa lòng thành phố Huế nhiều cây Me cổ thụ cũng đang so bóng với hàng vạn cây xanh khác như ở điểm xanh Lê Lợi, bến Me, Đại Nội, một vài trường học, công sở…
 
Thành phố Hồ Chí Minh có đường Sư Vạn Hạnh với hai hàng Me thẳng tắp rất đẹp. Không lẽ Huế lại không tái tạo được một con đường Hàng Me ở đâu đó hay sao? Với Phạm Ngũ Lão thì không thể rồi, vì vỉa hè quá hẹp, phố xá bành trướng lấn át vỉa hè, người mua kẻ bán thiếu ý thức bảo tồn, phát triển, khó bề trồng và nuôi dưỡng để thành hàng cây đạt tiêu chuẩn.
 
Đỗ Xuân Cẩm
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top