ClockThứ Hai, 26/07/2010 17:52

Cây Sa-kê, một loài cây xanh đa tác dụng cần được phát triển

TTH - Có lẽ một trong những cây xanh có khả năng tỏa bóng tốt, hình thái lá đẹp, được trồng ở Huế đã khá lâu, nhưng số người Huế biết đến lại không nhiều chính là cây Sa-kê. Chưa bàn đến dạng hình, công dụng, mà chỉ nói đến tên thôi cũng đã khá lạ với lắm người Huế rồi.

Ngay những ngày đầu tiên tiếp cận với tên gọi đó, cách đây đã ngót bốn mươi năm, chúng tôi đã nghĩ rằng nó không phải là một nguồn gen bản địa và cứ tưởng nó có nguồn gốc Nhật Bản. Thế rồi, mãi về sau chúng tôi mới biết rằng nó có nguồn gốc ở vùng Nam Á (Malaysia, Indonesia), New Guinea và phân bố ở nhiều đảo biển từ Nam Thái Bình Dương đến tận Hawaii. Nhiều tài liệu cho thấy, từ xưa, quả Sa-kê là một loại lương thực chủ yếu ở các đảo Thái Bình Dương. Người dân Hawaii đã từng xem quả Sa-kê là một loại lương thực hằng ngày giúp gia đình họ vượt qua những cơn đói, vì thế đã gọi là quả bánh mì (breadfruit), từ đó cây Sa-kê đã mang tên tiếng Anh là Breadfruit Tree, tên tiếng Pháp là Arbre à pain.

Cây thích điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, nên dần dần đã trở thành cây trồng làm cảnh, tạo bóng hay lấy quả ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Một số tài liệu cũng cho thấy, vào năm 1793, thuyền trưởng Bligh đã mang hơn 2000 cây Sa-kê từ Tahiti đến Jamaica rồi giới thiệu cho nhiều nước châu Mỹ. Ở Trung Quốc, nó được trồng ở một số tỉnh miền Nam và được gọi tên là Diện bao thụ, trong lúc ở Đài Loan lại gọi là Dẫn chủng miêu phố. Riêng ở Việt Nam, có lẽ nơi được trồng đầu tiên là miền Tây Nam bộ và những cây đầu tiên vào Việt Nam phải từ Campuchia hay Thái Lan. Sở dĩ tôi đoán thế là do được biết ở Campuchia người ta gọi nó là Sakéé, ở Thái Lan gọi là Sa-ke. Chính vì thế mà mãi tới nay ở nhiều tỉnh thành Việt Nam, nó vẫn được gọi là Sa-kê.
 

Quả Sa-kê
 
Sa-kê là một loài tương cận với mít, với tên khoa học là Artocarpus altilis (tên đồng danh là A. communis) thuộc họ Dâu tằm - Moraceae. Đây là một loài cây gỗ thường xanh có thể cao đến 30 m, cành mọc tỏa rộng, thẳng, vỏ thân nhẵn, màu xám. Tất cả các bộ phận của thân đều có chứa nhựa mủ trắng như mít. Lá lớn, bóng láng, rộng 40-50 cm, dài 60-90 cm, thường xẻ 5 – 11 thùy sâu. Hoa đơn tính cùng cây, mọc ở nách lá. Hoa tự đực kéo dài, rộng 3-4 cm, dài 15-25 cm, hoa tự cái hình cầu, rộng 5-7 cm, dai 8-10 cm. Quả hình trụ hay hình cầu đường kính 10-30 cm, màu xanh, khi chín màu vàng nâu. Thịt quả thường không hạt hoặc rất ít hạt, màu kem đến hơi vàng hay hơi đỏ, cứng và có chất hồ khi chưa chín, trở nên mềm và ngọt khi chín.
 
Sa-ke là một loài cây xanh đa tác dụng, chẳng hạn như:
 
- Quả chưa chín được dùng nấu, chiên, hấp ăn như rau hay nướng. Quả chín trở nên mềm và ngọt, thường dùng thay bánh mì, làm bánh ngọt, bánh bao, và bánh phlăng. Cũng có thể dự trữ bằng cách phơi khô, hoặc lên men. Có nơi dùng làm kẹo bằng cách lược lấy thịt quả chín, áo lớp đường và dừa nạo rồi sấy khô.
 
- Lá và quả dùng chăn nuôi. Sợi vỏ dùng dệt vải. Nhựa mủ dùng xảm thuyền, bẫy chim, làm kẹo cao su, điều trị tiêu chảy.
 
- Thân, vỏ thân và nhựa mủ cũng được dùng trong y học ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Trinida, Bahamas, dịch lá được dùng trị chứng thấp huyết áp và làm dịu cơn hen. Ở New Guinea, vỏ cây được dùng trị ghẻ, nhựa mủ được dùng trị ỉa chảy và bệnh lị. Ở Nouvelle Calédonie, rễ cây được dùng trị hen, các rối loạn tiêu hóa và bệnh ngoài da... Ở nước ta, theo kinh nghiệm dân gian, lá được dùng chữa bệnh phù thũng.
 

 
Lá Sa-kê
 
Ở Huế, mặc dù cây xuất hiện đã rất lâu năm, nhưng đến nay vẫn chưa được trồng phổ biến. Lâu nay, cây thường được gặp ở các chùa phật giáo, các nhà chung thiên chúa giáo và lẻ tẻ ở một vài tư gia. Ở nhiều chùa phật giáo, nó được xem là một cây đa tác dụng, vừa tạo bóng, làm cảnh vừa để lấy quả làm các món ăn chay.
 
Sa-kê là một loài cây xanh đẹp, sinh trưởng và cho quả tốt trong điều kiện đất ẩm, màu mỡ, nhưng cũng có khả năng thích nghi rộng, mọc và cho quả bình thường từ vùng ven biển cho đến độ cao trên dưới cả ngàn mét. Có thể nhân giống bằng hạt, nhưng do quả rất ít hạt hoặc không hạt, nên người ta thường giâm cành, chiết cành hoặc tách chồi rễ. Theo tôi, những nhà quản lí cây xanh đô thị nên quan tâm phát triển Sa-kê cho các công viên, khuôn viên công sở, trường học, để vừa phong phú hóa chủng loại, vừa đa dạng hóa hình thái cho hệ thống cây xanh xứ Huế.
 
Đỗ Xuân Cẩm
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top