ClockThứ Sáu, 16/07/2010 08:32

Cây tre trong làng cây xanh Cố đô Huế

TTH - Một trong những nét đặc sắc của hệ thống cây xanh xứ Huế có lẽ là sự hiện hữu của nhiều loài tre ngay trong lòng thành phố. Trong khi ở nhiều thành phố Việt Nam, cư dân đô thị hay du khách muốn chiêm ngưỡng hình dáng cây tre phải ra vùng ngoại ô, thì ở Huế, chúng ta chỉ cần dạo quanh trong các phường xã nội thành là có thể bắt gặp nào là tre Mỡ, tre Gai, tre Lồ ô, tre Cán giáo, tre Vàng sọc, trúc Đùi gà, trúc Hóa long, hóp Cần câu...

Ở đây, chúng ta có thể bắt gặp cây tre sau vườn, trước sân, bên cạnh hồ cá, chung quanh thư phòng, trong công viên, công sở, sân chùa... Nhiều tư thất xây dựng theo kiểu kiến trúc hiện đại cũng trồng một bụi tre nhỏ dưới góc giếng trời... Ai đã một lần viếng chùa Huyền Không Sơn Thượng, ắt sẽ không quên cảnh vật tĩnh mịch, trang nghiêm, hoành tráng mà những hàng tre Vàng sọc là một trong những chủng loại cây xanh ấn tượng. Ở giữa lòng thành phố Huế, để làm biểu tượng cho một khách sạn, nhà hàng, chủ nhân đã vẽ tranh, dựng pa-nô... và thậm chí trồng luôn mấy bụi tre trước tiền sảnh (Khách sạn Tre Xanh, Khách sạn Xanh...).

Mấy năm gần đây, cứ vào dịp Festival, người dân xứ Huế và du khách lại có dịp thưởng ngoạn những hàng tre xanh được tạo dựng ở các điểm sân khấu khai mạc, bế mạc hay ở những khu trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống... Gần đây nhất là dịp Tết Canh Dần, những hàng tre xanh lại được dựng lên trên các nẻo đường dẫn vào đường phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Những hình ảnh đó đã gợi cho cư dân đô thị Huế và du khách hình ảnh cây tre Việt Nam, một biểu tượng bất khuất của dân tộc: dẻo dai, mềm mại, vị tha nhưng không gục đầu khuất phục như Nguyễn Duy đã có lần viết: “Loài tre đâu chịu mọc cong/ Mới lên đã thẳng như chông lạ thường/ Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường họ măng”.
 

Cây tre luôn gắn bó với đời sống con người 
 
Như chúng ta đã biết, trong đời sống văn hóa và kinh tế, cây tre luôn đồng hành với mọi hoạt động của cộng đồng người Việt. Biết bao người từ lúc chào đời cho đến lúc an nghỉ vĩnh hằng không thể tách rời cây tre. Mái nhà tranh vách đất truyền thống ấp ủ niềm hạnh phúc của hàng vạn gia đình, đã trở thành một hình ảnh văn hóa dân tộc: “Em về cắt rạ đánh tranh/ Chặt tre chẻ lạt cho anh lợp nhà/ Sớm khuya hòa thuận đôi ta/ Hơn ai gác tía lầu hoa một mình”... Nói đến làng quê, hình ảnh đầu tiên nhiều người nghĩ tới là lũy tre làng: “Làng tôi có lũy tre xanh/ Có sông Tô Lịch uốn quanh xóm làng”, hoặc: “Trăng lên tắm lũy tre làng/ Trăng nhòm qua cửa, trăng tràn vô nôi”...
 
Vừa khóc oe chào đời, biết bao người đã nằm trên nôi tre. Đến lúc trăm tuổi nằm trong quan tài được néo bằng lạt tre, nêm bằng mộng tre. Suốt cả chặng đường sống, từ ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ... đều gắn với tre. Nào là đũa tre, tăm tre, chỏng - giường tre, bàn ghế, rá rổ, thúng mủng, giần sàng, nia nốn, quang gánh, cán dao, cán rựa, nơm, oi, nò, lồng cá, mõ... bằng tre, rồi quạt tre, nón lá nòng tre... Ngày tết nguyên đán người Việt dựng cây nêu bằng tre, gói bánh tét, bánh chưng bằng lạt giang... Ngày hè, những cánh diều tung gió cũng nhờ những chiếc nan tre mềm dẻo. Cúng tế cho người quá cố lắm người cũng đốt vàng mã làm bằng nòng tre...

Ngày nay, với đà phát triển kinh tế thời hội nhập, ngay ở các trung tâm đô thị lớn, bên cạnh những đồ gia dụng bằng nhiều thứ gỗ quý, gỗ nhân tạo, nhựa cao cấp..., nhiều đồ dùng bằng tre như chiếu tre, bàn ghế tre... cũng đang được ưa chuộng. Theo tôi, giữ được hình ảnh cây tre trong lòng cố đô Huế là một nét độc đáo và niềm tự hào về bảo tồn bản sắc dân tộc, xứng danh với danh hiệu một thành phố quần thể Di sản văn hóa thế giới. Điều cần quan tâm là, trồng ở đâu và trồng thế nào để vẫn phát huy được vẻ đẹp truyền thống của cây tre mà không phá vỡ cảnh quan đô thị. Hy vọng những người giữ trọng trách tôn tạo cảnh quan đô thị chú ý điều này.
 
Đỗ Xuân Cẩm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top