ClockThứ Sáu, 16/07/2010 03:35

Cây trứng cá - kẻ nhập cư không hộ khẩu

TTH - Trứng cá còn được gọi là Mật sâm, có tên khoa học là Muntingia calabura, thuộc họ Trứng cá - Muntingiaceae (trước đây được xếp trong họ Côm - Elaeocarpaceae). Cây có nguồn gốc ở vùng Trung Mỹ và miền Tây Nam Mỹ, với tên gọi là Strawberry cherry, Panama cherry. Dần dần được trồng rộng rãi khắp các vùng nhiệt đới từ châu Mỹ đến tận châu Á.

Đây là một loài cây gỗ nhỏ thường xanh, cao khoảng 7 - 12 m, phân cành nhiều, các cành xếp gần như chồng lên nhau và hơi rũ xuống. Lá hình xoan, mũi nhọn, mép có răng cưa, mặt trên xanh, mặt dưới trắng xám. Phiến lá và cành non được phủ lông mịn, giúp cây thích nghi theo hướng chịu nắng nóng. Hơn thế nữa, trứng cá là loài cây mọc nhanh, chịu được nhiều điều kiện sống khắc nghiệt như đất khô cằn, nghèo dinh dưỡng, chua hay kiềm, đồng thời cũng chịu nóng, gió khá tốt... được xem là loài cây tiên phong, nên đã được nhiều nơi thuộc vùng nhiệt đới chọn làm cây che bóng.

Hoa trứng cá nhỏ, mang 5 cánh hoa màu trắng, nhiều nhị màu vàng. Quả tròn, nhỏ (đường kính khoảng 1 - 1,5 cm), khi non màu xanh, sau chuyển qua màu vàng, rồi đỏ ửng và bóng láng khi chín, mọng nước, chứa nhiều đường và có mùi thơm rất đặc trưng. Quả chứa rất nhiều hạt nhỏ màu vàng, có khả năng tái sinh rất mạnh. Khi rơi rụng hoặc được phát tán do chim, dơi... hạt gặp đất ẩm tái sinh thành cây con dễ dàng. Khi cần, người ta chỉ cần đi nhổ cây tái sinh tự nhiên về trồng.
 

Hoa trứng cá
 
Trứng cá đã được đưa vào Việt Nam rất lâu đời, có thể là thời kỳ Pháp thuộc và cũng sớm lan tỏa khắp các miền đất nước ta hàng trăm năm về trước. Ngoài việc trồng che bóng, nhiều gia đình còn xem quả trứng cá là một nguồn thực phẩm tốt. Ngày trước, khi nguồn trái cây chưa đa dạng và phong phú như ngày nay, trẻ em, thậm chí cả người lớn rất thích ăn trứng cá. Có thể ăn tươi hoặc nấu chè, làm mứt, ép lấy nước hay làm rượu.
 
Ở Mexico, quả trứng cá không những được người trồng ăn mà còn được bày bán ở chợ. Họ thường dùng quả để làm một thứ mứt dẻo và lấy lá làm trà. Ở Brazil, cây thường được trồng dọc các bờ sông, quả rơi rụng hấp dẫn cá giúp ngư dân đánh bắt dễ hơn. Trong y học truyền thống của một số dân tộc Trung Mỹ, hoa trứng cá được dùng làm chất khử trùng và điều trị chứng chuột rút ở vùng bụng. Ở Ấn Độ, trong những vùng ven đô, người dân rất thích trồng trứng cá trong vườn để hấp dẫn các loài chim nhỏ lui tới.
 

Quả trứng cá
 
Ở nhiều khu đô thị Việt Nam, tTrứng cá được cư dân trồng làm cây bóng mát trong sân vườn và cả trên vỉa hè đường phố. Nhiều nơi, khi các cơ quan quản lý cây xanh chưa kịp ra tay trồng cây xanh, người dân đã tự phát triển cây che bóng, mà trứng cá là một trong những loài họ ưa chuộng, cũng như cây bàng vậy. Thậm chí, có nơi vỉa hè đã được thiết kế theo quy hoạch, đã đưa cây trồng, nhưng cư dân không thích vì thấy cây mọc chậm, họ đã ám sát đi để rồi cho cây trứng cá hoặc cây bàng mọc thay.
 
Ở Huế, cách đây không lâu, tôi vẫn thường thấy cây trứng cá xuất hiện rải rác đây đó, gần như khắp hang cùng, ngõ hẽm của miền cố đô. Vài con đường trước khi được chỉnh trang và trồng mới cây xanh, trứng cá đã một thời ngự trị. Hiện nay, nhiều đường phố ở khu thành nội và các phường ven đô vẫn còn nhiều cây trứng cá phơi mình để che nắng, chắn gió, cản mưa cho nhiều quán cóc ven đường, cho vài tư thất ven phố... Biết rằng, nó là chủng loại không có trong danh mục cây xanh đô thị được quản lý, là loài cây được khuyến cáo không nên trồng trên đường phố, công viên, vì quả rơi rụng gây ô nhiễm môi trường, hấp dẫn ruồi nhặng, có thể góp phần gia tăng dịch bệnh mùa hè, nhưng người dân luôn thực dụng, vẫn cứ trồng, không cần biết nó là loài "có hộ khẩu hay không". Điều còn lại là cách quản lý thế nào mà thôi?
 
 Đỗ Xuân Cẩm
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top