ClockThứ Năm, 25/12/2014 13:18

Cây vả góc vườn

TTH - Cây vả không xa lạ với thằng bé nhà quê như tôi. Dạo nhỏ, sau những buổi học, tôi thường theo mạ đi rậy (rẫy), không phải chỉ đi chơi mà là làm việc hẳn hoi theo kiểu mạ làm chi, con làm nấy.

Loay hoay với công việc, mạ con tôi giải khuây bằng những loại cây trái xung quanh, thỉnh thoảng có vài trái sim hay móc mọc hoang bất ngờ hái được, thứ của ngọt bọn trẻ con như tôi đứa nào cũng thích. Còn trường kỳ và dễ kiếm là 2 thứ trái có sẵn trong rậy: hoa mít và trái vả. Hoa mít là thứ trái mít, nghe bảo là loại mít đực nên không phát triển, ăn rất chát. Còn lại trái vả, nó cũng chát nhưng có thêm mùi vị bùi bùi, ăn sống chấm muối hay ruốc có cảm giác nghèn nghẹn, không đã lắm nhưng lâu lâu không ăn lại thèm và thấy nhớ. Trái vả cũng được mạ tôi dùng làm thức ăn như kho hay xào, nhưng một thời khó khăn ít có nhưng nguyên liệu và hương vị kèm theo nên tôi cũng chẳng thấy ngon là gì.

Cái cây vả loàng xoàng ở xó rậy của tôi, ai ngờ lại là một đặc sản của Huế và tôi được biết nó được nhớ và nhắc tới là một loại cây trái thường được trồng ở những góc vườn xứ Huế thanh tao ở miệt Kim Long, Nguyệt Biều…Vườn Huế là vườn của kẻ giàu và danh giá, chủ yếu là để ăn chơi hay để ngắm. Cây vả được trồng do thế không ngoài mục đích đó. Cứ thử tưởng tượng một cây vả có dáng vẻ là lạ, cành tỏa rộng với những chiếc lá to như lá sen, che bóng mát cả một khoảnh vườn. Rồi những cái gốc to. Những trái vả to nhất chỉ bằng nắm tay, tròn dẹt và có màu xanh lục với lông tơ mịn màng, bám theo từ gốc lên thân, tới cành thành từng chùm, mỗi chùm có đến hàng chục trái, nhìn ngồ ngộ và là lạ, ai mà chả thích. Còn hiểu theo nghĩa thông dụng ở Huế, “ăn vả” là ăn chơi, ăn cho vui và trái vả ở Huế chủ yếu là dùng để làm những món ăn chơi.

Hôm rồi anh bạn ở Huế có chuyện vui nên mời mấy người bạn tâm giao, trong đó có tôi, gặp nhau một tý cho vui ở nhà hàng Trung tâm Festival. Thời buổi thịt cá ê hề nên chán, anh em chỉ chọn mấy món rau trái làm mồi và đầu tiên không thể thiếu và đặc biệt ấn tượng là món vả trộn. Rau trái đạm bạc thế thôi nhưng cũng đến cả bạc triệu hẳn hoi. Lại nói về món vả trộn, tôi ăn cũng đã nhiều nhưng hình như chẳng bao giờ thấy ngán. Đại loại, đây là món vả luộc trộn với thịt, da heo, tôm mè… ăn kèm với bánh tráng mè, có hương vị là lạ, vừa mặn vừa ngọt, bùi bùi lại beo béo. Càng khoái và thích thú hơn khi được biết rằng, đây là món ăn chỉ ở Huế mới có, không đụng hàng với bất kỳ vùng miền nào. Mà đâu chỉ có món vả trộn, dưới bàn tay khéo léo của người đàn bà xứ Huế, từ vả còn có rất nhiều món ăn ngon, món lạ, món kiểu Huế, nổi tiếng ngon như món sườn non hầm vả, món vả chua ngọt… Lại nữa, đĩa rau sống đúng phong cách Huế, không thể thiếu vả.

Bàn về cây vả ở Huế, không thể không nhắc tới cây sung. Có câu nhiều người biết: “Lòng vả như lòng sung”. Lúc nhỏ tôi cứ thắc mắc hoài, nghe nhiều người lớn tuổi giải thích vẫn “không thông”. Sau này lớn lên mới hiểu, thì ra sung với vả cùng một họ, khác nhau ở chỗ trái sung nhỏ, lớp cùi mỏng, chát. Thỉnh thoảng người ta có làm món sung muối nhưng ăn không ngon, nó khác trái vả với nhiều món ăn đặc sắc. Ở đời nghĩ cũng lạ, ăn không được nên sung lại được dùng làm loại trái trang trí. Cái tên “sung” được người đời đặt cho như một phước lành, đó lại trái cây sung túc nên thường được chưng trong mâm ngũ quả ngày Tết để cầu mong gia đình gặp điều tốt lành. Nó khác với trái vả hữu dụng, ai đó đặt tên gán cho cái nghĩa vất vả, bần hàn nên chỉ được dùng để ăn. Lại còn có câu “trồng cây vả ngã một người” nên ít ai dám trồng và có trồng cũng chỉ một đôi cây nơi xó rậy hay sang trọng lắm thì nằm ở góc vườn, ít người chú ý.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn

TIN MỚI

Return to top